Hàng loạt các vụ "thôn tính" đình đám, hay sự trỗi dậy ấn tượng của các thương hiệu điện thoại Trung Quốc, tới những vụ bê bối về tấn công mạng... là những sự kiện công nghệ nổi bật nhất năm 2014.
Hàng loạt các vụ “thôn tính”
Năm 2014 cũng chứng kiến một loạt các thương vụ mua lại “đình đám” nhất. Điển hình nhất là việc Microsoft hoàn tất thương vụ mua lại mảng dịch vụ và thiết bị Nokia, đồng thời quyết định xóa sổ thương hiệu này khỏi các nhãn hiệu smartphone Lumia. Điều này khiến không ít người yêu thích hãng điện thoại Phần Lan cảm thấy tiếc nuối.
Tiếp theo là Lenovo mua lại Motorola từ Google với giá khá “bèo” - 2,91 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức giá ban đầu Google chi ra để có được Motorola. Lenovo hứa hẹn sẽ giữ nguyên thương hiệu này.
Vụ thôn tính đình đám không kém chính là Facebook chi tới 22 tỷ USD để mua ứng dụng nhắn tin WhatsApp. Báo chí Mỹ đã gọi đây là “mức giá điên khùng” vì vào thời điểm đó WhatsApp chỉ có 55 nhân viên, 450 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng, 70% số đó dùng thường xuyên hàng ngày. Mỗi ngày WhatsApp thu hút thêm 1 triệu người dùng.
CEO Steve Ballmer từ chức
Tháng 2 năm nay, Steve Ballmer đã từ chức giám đốc điều hành của Microsoft sau 14 năm "trị vì" (từ tháng 1 năm 2000). Satya Nadella - cựu giám đốc của Bing được chỉ định nắm quyền điều hành Microsoft và trở thành CEO thứ ba trong lịch sử hãng phần mềm Mỹ. Steve Ballmer được cho là đã có nhiều quyết định sai lầm khiến Microsoft chậm chân trên thị trường di động. Nadella đã thổi một làn gió mới cho hãng và bắt đầu với những chiến lược kinh doanh hoàn toàn khác so với người tiền nhiệm.
Ba vị CEO của Microsoft.
iCloud bị hack và hơn 100 sao Hollywood lộ ảnh nóng
Đây không phải là vụ tấn công lớn nhất của năm nhưng lại gây chú ý nhất vì những nội dung nhạy cảm bị phát tán hồi cuối tháng 8. Hàng trăm hình ảnh khỏa thân “nóng bóng” của các sao nữ nổi tiếng lần lượt bị phát tán. Vụ việc này đã gây ảnh hưởng đến hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng như Jennifer Lawrence, Kate Upton, Vanessa Hudgens, Rihanna, Hillary Duff, Kim Kardashian, Mary Elizabeth Winstead...Hacker đã mất hàng tháng tìm cách xâm nhập vào tài khoản iCould của những người nổi tiếng.
Apple khẳng định, vụ rò rỉ ảnh nóng là “tấn công có chủ đích” của tin tặc chứ không phải do lỗ hổng iCloud. Tuy nhiên, cho dù Apple vẫn luôn luôn duy trì được hệ thống an ninh không bị “hack” nhưng không thể phủ nhận rằng, nội dung thông tin nhạy cảm bị rò rỉ là lấy từ dịch vụ iCloud của hãng.
Cơn sốt Flappy Bird
Flappy Bird chính là biểu tượng thành công cho những trò chơi trên thiết bị di động trong năm 2014. Sản phẩm cũng rất đáng tự hào vì người làm ra chính là một developer Việt Nam - Nguyễn Hà Đông và hoàn thành nó chỉ trong 2 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, doanh thu và độ “hot” lại vượt mặt so với game của nhiều hãng game lớn trên thế giới do hàng nghìn developer cùng tham gia phát triển. Đặc biệt, Hà Đông lại có 1 hành động được cho là khó hiểu khi gỡ game này khỏi Apple Store trong lúc đang "hot" và thu được rất nhiều tiền. Không phải ai cũng làm được điều đó và đó là điều không thể lý giải được.
Alibaba có vụ IPO lớn nhất lịch sử
Alibaba đã phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 19/9. Công ty niêm yết IPO trị giá 150 tỷ USD là con số kỷ lục trong lịch sử thị trường chứng khoán New York và việc này cũng làm cho sáng lập Jack Ma trở thành người giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản ước trị giá 25 tỷ USD.
Bất ngờ với Apple
Năm 2014 quả thực là năm quá nhiều bất ngờ đối với Apple trên thị trường thiết bị di động và chính CEO của công ty cũng gây ngạc nhiên lớn. Đây là năm đầu tiên Apple trình làng đồng hồ thông minh Apple Watch đầu tiên và phá lệ tung ra 2 chiếc iPhone cỡ lớn. Tuy nhiên, ngay sau đó, iPhone mới đã vướng vào scandal “bendgate” khi trên mạng Internet xuất hiện đầy rẫy các video ghi lại cảnh những người dùng cố gắng bẻ cong sản phẩm này. Và điều khiến nhiều người ngỡ ngàng nhất khi hồi tháng 10, CEO Tim Cook công khai tự nhận ông là người đồng tính.
Chào lưu tự sướng lên ngôi
“Tự sướng” là cụm từ được nhắc đến nhiều trong năm 2013 nhưng phải đến năm nay, xu hướng này mới được các nhà sản xuất smartphone theo kịp. Chính vì thế, năm nay các smartphone đua nhau nâng “chấm” cho camera trước để phục vụ cho nhu cầu “tự sướng” của người dùng. Một số điện thoại chụp ảnh “tự sướng” đáng chú ý nhất là Sony Xperia C3 và HTC Desire EYE…
Uber
Uber là dịch vụ hoạt động trên điện thoại dưới dạng ứng dụng để kết nối người đi và tài xế taxi. Ứng dụng này đã có 1 năm đầy tai tiếng, từ việc tài xế có những hành xử không chuẩn mực cho đến những vụ kiện tụng. Hồi tháng 11 vừa qua, scandal lại tiếp tục nổ ra khi Phó Chủ tịch Uber Emil Michael lên tiếng công khai thông tin cá nhân của nữ nhà báo Sarah Lacy làm việc cho tờ PandoDaily. Trong tháng 12 vừa qua, Uber lại gây choáng khi tự nâng giá trị của mình từ 1,2 tỷ USD lên 41 tỷ USD.
Sự trỗi dậy của các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc
Không có gì ngạc nhiên khi các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc trong năm nay lại có sự trỗi dậy thực sự mạnh mẽ. Hầu hết các nhà sản xuất này đã có một thời gian khá dài bán điện thoại chỉ trong thị trường Trung Quốc và bắt đầu tham vọng vươn ra thị trường quốc tế. Năm 2014 các đối thủ Trung Quốc như Xiaomi, Oppo, Lenovo, Huawei… bắt đầu khiến cho các “tay chơi nặng ký” cảm thấy thực sự áp lực.
Áp lực này dẫn đến doanh số bán hàng của các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu thấp hơn, và Samsung là ví dụ điển hình nhất. Mặc dù vẫn dẫn dầu thị trường nhưng doanh số bán hàng của Samsung nhanh chóng sụt giảm mạnh trong năm nay và các nhà sản xuất Trung Quốc không ngừng lớn mạnh khi 3 trong số Top 5 nhà sản xuất smartphone toàn cầu đến từ Trung Quốc gồm Huawei, Xiaomi và Lenovo.
Trong số những nhà sản xuất Trung Quốc nổi lên nhanh chóng chính là Xiaomi. Tuy thành lập cách đây mới chỉ 4 năm, nhưng hãng sản xuất smartphone đến từ Trung Quốc Xiaomi đã nhanh chóng trở thành một "thế lực". Theo thống kê gần đây nhất của Gartner, tính đến quý III/2014, Xiaomi đã vươn lên trở thành hãng smartphone lớn thứ 4 thế giới với 16 triệu máy bán được trong quý này.
Sony Pictures Entertainment
Sony Pictures là nạn nhân gần đây nhất của tin tặc với các cuộc tấn công vào hệ thống rất khốc liệt, khiến cho các nhân viên của Sony Pictures phải chuyển sang sử dụng bút và giấy. Hacker đã lấy được hơn 100TB dữ liệu khác nhau, từ mật khẩu của nhân viên và thông tin chi tiết thẻ tín dụng tới lịch sử y tế và các chi tiết về tiền lương điều hành. Đây được đánh giá là vụ tấn công tồi tệ nhất vào một công ty trong lãnh thổ Mỹ, làm bê bối thanh danh Sony trong việc bảo mật thông tin.