Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi phong trào "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số" phải diễn ra thần tốc, táo bạo.
"Thần tốc hơn nữa, táo bạo hơn nữa, như những ngày tháng 4 lịch sử cách đây 50 năm", Thủ tướng nhấn mạnh trong lễ phát động sáng 24/4 tại Hà Nội. Theo ông, phong trào quan trọng phải thực chất, để người dân được hưởng thụ thành quả, khi đó chủ trương của Đảng, Nhà nước mới thực sự có hiệu quả. Lời kêu gọi của Thủ tướng nhận được sự hưởng ứng từ hàng nghìn sinh viên có mặt tại hội trường.
Nhắc đến chương trình Bình dân học vụ số được phát động hồi tháng 3, Thủ tướng cho biết hai phong trào này có tính chất khác nhau, nhưng cùng hướng đến thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị. Đây là văn kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là lời hiệu triệu, kêu gọi đưa đất nước vào kỷ nguyên giàu mạnh.
Theo Thủ tướng, trong thế giới ngày nay, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là yêu cầu khách quan, xu thế tất yếu mà còn là con đường để Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức, đưa đất nước sánh vai cùng các cường quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia lễ phát động phong trào "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số", ngày 24/4. Ảnh: Bộ KH&CN
Bên cạnh thành tựu đạt được, Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, đòi hỏi hành động quyết liệt để vượt qua được thách thức. "Phải chỉ ra những cái chưa làm được một cách khách quan, cụ thể, rõ ràng", Thủ tướng nói.
Ông nhận định AI đang phát triển với tốc độ rất cao, nhưng "chúng ta không thể thua trí tuệ nhân tạo". Điều thứ hai ông nhấn mạnh là "khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không có giới hạn, không biên giới, không giới tính, không tuổi tác và không tôn giáo".
Trong bối cảnh đó, phong trào Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và phong trào Bình dân học vụ số có ý nghĩa quan trọng. Thủ tướng yêu cầu, đến năm 2030, Việt Nam phải trở thành quốc gia có tiềm lực, trình độ công nghệ và đổi mới sáng tạo tiên tiến, thuộc nhóm dẫn đầu các nước thu nhập trung bình cao.
"Mục tiêu là quy mô kinh tế số chiếm 30% GDP, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt trên 80%, Việt Nam phải sở hữu hạ tầng số hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, ngang tầm các nước tiên tiến", Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Tại lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND Hải Phòng Hoàng Minh Cường đánh giá đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là động lực đột phá giúp nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, mở ra cơ hội phát triển nhanh, bền vững.
Ông cho biết thành phố sẽ ưu tiên đầu tư vào mạng băng rộng, trung tâm dữ liệu, nền tảng số, đào tạo kỹ năng số cho cán bộ và người dân, thu hút nhân tài công nghệ thông tin, AI. "Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và công tác chỉ đạo, điều hành là hai yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả của đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số", ông nói.
Đại diện các nhà khoa học trẻ, TS. Chu Đức Hà, Giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, mong muốn khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ thực sự tạo ra thay đổi có ý nghĩa, phục vụ cộng đồng xã hội. Tiến sĩ Hà đề xuất Thủ tướng và các cấp lãnh đạo "tin tưởng, mạnh dạn giao nhiệm vụ, đặt hàng các bài toán lớn cho nhà khoa học trẻ".
"Với kiến thức chuyên môn, tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm, chúng tôi sẵn sàng đương đầu khó khăn, thách thức để đóng góp trí tuệ, sức trẻ, nhiệt huyết của mình", nhà khoa học trẻ xung phong nhận sứ mệnh.
Ông Tạ Minh Vang, Chủ tịch CEH, xem chuyển đổi số cảng biển là gốc rễ để tối ưu hóa chi phí logistics. "Chúng tôi là doanh nghiệp non trẻ, nhưng tự hào đã hình thành một hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ công nghệ số lớn mạnh, phục vụ nhu cầu chuyển đổi số toàn diện cho các cảng biển’, ông nói.
Doanh nghiệp này cũng xung phong nhận sứ mệnh xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số cảng biển tầm cỡ quốc gia, xây dựng giải pháp công nghệ, ứng dụng cho các khu kinh tế thương mại tự do và hợp tác các trường Đại học để đào tạo thực chiến.
Trong khi đó, ông Bùi Quang Huy, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, cho biết sẽ triển khai phong trào tới Đoàn viên thanh niên cả nước, lực lượng xung kích trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Trọng Đạt - Lưu Quý (VnExpress)
Chuyển đổi số đã và đang “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, trở thành mục tiêu, nhiệm vụ của các cấp, ngành, địa phương, trong đó có giáo dục. Các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh đang ứng dụng chuyển đổi số để đổi mới phương thức quản lý, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Sáng ngày 23/4/2025, tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ, Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện dự án: “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "Mường Kịt" cho sản phẩm cam, quýt, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ”, dưới sự chủ trì của Thạc sỹ Chu Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc Sở KH&CN Phú Thọ - Chủ tịch Hội đồng
Sáng 22/4, tại UBND huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ đã diễn ra Hội nghị công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Tôm càng xanh Cẩm Khê”
Ngày 17/4, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức lớp tập huấn nhằm phổ biến các quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ; nâng cao kiến thức, các kỹ năng trong quá trình đăng ký xác lập, thực thi quyền Sở hữu trí tuệ.
Tỉnh Phú Thọ hiện có hơn 300 sản phẩm OCOP. Trong những năm gần đây, việc ứng dụng chuyển đổi số đã và đang góp phần nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, trở thành động lực để các sản phẩm OCOP phát huy hiệu quả kinh tế cao.
Liên kết trang
0
1
0