Hải Dương: sản xuất ổi Thanh Hà theo quy trình VietGAP
Theo UBND huyện Thanh Hà, năm 2017 trên địa bàn huyện sẽ có 80 ha ổi ở 2 xã Liên Mạc và Thanh Xuân được sản xuất theo quy trình VietGAP. Ngoài ra, cây quất cũng sẽ được áp dụng quy trình sản xuất sạch. Đây là quy trình sản xuất đã được áp dụng trên cây vải của địa phương và đang khẳng định được ưu thế trong sản xuất nông nghiệp an toàn.
Sản xuất theo quy trình VietGAP đã tạo ra nhiều giá trị thiết thực cho ngành nông nghiệp Thanh Hà. Để quản lý sản xuất theo quy trình VietGAP, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi, hướng dẫn nông dân áp dụng đúng quy trình sản xuất các loại cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. UBND các xã cũng thành lập ban chỉ đạo, các nhóm sản xuất, ban giám sát nội bộ thực hiện quy trình VietGAP.
Việc sản xuất theo quy trình VietGAP đã góp phần khẳng định giá trị nông sản chủ lực của địa phương. Đến nay, Thanh Hà hiện đã có 3 loại nông sản được công nhận nhãn hiệu tập thể gồm: vải thiều Thanh Hà, ổi Thanh Hà, bưởi Thanh Hồng. Để nâng cao giá trị các loại cây ăn quả này, việc áp dụng quy trình sản xuất an toàn góp phần tạo ra nguồn nông sản sạch, chất lượng cao để phù hợp với nhu cầu thị trường là việc làm tất yếu.
Nam Định: khoai tây tăng giá nhờ công nghệ
Thành công từ công nghệ nhân giống, kết hợp với áp dụng phương pháp chế biến hiện đại giúp khoai tây Nam Định dần khẳng định được giá trị khi sản lượng và chất lượng ngày càng được nâng lên.
Là một trong những địa phương có diện tích trồng khoai tây lớn trên cả nước, mỗi năm, toàn tỉnh Nam Định phát triển từ 2.300 đến 2.500 ha khoai tây vụ Đông, cho sản lượng mỗi vụ đạt trên 30.000 tấn. Tuy nhiên, do thói quen canh tác cũ là tự nhân giống, sử dụng giống không rõ nguồn gốc hoặc giống đã bị thoái hóa... nên năng suất khoai tây của tỉnh còn thấp, chất lượng không ổn định, dẫn tới đầu ra gặp nhiều khó khăn. Do đó, giá trị kinh tế từ việc trồng khoai tây mang lại cũng chưa tương xứng với công sức của người trồng.
Nhằm giúp bà con tháo gỡ khó khăn, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (thuộc Sở KH&CN Nam Định) cùng Trung tâm Giống cây trồng (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tiến hành nghiên cứu thử nghiệm và nhân giống thành công 2 giống khoai tây Solara, Diamant nguyên chủng trong môi trường khí canh.
Hai giống khoai này có khả năng chịu được môi trường nóng, ít sâu bệnh, thích nghi với điều kiện khí hậu miền Bắc. Quy trình từ gieo trồng tới thu hoạch khép kín nên hầu như người trồng đã giảm được chi phí thuốc bảo vệ thực vật, nước, phân bón... Đến kỳ thu hoạch, giống khoai mới cho năng suất cao và ổn định, củ có ruột vàng, mẫu mã đẹp, kích thước lớn... Thành công từ thử nghiệm này giúp tỉnh Nam Định chủ động được nguồn khoai tây giống sạch bệnh và chuyển giao cho bà con canh tác.
Nhận thấy củ khoai tây địa phương đáp ứng được nhu cầu khoai thương phẩm, sau khi thành công với sản phẩm ngô nếp sấy, mít sấy, hạt điều…, Công ty TNHH Minh Dương (Minh Dương Foods, có trụ sở tại huyện Vụ Bản) tiếp tục đầu tư vào sản xuất sản phẩm khoai tây sấy.
Cẩn trọng từ khâu lựa chọn nguyên liệu, Minh Dương Foods đã liên kết với hợp tác xã Giao Phong (huyện Giao Thủy) - đơn vị thí điểm thành công trồng khoai tây vụ đông để thu mua khoai tây đầu vào. Những củ khoai tây đạt chuẩn kích cỡ, được đảm bảo canh tác theo quy trình sẽ được vận chuyển thẳng từ ruộng tới nhà máy.
Sau quá trình sơ chế, khoai tây được đem đi cấp đông và bảo quản ở nhiệt độ -2°C. Một phần trong số này trở thành thành khoai tây chưa thành phẩm, cung cấp cho các bếp ăn, nhà hàng. Phần còn lại được sử dụng để chế biến khoai tây sấy.
Nhờ áp dụng công nghệ sấy chân không (sấy thăng hoa) ở nhiệt độ dưới 100°C, khoai tây thành phẩm giữ được màu sắc, hương vị và độ ngon đặc trưng. Đây là công nghệ hiện đại đã được áp dụng trong lĩnh vực chế biến nông sản tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Hiện tại, công suất chế biến khoai tây sấy của nhà máy đạt trung bình 5 tấn một ngày và tiến tới nâng lên 18 tấn một ngày. Đây cũng sẽ là biện pháp hữu ích để giải quyết bài toán đầu ra cho một lượng lớn khoai tây địa phương.
Nhờ công nghệ nhân giống và công nghệ chế biến hiện đại, giờ đây, khoai tây Nam Định đã được nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh với nông sản cùng loại, góp phần mang lại nguồn lợi kinh tế cho bà con địa phương.
An Giang: đầu tư xây dựng dự án phát triển thương hiệu nếp Phú Tân
Nếp Phú Tân được xem là cây trồng phổ biến ở huyện cù lao Phú Tân, An Giang, đặc biệt là sản phẩm nếp đã có nhãn hiệu tập thể vào năm 2009, tuy nhiên mức độ nhận diện thương hiệu đối với nếp Phú Tân từ lâu vẫn còn bỏ ngõ, chính vì vậy để đánh giá hiện trạng xây dựng và phát triển thương hiệu nếp Phú Tân nhằm đẩy mạnh thị trường tiêu thụ sản phẩm vươn xa thế giới, mới đây vào đầu năm 2017, tỉnh An Giang đã phê duyệt dự án đầu tư cho chương trình xây dựng lại thương hiệu nếp Phú Tân.
Theo mục tiêu đề án, trước mắt tỉnh sẽ giao Sở Công thương và Trường Đại học An Giang nghiên cứu đề xuất khung cho chiến lược phát triển thương hiệu nếp Phú Tân năm 2017, trong đó các nội dung được thực hiện là nghiên cứu đánh giá hiện trạng thương hiệu và mức độ nhận biết thương hiệu nếp Phú Tân tại thị trường trong và ngoài nước; thiết lập định vị và hệ thống nhận diện thương hiệu; xây dựng chiến lược truyền thông nhằm tăng cường mức độ để khách hàng nội địa và nước ngoại nhận biết chính xác thương hiệu. Giai đoạn 2 (2018-2020) sẽ triển khai chiến lược phát triển thương hiệu nếp Phú Tân gồm: xác chiến lược truyền thông thương hiệu tại thị trường trong nước; xác chiến lược truyền thông thương hiệu tại thị trường nước ngoài khi hệ thống nhận diện thương hiệu của nếp Phú Tân được xác lập hoàn chỉnh. Với cơ hội đầu tư mới hy vọng sản phẩm nếp Phú Tân (An Giang) sẽ có thị trường tiêu thụ góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân làm giàu chính từ loại cây trồng mà họ gắn bó từ lâu đời trên xứ cù lao miền Tây Nam Bộ.
Hải Phòng: xây dựng thành công mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất tỏi đen
Vừa qua, Sở KH&CN thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị tư vấn, đánh giá kết quả thực hiện dự án: “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất tỏi đen tại Hải Phòng”. Đ/c Đinh Công Toản - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là chủ tịch Hội đồng tư vấn, đánh giá chủ trì hội nghị.
Tỏi đen là sản phẩm được lên men từ tỏi tươi hay còn gọi là tỏi trắng. Khi tỏi tươi trải qua quá trình xử lý nhiệt trở thành tỏi đen sẽ mất đi hoàn toàn mùi khó chịu, có vị ngọt đặc trưng và dai mềm khi ăn cũng như có sự chuyển hoá một cách đáng kể các hợp chất sinh học của chúng. Nhiều nghiên cứu đã báo cáo hàm lượng hoạt chất chống oxy hoá của tỏi đen cao hơn rất nhiều so với tỏi tươi và chúng có tác dụng tốt trong việc ngăn chặn các bệnh có liên quan đến quá trình rối loạn trao đổi chất, giúp giảm hàm lượng Cholesterol xấu trong máu, giảm xơ cứng động mạch, bảo vệ tim mạch, hạn chế quá trình lão hoá, hỗ trợ tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng và tăng cường sức đề kháng.
Ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phát triển Vùng - Bộ Khoa học và Công nghệ đã nghiên cứu sản xuất tỏi đen từ nguồn tỏi tía Bắc Giang cho chất lượng cao. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tỏi đen trên địa bàn Hải Phòng, từ tháng 9 năm 2015, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN Hải Phòng đã tiếp nhận chuyển giao kết quả “Nghiên cứu sản xuất tỏi đen từ nguồn tỏi tía Bắc Giang” của ThS Đào Văn Minh - Viện Nghiên cứu Phát triển Vùng, nhằm xây dựng mô hình sản xuất tỏi đen từ nguồn nguyên liệu tỏi sản xuất tại huyện Tiên Lãng, phù hợp với điều kiện thực tế của Hải Phòng.
Triển khai thực hiện dự án, đội ngũ cán bộ của Trung tâm đã xây dựng mô hình hoàn thiện về công nghệ sản xuất tỏi đen tại Hải Phòng, từ quá trình lựa chọn, sơ chế, đến lên men, làm mát, đóng gói và bảo quản sản phẩm… Kết quả, 150 kg tỏi đen do Trung tâm sản xuất được Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 1 (Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) và Trung tâm Kiểm nghiệm (Viện Thực phẩm Chức năng) tiến hành phân tích, kiểm nghiệm đạt yêu cầu về chất lượng.
Với sản phẩm đạt chất lượng cao, dự án được Hội đồng nhất trí chấm điểm 82,6 điểm và đề nghị UBND thành phố Hải Phòng nghiệm thu, công nhận kết quả thực hiện của dự án. Việc ứng dụng công nghệ sản xuất tỏi đen tại Hải Phòng sẽ góp phần nâng cao giá trị dược liệu cho cây tỏi, mở ra một hướng mới cho việc tiêu thụ, chế biến tỏi nhằm phát triển kinh tế địa phương.