Ảnh minh họa. |
Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Liên minh các doanh nghiệp gia công công nghệ thông tin Việt Nam (Liên minh VNITO),tuy chưa có con số thống kê chính xác nhưng hiện doanh số xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin của Việt Nam xấp xỉ 1 tỷ USD/năm.
Thế mạnh tiềm năng và uy tín
Theo bảng xếp hạng của Tập đoàn tư vấn bất động sản Cushman & Wakefield năm 2016, Việt Nam đứng số 1 thế giới về dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (BPO). Tại báo cáo “Đánh giá các quốc gia về dịch vụ Gia công công nghệ thông tin tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2016” của Tập đoàn nghiên cứu và tư vấn Gartner, Việt Nam được xếp là 1 trong 6 địa điểm hàng đầu về chuyển giao công nghệ toàn cầu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trong khi đó, kết quả nghiên cứu mới đây của Công ty cung cấp dịch vụ KPMG so sánh 8 khu công nghệ có quy mô hàng đầu châu Á thì Công viên phần mềm Quang Trung (Thành phố Hồ Chí Minh) đứng thứ 3 trong tổng số 8 khu công nghệ về các yếu tố liên quan đến hoạt động như tỷ lệ lấp đầy, chính sách đãi ngộ, hạ tầng viễn thông… và đứng thứ 4 về các yếu tố liên quan đến quy mô, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, mức thu hút vốn FDI, tay nghề của nguồn nhân lực.
Những con số này cho thấy, ngành gia công phần mềm Việt Nam đang có tốc độ phát triển mạnh nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh, khiến Việt Nam được nhận định là điểm đến hàng đầu châu Á về dịch vụ công nghệ thông tin với nhiều tiềm năng to lớn.
Ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TMA Solutions cho rằng, giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD so với các ngành khác còn khá nhỏ. Tuy nhiên, đặc thù của ngành gia công phần mềm là những giá trị thu được từ xuất khẩu là giá trị thực tế, ít phải khấu trừ cho vốn về thiết bị máy móc, nguyên vật liệu như các ngành khác. Những kết quả trên chứng minh tiềm năng, thế mạnh và uy tín của Việt Nam đối với thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin toàn cầu.
Nâng cao nguồn lực -thách thức từ điểm mạnh
Theo ông Nguyễn Hữu Lệ, các tổ chức đánh giá Việt Nam xếp hạng cao trên bản đồ gia công công nghệ thông tin là một lợi thế khi ngày càng nhiều người biết đến Việt Nam, nhưng để phát triển một cách lâu dài, bền vững là một thách thức.
Hiện nhân sự ngành công nghệ thông tin có tỷ lệ “nhảy việc” cao, trong khi các doanh nghiệp ngành này của Việt Nam còn khá manh mún. Những công ty có nhân sự trên 500 người là rất ít, nên khi đối mặt với tình trạng “nhảy việc” sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ông Hùng Nguyễn, Chủ tịch LogiGear Corp cho rằng, để phát triển đột phá, ngay từ bây giờ cần đầu tư cho hoạt động R&D (nghiên cứu phát triển) cùng đó là đổi mới sáng tạo với những phương pháp, công nghệ mới để cạnh tranh hiệu quả với các nước khác trong khu vực và trên thế giới.
Ông Hùng Nguyễn cũng đưa ra yêu cầu về khả năng làm việc chuyên nghiệp của các bạn trẻ trong đó nhấn mạnh yếu tố trao quyền và khuyến khích sáng tạo.
Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Liên minh VNITO, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cùng Công viên Phần mềm Quang Trung đang phối hợp tổ chức Hội nghị xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin năm 2017. Dự kiến Hội nghị sẽ diễn ra ngày 19-20/10 tại Thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến hàng đầu châu Á về dịch vụ công nghệ thông tin.”
Hội nghị nhắm đến 3 mục tiêu chính là quảng bá thị trường tiềm năng của Việt Nam như là một điểm đến hấp dẫn về công nghệ thông tin; kết nối các công ty trong nước với nước ngoài, giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận khách hàng tiềm năng; chia sẻ hợp tác nguồn lực về công nghệ thông tin.
Dự kiến, Hội nghị sẽ thu hút sự có mặt của hơn 150 tập đoàn đa quốc gia, tổ chức lớn, các công ty công nghệ cao có nhu cầu hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam về dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài, cùng hơn 250 doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước, các công ty nhân sự và 20 trường đại học chuyên ngành.
Dưới sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), sản phẩm thực phẩm mới giàu dưỡng chất từ nguồn quả điều đã có mặt tại sự kiện Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ quốc tế TechDemo 2018 do Bộ KH&CN tổ chức diễn ra ngày 3-5/10/2018 tại Thành phố Cần Thơ.
Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, trong 3 năm trở lại đây, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Phú Thọ liên tục được cải thiện và có những bước tăng trưởng đáng khích lệ (năm 2015 xếp thứ 35/63 tỉnh thành; năm 2016 xếp thứ 29/63 tỉnh thành; năm 2017 xếp thứ 27/63 tỉnh thành).
“V-KIST- Diễn đàn Công nghiệp lần thứ I” là sự kiện đầu tiên mà Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam Hàn Quốc (V-KIST) tổ chức trên cơ sở hợp tác với các Hiệp hội Việt Nam trong ngành công nghiệp điện tử, tự động hóa, nhằm tìm hiểu nhu cầu về công nghệ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.
Chiều 29/8/2018, tại Hà Nội, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức “VKIST - Diễn đàn Công nghiệp lần thứ I” với chủ đề: “Nhu cầu công nghệ trong quá trình sản xuất tự động hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam”.
Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) sẽ giúp ngân hàng nâng cao lợi nhuận, đảm bảo tính sẵn sàng cao cho hệ thống. Điều này giúp người tiêu dùng Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận hơn với các dịch vụ tài chính hàng đầu trong và ngoài nước. Từ đó giúp các ngân hàng trong nước nâng lên một tầm cao mới, phát triển và cạnh tranh với các ngân hàng tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.