Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) thường gặp độ rủi ro lớn, nhưng khi thành công sẽ đem lại giá trị gia tăng lớn cho nền kinh tế. Một hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST cần có cơ chế ưu đãi, hệ thống pháp luật, các kênh hỗ trợ để thúc đẩy phát triển.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững gồm năm yếu tố cấu thành: nguồn cung là các viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học; nguồn cầu là các doanh nghiệp ĐMST, doanh nghiệp khởi nghiệp; cơ sở dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp; các nhà đầu tư; cơ sở pháp lý, hệ thống pháp luật để bảo hộ, bảo vệ cho những nhà đầu tư, cá nhân khởi nghiệp. Một trong những kênh hỗ trợ chính là không gian làm việc chung cho hàng trăm doanh nghiệp.
Với mô hình này, thay vì tiêu tốn một số tiền lớn để chi phí, các nhà khởi nghiệp có thể sử dụng không gian làm việc chung cả ngày lẫn đêm với đầy đủ thiết bị như: máy chiếu, phòng họp, mạng wifi, chỗ nghỉ với giá bắt đầu chỉ vài trăm nghìn đồng/tháng. Thông qua môi trường trên, các doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội được gặp gỡ các nhà đầu tư, đối tác để có dự án phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực. Khi thật sự tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp, các doanh nghiệp sẽ tạo ra một cộng đồng, qua đó có những phương án cho đầu ra, đầu vào, các nguồn lực hỗ trợ.
Theo TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, để có một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn thiện, trước hết những người làm quản lý phải nắm rõ, xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ và các doanh nghiệp cũng cần nắm vững kênh hỗ trợ. Trên thực tế, các cấu phần cho hệ sinh thái đã đầy đủ nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng khởi nghiệp, các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, chưa phát triển như nhiều nước trên thế giới. Một trong những nguyên nhân là hệ thống luật pháp chưa hoàn thiện khi vấn đề đầu tư mạo hiểm vẫn chưa được quy định ở bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào.
Gần đây nhất, Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó lần đầu đề cập đến đầu tư mạo hiểm, nhưng mới dừng ở khái niệm, chưa có quy định cụ thể. Mặt khác cơ chế chính sách ưu đãi tại Việt Nam chưa tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp khởi nghiệp. Năm 2013, Bộ KH&CN đã thí điểm xây dựng "Đề án hỗ trợ khởi nghiệp theo mô hình thung lũng Silicon" của Hoa Kỳ.
Trong bốn năm vận hành, đề án tương đối thành công khi gọi được vốn đầu tư trong và ngoài nước. Quỹ đầu tư mạo hiểm định giá doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam tương đối cao. Tuy nhiên bên cạnh việc đầu tư, các quỹ của nước ngoài đều tìm cách lôi kéo doanh nghiệp khởi nghiệp ra các nước lân cận để hưởng ưu đãi tốt hơn. Chính điều này gây thiệt thòi lớn cho nền kinh tế thị trường bởi nếu đăng ký hoạt động ở nước ngoài đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đóng thuế tại nước ngoài.
Hiện nay cả nước có gần hai nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp, 21 cơ sở ươm tạo và bảy tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Một số chuyên gia cho rằng, Việt Nam mới bước vào nền kinh tế thị trường, trong khi các nước phát triển đã có kinh nghiệm hàng trăm năm về phát triển các quỹ hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Chính vì vậy, Việt Nam cần phải tìm hiểu kỹ về các quỹ, mô hình, hệ sinh thái khởi nghiệp của những nước phát triển thì mới giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công và giữ họ lại thị trường Việt Nam để thúc đẩy nền kinh tế.
Theo Bộ KH&CN, để thúc đẩy hoạt động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, cần có Nghị định của Chính phủ về đầu tư mạo hiểm và quỹ mạo hiểm. Cần xây dựng một hệ thống dịch vụ trong hệ sinh thái khởi nghiệp, giúp doanh nghiệp định giá sản phẩm, tìm kiếm thị trường, tìm các nguồn đầu tư... Các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng cần được tư vấn, hỗ trợ trong việc định giá và bảo hộ về sở hữu trí tuệ các nghiên cứu, sản phẩm. Qua đó, những bằng sáng chế, ý tưởng sáng tạo, kết quả nghiên cứu của doanh nghiệp được pháp luật bảo hộ, tránh sự cạnh tranh không lành mạnh.
Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025", tập trung vào các hoạt động như: xây dựng cổng thông tin hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương; kết nối mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ, đầu tư mạo hiểm của Việt Nam với quốc tế; ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật… Tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, vẫn cần có những chính sách riêng hỗ trợ cho từng thành phần để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam. Ngoài ra, các văn bản chính sách có liên quan đến việc đầu tư cũng cần được quy định rõ ràng để các nhà đầu tư yên tâm.