Ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông tại các cơ sở bán lẻ thuốc.
- Cùng với Vĩnh Phúc và Hưng Yên, Phú Thọ là một trong 3 tỉnh trên cả nước được Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế chọn để triển khai thí điểm “Ứng dụng kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc” giai đoạn 2017-2020. Đây là giải pháp được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích “3 trong 1” khi vừa hỗ trợ các cơ sở kinh doanh quản lý các đầu thuốc một cách khoa học, vừa giúp người dân tra cứu thông tin từng loại thuốc để đảm bảo quyền lợi khi sử dụng, đồng thời còn được kỳ vọng sẽ giúp cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hoạt động kinh doanh dược phẩm trong toàn quốc.
Trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 450/900 cơ sở bán thuốc đã được tập huấn về “Ứng dụng kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc”. Theo kế hoạch đến 1/1/2019, tất cả các cơ sở cung ứng thuốc phải có thiết bị, thực hiện kết nối mạng, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra. Có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý liên quan khi được yêu cầu. Thông qua mạng Internet, dữ liệu về hoạt động bán hàng, thống kê, báo cáo của các nhà thuốc đều được cập nhật liên tục lên hệ thống. Qua đó, giúp cho các cơ sở kinh doanh dễ dàng quản lý các đầu thuốc nhập vào và bán ra. Chị Lê Thị Trà Giang ở phố Âu Cơ, phường Tiên Cát có hệ thống 3 nhà thuốc bán lẻ trên địa bàn thành phố Việt Trì cho biết: “Kinh doanh dược phẩm là loại hình đặc thù, phức tạp vì có hàng nghìn loại thuốc khác nhau nên người quản lý phải nắm rõ được danh mục thuốc, tình hình xuất - nhập - tồn kho, hạn sử dụng của mỗi loại ra sao. Từ khi sử dụng “Ứng dụng kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc”, tôi thấy vấn đề nhập, xuất sổ sách đã tiện dụng và khoa học hơn rất nhiều, từ đó có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc thông tin các loại thuốc khi nhập về kho”.
“Ứng dụng kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc” là giải pháp công nghệ với nhiều tính năng hỗ trợ quản lý, kinh doanh dược phẩm. Dự kiến, khi chính thức đi vào hoạt động, ứng dụng hoàn thiện sẽ chuẩn hóa 60.000 danh mục thuốc y tế theo hàm lượng, mã vạch, giá… cụ thể từng loại đúng với quy định của Bộ Y tế. Theo đó, các cơ sở cung ứng thuốc chỉ được phép bày bán những loại thuốc được quản lý trong phần mềm và bắt buộc phải xuất hóa đơn kèm đầy đủ các thông tin về từng loại thuốc khi bán ra. Điều này sẽ giúp cho người dân yên tâm và tin tưởng hơn khi mua thuốc. Anh Nguyễn Văn Phượng ở phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì hồ hởi cho biết: “Trước đây, khi đi mua thuốc, tôi cũng không biết làm thế nào để phân biệt hàng thật, hàng giả nên chỉ còn cách đặt niềm tin vào các cửa hàng quen. Giờ tôi thấy việc đưa “Ứng dụng kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc” vào hoạt động là điều cần thiết, có lợi cho người dân. Vì khi đó, chúng tôi có thể dễ kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng của mỗi loại mà lại không sợ mua phải hàng giả hay hàng kém chất lượng”.
Thực tế, sau một thời gian thử nghiệm phần mềm tại các nhà thuốc trên địa bàn tỉnh cho thấy, bên cạnh những lợi ích cũng bộc lộ một số hạn chế, khó khăn như: Chi phí đầu tư máy móc, đường truyền tốn kém, khả năng ứng dụng CNTT của đội ngũ nhân viên nhà thuốc còn hạn chế. Mặt khác, “Ứng dụng kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc” do đang trong quá trình thử nghiệm nên cũng không tránh khỏi việc một số cơ sở kinh doanh “lách luật’ khi bán thuốc ra thị trường mà không in hóa đơn kèm theo cho khách hàng.
Bà Phan Vũ Thu Hà - Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế khẳng định: “Do Bộ Y tế chưa quy định cụ thể các chế tài xử phạt đối với những trường hợp này nên trước mắt, chúng tôi tập trung vào công tác tuyên truyền, khuyến khích các cơ sở tuân thủ đúng các quy định sử dụng. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc áp dụng phần mềm tại các nhà thuốc lớn, nếu phát hiện tình trạng bán thuốc kém chất lượng hoặc hết hạn sử dụng sẽ xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật. Đối với việc triển khai quản lý “Ứng dụng kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc” đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm rất lớn bởi nhiều nơi phải thay đổi cả cung cách hoạt động từ thủ công sang điện tử, phải công khai, minh bạch trong kinh doanh. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện phần mềm. Để không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước với hoạt động kinh doanh dược mà còn kiểm soát được giá thuốc, hạn chế được tình trạng kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc tại các cơ sở kinh doanh”.
Năm 2016, nhóm tác giả của Trường Đại học Hùng Vương do TS. Nguyễn Tài Năng - Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ làm Chủ nhiệm đã nghiên cứu thành công dự án “Hoàn thiện qui trình sản xuất và sử dụng chế phẩm thảo dược thay thế kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi lợn 2”.
Tiếp theo thành công Cuộc thi Sáng chế các năm 2013, 2014, năm 2018 Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao Cục Sở hữu trí tuệ cơ quan thường trực, phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Tổng Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO), Ban Khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam (VTV2) tổ chức Cuộc thi Sáng chế năm 2018 với chủ đề “Sáng tạo cho cuộc sống hàng ngày”.
Chiều ngày 25/9, tại Sở Khoa học và Công nghệ, Hội đồng đánh giá, nghiệm thu khoa học và công nghệ cấp tỉnh đã tiến hành nghiệm thu dự án: Ứng dụng công nghệ vật lý điện tử để xử lý độc tố đối với sản phẩm rượu, được sản xuất bằng phương pháp thủ công truyền thống ở tỉnh Phú Thọ. Dự án do Trung tâm Ứng dụng và Thông tin KHCN chủ trì thực hiện.
Trong những năm gần đây, một số đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đưa tiến bộ khoa học công nghệ áp dụng trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó đã xuất hiện các mô hình nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, được đánh giá có sức lan tỏa và thu hút được đông đảo người dân tham gia, góp phần tạo việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân đã đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả thiết thực, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Là một trong những tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều sản phẩm đặc trưng, thời gian qua, Phú Thọ có nhiều cơ chế, chính sách, triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.