Năm 2017 ngành Nông nghiệp thực hiện minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử đối với Bưởi Đoan Hùng
Trước vấn đề về an toàn thực phẩm và để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Sở Công thương đã phối hợp với Viễn thông Phú Thọ và Viettel Phú Thọ tổ chức hội thảo giới thiệu giải pháp công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020, trong đó tập trung giới thiệu về sử dụng hóa đơn điện tử trong doanh nghiệp và tem xác thực nguồn gốc sản phẩm. Việc ứng dụng thương mại điện tử sẽ giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất minh bạch thông tin sản phẩm, tăng cường công tác quản lý các cơ sở do mình quản lý cũng như các cơ sở phân phối đang hợp tác và người tiêu dùng dễ dàng biết được xuất xứ sản phẩm mình mua hằng ngày.
Bên cạnh đó, từ năm 2017 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã thực hiện minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử đối với bưởi Đoan Hùng, thịt chua Thanh Sơn, chè xanh Phú Thịnh, rau an toàn Tứ Xã của các đơn vị là: Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trường FOODS, Hợp tác xã rau an toàn Tứ Xã, Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh bưởi Bằng Luân, Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh bưởi Chí Đám, Hợp tác xã chè Phú Thịnh. Theo đó, bằng điện thoại thông minh có kết nối internet cài đặt ứng dụng Icheck hoặc ứng dụng VinaCheck, người tiêu dùng khi chụp sản phẩm và quét mã QR-code sẽ thấy trên giao diện thiết bị hình ảnh, thông tin về sản phẩm như nơi sản xuất, giấy chứng nhận, kênh phân phối, thông tin cơ sở chịu trách nhiệm sản xuất, từ đó người tiêu dùng có thể đưa ra ý kiến, phản hồi với nhà sản xuất.
Trong vụ thu hoạch bưởi năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND huyện Đoan Hùng triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc lên bưởi đặc sản Đoan Hùng. Cùng với việc thí điểm dán 200.000 tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc tại 50 hộ gia đình có nhiều diện tích trồng bưởi được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGap và chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đăng ký tham gia của 2 vùng bưởi nổi tiếng Chí Đám, Bằng Luân thì các đơn vị cũng thành lập tổ giám sát để đánh giá chất lượng sản phẩm trước khi được dán tem và quản lý, cấp phát tem theo đúng quy định. Tem điện tử thông minh được quản lý chặt chẽ và được in ấn bằng chất liệu tem vỡ, dùng một lần, tích hợp công nghệ chống làm giả để giảm tối đa việc gian lận. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh cài đặt phần mềm SmartLife người tiêu dùng có thể tra cứu đầy đủ các thông tin về sản phẩm mình mua khi quét qua tem điện tử thông minh có sử dụng mã QR-code như: Giống bưởi, tên hộ trồng, ngày thu hoạch, hướng dẫn bảo quản, hàm lượng các chất trong bưởi, ảnh sản phẩm, video giới thiệu về sản phẩm… Việc dán tem gắn với từng hộ sẽ nâng cao được ý thức của người dân trong quá trình sản xuất, đồng thời quản lý được sản phẩm bưởi đặc sản theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng, hình thành kênh phân phối đảm bảo chất lượng bưởi đặc sản, truy xuất được nguồn gốc, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh góp phần bảo vệ và phát triển bền vững thương hiệu bưởi Đoan Hùng.
Khi dùng điện thoại chụp sản phẩm và quét mã QR-code, người mua sẽ thấy trên giao diện thiết bị hình ảnh và thông tin về sản phẩm
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng Nông - Lâm - Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Trên thị trường hiện vẫn còn tình trạng sản phẩm nông nghiệp không đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của những sản phẩm địa phương. Vì thế, ngành Nông nghiệp đang nỗ lực phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực triển khai hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho sản phẩm. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý chất lượng nông sản và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, nâng cao giá trị nông sản, tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn, tạo niềm tin cho người tiêu dùng về nông sản của địa phương”.
Tuy nhiên, việc ứng dụng thương mại điện tử để minh bạch thông tin cho sản phẩm nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do một số đối tượng có thể mã hoá luồng thông tin giả mạo thành mã số mã vạch và in ra dán lên hàng giả, hàng nhái. Mặt khác, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý thương mại điện tử chưa được chú trọng đầu tư và nhiều người tiêu dùng vẫn còn chưa biết cách sử dụng điện thoại để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các sản phẩm để dán tem điện tử lại đòi hỏi phải đảm bảo chất lượng tốt, vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc rõ ràng…
Để việc ứng dụng thương mại điện tử vào sản phẩm nông nghiệp đạt hiệu quả, thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chú trọng đầu tư ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm để từ đó minh bạch thông tin, xây dựng thương hiệu vững chắc cho sản phẩm của mình. Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần nâng cao năng lực quản lý trong lĩnh vực thương mại điện tử nhất là việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc tem điện tử khi đưa ra thị trường. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của chính mình, người tiêu dùng cũng cần quan tâm tới việc tìm hiểu nguồn gốc sản phẩm, từ đó thay đổi nhận thức trong thói quen mua sắm hàng hóa.