Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là lựa chọn bắt buộc, con đường duy nhất đưa đất nước phát triển.
Ngày 1/4, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư nghe báo cáo cập nhật kiến thức và cho ý kiến hoàn thiện chuyên đề về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Sau khi nghe báo cáo, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết việc cập nhật kiến thức chuyên đề này nằm trong kế hoạch và chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đây là hoạt động thể hiện quyết tâm cao nhất của lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Theo Tổng Bí thư, để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thành công nghị quyết, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư đã đi đầu trong việc cập nhật kiến thức về lĩnh vực mới, khó và không ngừng thay đổi này.
Khẳng định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là "lựa chọn bắt buộc, là con đường duy nhất để đưa đất nước phát triển và nâng cao đời sống cho nhân dân", Tổng Bí thư yêu cầu các cơ quan thời gian tới phải triển khai mạnh mẽ để đạt được hai mục tiêu cao nhất là quản trị xã hội tốt hơn và ứng dụng vào sản xuất, tăng năng suất lao động.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp. Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên người đứng đầu Đảng cũng nhận định từ trước đến nay khoa học và công nghệ chủ yếu được ứng dụng trong quản trị xã hội, việc đưa vào quá trình sản xuất để nâng cao năng suất lao động chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó các doanh nghiệp tư nhân hiện rất nhanh nhạy trong tiếp cận và triển khai vấn đề này một cách linh hoạt và hiệu quả, góp phần nâng cao quản trị doanh nghiệp, quản lý dữ liệu, cũng như tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Vì vậy, các cấp "phải bám sát thực tiễn để mở rộng cách tiếp cận".
Tổng Bí thư đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư để hoàn thiện báo cáo, phục vụ Hội nghị Trung ương 11 khóa 13 theo đúng kế hoạch. Báo cáo cần chú trọng cập nhật các xu hướng mới trên thế giới về khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, đồng thời chỉ rõ các vấn đề cụ thể và giải pháp triển khai để khắc phục hạn chế, tránh tình trạng nêu chung chung, nhằm thống nhất nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị.
Văn phòng Trung ương Đảng được giao tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, bổ sung và hoàn thiện các chương trình, kế hoạch để tham mưu triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị.
Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57, khẳng định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu và đưa đất nước phát triển bứt phá trong kỷ nguyên mới.
Vũ Tuân - VnExpress
Sáng 27/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với 73 điều, có hiệu lực từ ngày 1/10/2025.
Không chỉ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, Việt Nam đang từng bước hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện, sẵn sàng thu hút nhân tài, công nghệ và nguồn vốn toàn cầu. Những định hướng lớn từ Nghị quyết số 57 và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị đang tạo nền tảng vững chắc để đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế đổi mới sáng tạo năng động hàng đầu khu vực.
Hai nhà máy trí tuệ nhân tạo (AI Factory) của FPT đặt tại Nhật Bản và Việt Nam lần lượt giữ vị trí thứ 36 và 38 trong bảng xếp hạng Top 500 về siêu máy tính hiệu năng cao công bố tháng 6/2025.
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, tỉnh Phú Thọ đã và đang có những bước đi chiến lược nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình số hóa. Một trong những điểm nhấn quan trọng là việc triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” nhằm phổ cập kiến thức, kỹ năng số ....
Các nhiệm vụ của Nghị quyết 57 được chia thành sáu hệ thống, với 30 sáng kiến đột phá, triển khai phần lớn trong giai đoạn 2025-2030.
Triển khai trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, người dân không chỉ là bước tạo cơ sở pháp lý, đổi mới mạnh mẽ bộ máy hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước mà việc triển khai trợ lý ảo giúp cán bộ, công chức nắm vững quy trình, nhiệm vụ, quyền hạn theo từng cấp hành chính. Trên cơ sở đó, người dân có thể chủ động tra cứu, yêu cầu cung cấp dịch vụ công nhanh nhất, mọi lúc, mọi nơi - không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Liên kết trang
0
2
0