Kiểm tra chất lượng sóng phát thanh tại xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang tồn tại song song hai loại hình Đài truyền thanh cơ sở là đài sử dụng tăng âm truyền thanh hữu tuyến và máy phát FM (Frequency Modulation - sóng điều tần). Trong đó, có 189 trên tổng số 277 xã, phường, thị trấn (chiếm 68%) sử dụng máy phát FM. Sóng FM có nhiều ưu điểm về mặt dải tần số âm thanh; các tiếng ồn và độ nhiễu của khí quyển sẽ bị loại trừ, nhờ đó âm thanh được phát đi tốt hơn, trung thực hơn. Tuy nhiên, sóng FM có cự ly truyền sóng ngắn nên không thể phát xa, dễ bị suy hao tín hiệu. Bên cạnh đó, việc di tần cũng dễ xảy ra tại các cụm thu.
Khảo sát hệ thống truyền thanh cơ sở tại xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, nhóm tác giả đề tài nhận thấy, hệ thống truyền thanh có hiện tượng bị nhiễu sóng, có xen lẫn tiếng nước ngoài. Tín hiệu ở những khu vực khác nhau bị nhiễu sóng tại một số cụm thu. Nguyên nhân của tình trạng này là do sóng phát thanh thường không quá mạnh, điều kiện thời tiết tác động làm cho tín hiệu truyền có khả năng đi rất xa, dễ gây nên hiện tượng nhiễu sóng, có lúc đan xen nhau. Bên cạnh đó, với truyền thanh không dây, hệ thống loa mở liên tục, tự động thu các tín hiệu cùng tần số. Ông Hà Kim Đức, chuyên viên Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tân Sơn, một trong ba tác giả của đề tài cho biết: “Hệ thống đài truyền thanh không dây ở các xã vùng sâu, vùng xa chất lượng kém. Những năm trước đây, khi sử dụng đúng băng tần FM thì vẫn xảy ra việc nhiễu sóng phát thanh. Với mức độ can nhiễu thấp, các đài có thể áp dụng biện pháp kỹ thuật để phòng tránh. Cụ thể là ấn định tần số khác hoặc sử dụng anten chất lượng cao, độ lợi sóng tốt; đồng thời đảm bảo chất lượng máy thu, đầu thu”.
Do các bộ thu FM ở khu dân cư sử dụng cách dò sóng bằng bánh xe quay đồng trục thay đổi trị số tụ điện biến thiên (VR), không có khóa cứng tần số, thường xuyên bị lệch vị trí khi cột loa bị lay động, rung lắc gây ra hiện tượng lạc sóng, di tần, đôi khi bắt nhầm sóng của đài xã lân cận, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả thông tin, tuyên truyền. Vì vậy, nhóm tác giả đã sử dụng giải pháp chống di tần là khóa tần số bộ thu tín hiệu để tránh việc nhiễu sóng, di tần từ bộ thu, việc này được nạp chương trình và qua IC bộ mạch điều khiển.
Nhóm tác giả Kim Đức - Xuân Cường - Kim Dung đã nghiên cứu từ thực tiễn để đưa ra giải pháp lắp đặt thêm một bộ thu gồm các thiết bị: Bộ jack BNC chất lượng cao phối hợp trở kháng thu sóng của anten, module điều khiển nguồn điện kỹ thuật số, module giải mã sóng FM kỹ thuật số, bộ cân bằng điện tử cho ổn định âm thanh, bộ cài đặt giờ, hệ thống dây âm thanh chuẩn 3.5mm và jack tín hiệu âm thanh (RCA) chuyên dụng. Hệ thống được hoàn thiện để trong tủ trung tâm điều khiển; có đầu cắm trực tiếp điện lưới để cấp nguồn điện duy trì thường xuyên; các dây dẫn, đầu ra kết nối với thiết bị âm thanh của khu dân cư như âm ly, loa… (không cần qua bộ thu FM cũ của khu dân cư) và có thể giám sát và điều khiển từ xa.
Bà Hà Kim Dung, cán bộ địa chính xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn, chủ nhiệm đề tài cho biết: “Trong quá trình thực hiện giải pháp này, chúng tôi đã được UBND các xã và lãnh đạo các khu dân cư quan tâm tạo điều kiện bố trí cán bộ, địa điểm, không gian hợp lý để triển khai lắp đặt, thử nghiệm và vận hành các thiết bị. Nhờ đó mà quá trình nghiên cứu đề tài được hoàn tất nhanh chóng, chất lượng thu tín hiệu truyền thanh ở các khu dân cư đã nâng lên rõ rệt sau thử nghiệm”.
Đề tài “Giải pháp thu tín hiệu và chống di tần đối với hệ thống truyền thanh khu dân cư” lần đầu tiên được ứng dụng theo sáng tạo của nhóm tác giả tại một số địa phương của huyện Tân Sơn. Giải pháp đã nâng cao cường độ sóng FM thu được tại các cụm thu FM cơ sở, giữ ổn định sóng FM đã thu được bằng kỹ thuật số, nâng cao chất lượng âm thanh truyền ra loa phóng thanh (tổ hợp nhiều loa 16.Ohm 25w) mà không phụ thuộc khoảng cách địa lý và biến động của khí hậu, thời tiết; giúp tăng cường hiệu quả thông tin, tuyên truyền theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước; không bị chồng lấn, nhiễu sóng do đã được mã khóa tần số. Bên cạnh đó, giải pháp còn sử dụng hệ thống điều khiển tự động qua hệ thống thông tin di động, điều khiển, giám sát hoạt động của cụm thu sóng và phát thanh tại các khu dân cư; giúp tiết kiệm điện thông qua hệ thống điều khiển công suất tiên tiến; giúp chống sét, chống nhiễu sóng FM.
Ông Đỗ Xuân Cường, Phó Trưởng Phòng Quản lý Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông, một trong ba tác giả nghiên cứu đề tài chia sẻ: “Khi tham gia Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh, đề tài được đánh giá cao ở tính sáng tạo khi áp dụng thiết bị mới, hiện đại và dễ lắp đặt, sửa chữa, thay thế để phục vụ công tác truyền thanh; tích hợp nhiều phần trong lập trình, ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông. Việc sử dụng giải pháp thu tín hiệu mới này thay thế được nhiều thiết bị thu sóng tín hiệu analog đắt tiền mà hay bị lỗi, hỏng. Giải pháp còn có khả năng áp dụng ở tất cả các hệ thống truyền thanh khu dân cư các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh và trên cả nước”.
Trao đổi với chúng tôi, Ông Hà Thanh Huyến, cán bộ văn hóa xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn cho biết: “Toàn xã Lai Đồng có 9 khu dân cư sử dụng hệ thống truyền thanh FM phát trên tần số 91,8 Mhz với 9 cụm thu FM công nghệ Analog. Năm 2016 toàn bộ 9 cụm thu đều hỏng không hoạt động được. Sau khi được nhóm tác giả đề tài nghiên cứu, áp dụng giải pháp tại địa phương, các cụm thu đã được sửa chữa và hoạt động theo công nghệ mới. Đến nay, hệ thống truyền thanh của xã đã hoạt động ổn định và hiệu quả”.
Ngoài hai xã Thu Cúc và Lai Đồng, nhóm tác giả đã triển khai áp dụng giải pháp tại nhiều khu dân cư trên địa bàn các xã: Tân Sơn, Xuân Sơn, Kiệt Sơn và Vinh Tiền của huyện Tân Sơn. Với ý nghĩa thiết thực, hiệu quả, mong rằng trong thời gian tới, đề tài “Giải pháp thu tín hiệu, chống di tần đối với hệ thống truyền thanh khu dân cư” sẽ được triển khai áp dụng tại nhiều địa phương trong toàn tỉnh để nâng cao chất lượng sóng phát thanh địa phương, phục vụ nhu cầu thông tin thiết yếu của Nhân dân.