Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải thăm mô hình bưởi của gia đình ông Vũ Tuấn Dậu - thôn 2, xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng (Ảnh Tùng Linh)
Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó sự phát triển của các làng nghề, HTX tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa rất lớn trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, thúc đẩy và phát triển các sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm hàng hóa truyền thống, đặc thù của tỉnh đã được gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường với sự cạnh tranh gay gắt.
Sự ảnh hưởng, ràng buộc của các quy định quốc tế khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới ngày càng hội nhập sâu rộng kinh tế thế giới thì vấn đề đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm hàng hóa trên đang được quan tâm đẩy mạnh. Thương hiệu không chỉ là tập hợp các yếu tố xác định và phân biệt sản phẩm, đảm bảo sức cạnh tranh, tiêu thụ sản phẩm, mà nó thực sự trở thành nguồn vốn, tài sản có giá trị cho phát triển bền vững, giúp sản phẩm cạnh tranh ở thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế.
Đối với tỉnh Phú Thọ, việc hỗ trợ tạo lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm hàng hóa truyền thống, đặc trưng của tỉnh trong những năm qua đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, đẩy mạnh, trong đó chú trọng việc xác lập quyền sở hữu đối với các sản phẩm đặc hữu, sản phẩm làng nghề có giá trị của tỉnh. Tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu cho các nông sản thế mạnh, toàn tỉnh hiện có trên 20 sản phẩm, nhóm sản phẩm nông nghiệp đã được công nhận nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, điển hình như: Bưởi Đoan Hùng, sơn đỏ Tam Nông, chè xanh Chùa Tà, chè xanh Phú Thịnh, chè Dốc đen, lúa nếp Gà gáy Mỹ Lung, tương Dục Mỹ, mỳ gạo Hùng Lô,… Một số dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể được triển khai như: Rau an toàn Tân Đức, rau an toàn Phú Lợi, cá chép đỏ Thủy Trầm, cá lồng sông Đà, gà nhiều cựa Tân Sơn…
Nhận diện thương hiệu chè xanh Phú Thịnh qua phần mềm truy xuất nguồn gốc
Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng đã làm tăng giá trị đối với các sản phẩm được bảo hộ, tạo hàng hóa có tính thương mại và cạnh tranh cao. Phú Thọ nổi tiếng với thương hiệu bưởi Đoan Hùng, đây là sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý và trở thành thương hiệu đặc sản. Tuy nhiên từ trước năm 2009 khi việc phát triển thương hiệu chưa được quan tâm, dù là cây bưởi đặc sản, song bưởi Đoan Hùng không phát triển mạnh, thu nhập và đời sống của người dân vùng trồng bưởi còn thấp, tình trạng hàng giả (sản phẩm không phải là sản phẩm đặc sản) bày bán tràn lan làm cho người tiêu dùng mất niềm tin. Năm 2009, sau khi được Bộ KH&CN hỗ trợ thực hiện xây dựng chỉ dẫn địa lý và đặc biệt từ khi được dán tem, nhãn, giá trị sản phẩm bưởi Đoan Hùng đã tăng từ 25 - 30%, mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân vùng trồng bưởi với doanh thu từ 600 - 700 triệu đồng/ha đối với giống bưởi đặc sản Chí Đám và từ 250 - 400 triệu đồng/ha đối với giống bưởi đặc sản Bằng Luân.
Sản phẩm lúa nếp Gà gáy Mỹ Lung sau xây dựng nhãn hiệu tập thể, với mức giá bán như hiện nay khoảng 500.000 đồng/tạ, tăng gấp 2 - 3 lần so với các loại lúa khác. Đối với Mỳ gạo Hùng Lô sau khi xây dựng nhãn hiệu, đến nay sản lượng đã tăng gấp 2 lần lên 150 tấn/năm, giá trị tăng 30 - 40%…
Hiện nay, Sở KH&CN đã và đang tiếp tục hỗ trợ các địa phương đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là phát triển mặt hàng chủ lực của địa phương cả về số lượng và chất lượng. Đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và triển khai các dự án bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm: Nón lá Sai Nga, cá lồng Sông Lô, Chè xanh Phú Thịnh, Chè xanh Dốc Đen, rau an toàn Tứ Xã, chuối phấn vàng Thanh Sơn…
Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh là một trong những hướng đi trọng tâm rất cần thiết và mang lại hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng tập trung, nhất là đã thực hiện chủ trương mỗi địa phương có một sản phẩm đặc thù. Trên cơ sở kết quả bước đầu đã đạt được, trong thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp... về vai trò của sở hữu trí tuệ đối với sản xuất và thương mại sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là hỗ trợ tạo lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm hàng hóa truyền thống, đặc thù có lợi thế của tỉnh như chè, thủy sản, cây ăn quả có múi nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế và thu nhập cho người dân, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh.