Qui trình đóng bao chế phẩm thảo dược thay thế kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi lợn
Trao đổi với chúng tôi, TS. Nguyễn Tài Năng cho biết: Chăn nuôi lợn đang phát triển mạnh ở nhiều nơi trên toàn quốc. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết thường xuyên biến động lại khắc nghiệt là điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh phát triển. Để phòng và trị bệnh, người chăn nuôi sử dụng biện pháp phổ biến nhất là dùng kháng sinh liều cao, thậm chí không kiểm soát được liều lượng sử dụng. Hậu quả là vi khuẩn kháng thuốc, bệnh ngày càng phức tạp, hiệu quả các loại thuốc thường dùng ngày càng kém, tăng chi phí sản xuất và gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước thực tế đó, nhóm đã nghiên cứu tạo ra chế phẩm thảo dược có hoạt tính kháng khuẩn để thay thế hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh tổng hợp trong thức ăn chăn nuôi. Trong đó, đề tài chọn 4 loại thảo dược có sức kháng mạnh với cả 3 chủng vi khuẩn thử nghiệm có thể dễ kiếm gồm: Cỏ xước, riềng, cỏ sữa, rẻ quạt. Bước đầu tiến hành sơ chế dược liệu, sau đó sấy khô, kiểm tra hoạt tính kháng khuẩn của riêng từng loại thảo dược và hỗn hợp thảo dược với một số vi khuẩn gây bệnh thường gặp ở lợn: E. coli, Salmonella, Staphylococcus. Tiếp theo, thực hiện trộn trực tiếp chế phẩm thảo dược vào trong khẩu phần của lợn theo các tỉ lệ 0,1%, 0,2% và 0,3% (tỉ lệ bổ sung chế phẩm 0,3% cho hiệu quả tốt nhất).
Thực hiện qui trình trộn thảo dược
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra, khảo sát 200 hộ chăn nuôi trên địa bàn 3 huyện Đoan Hùng, Lâm Thao, Phù Ninh và thị xã Phú Thọ. Sau khi khảo sát cho thấy, người dân sử dụng dược liệu trong chăn nuôi lợn chỉ ở một phạm vi nhỏ. Việc sử dụng dược liệu trong chăn nuôi của người dân chủ yếu là tiện hoặc khi nào có thì dùng chứ không thường xuyên.
Ông Năng cho biết thêm: “Qua điều tra thực tế chúng tôi nhận thấy, đa số các hộ dân chăn nuôi lợn theo quy mô bán công nghiệp và đều sử dụng kháng sinh tổng hợp để phòng bệnh và chữa bệnh. Tuy nhiên, mức độ hiểu biết của người dân về hậu quả của việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi thì lại không cao. Điều này có thể dẫn đến một số mối nguy cơ như chất lượng sản phẩm tạo ra sẽ không cao, tăng chi phí cho thuốc thú y, giảm khả năng tăng trọng của lợn và hơn hết sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng sản phẩm vật nuôi”.
Khi bắt tay vào tiến hành chọn địa điểm, chọn đối tượng để triển khai mô hình thử nghiệm tại một số địa phương, nhóm nghiên cứu đã chọn 4 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện Lâm Thao và Phù Ninh. Mỗi cơ sở chăn nuôi thử nghiệm trên 100 con lợn thịt giống LY, ở giai đoạn cai sữa đến lúc xuất chuồng (từ 21 - 201 ngày tuổi). Với công thức bổ sung chế phẩm thảo dược ở tỉ lệ trong khẩu phần là 0,3% vào thức ăn hỗn hợp công nghiệp. Sau thời gian 6 tháng, mô hình đã cho doanh thu đạt trên 2 tỉ đồng và tổng lợi nhuận thu được từ mô hình đạt trên 331 triệu đồng; tính bình quân lợi nhuận là 855.000 đồng/con (giá đầu ra tại cùng thời điểm lợn xuất chuồng của mô hình cao hơn 6.000 - 8.000 đồng/kg so với ngoài thị trường).
Bà Nguyễn Thị Oanh ở xã Sơn Dương, huyện Lâm Thao - một trong 4 mô hình thí điểm chia sẻ: “Sau khi sử dụng các chế phẩm có nguồn gốc thảo dược để thay thế kháng sinh trong chăn nuôi đã tạo ra sản phẩm an toàn thân thiện, không gây tồn dư kháng sinh trong thịt và không gây tình trạng kháng thuốc của vi sinh vật được nhiều người ưa chuộng, đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình”.
Hiện nay, chế phẩm thảo dược đã được quảng bá tại các buổi triển lãm, như: Chương trình tự hào trí tuệ lao động Việt Nam - nằm trong top vinh danh 75 sản phẩm tiêu biểu; chương trình giới thiệu sản phẩm khoa học công nghệ giữa các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc; các chương trình quảng bá sản phẩm của nhà trường tại các gian hàng trưng bày ở Lễ hội Đền Hùng; hội thảo ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi lợn; hội thảo đánh giá ảnh hưởng của kiểu gen FUT1 và MUC4 đến năng suất sinh sản của nái Landrace và Yorkshire… Đồng thời, dự án đã chuyển giao qui trình công nghệ sản xuất thức ăn hỗn hợp bổ sung thảo dược cho Công ty cổ phần Svietnam để sản xuất 200 tấn thức ăn chăn nuôi; khẩu phần xây dựng được thực hiện bởi Công ty tư vấn giải pháp dinh dưỡng Soltech.
Có thể thấy, thành công của dự án “Hoàn thiện qui trình sản xuất và sử dụng chế phẩm thảo dược thay thế kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi lợn” có vai trò quan trọng trong việc phát triển chăn nuôi theo hướng đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm từ khâu chăm sóc đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập và tạo công ăn việc làm cho người lao động.