Ngày 14/6/2018, tại Vĩnh Phúc, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội thảo “Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động KH&CN cho nhà báo, phóng viên cơ quan báo chí”.
Các đại biểu tham dự tại Hội thảo.
Hội thảo nhằm thông tin về các sự kiện, hoạt động, thành tựu KH&CN được xã hội quan tâm thời gian qua, định hướng các thông tin cần đẩy mạnh tuyên truyền thời gian tới; đồng thời chia sẻ các nội dung nhằm nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa các đơn vị trong thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực KH&CN.
Tham dự Hội thảo có ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN; ông Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ phát triển KH&CN địa phương; ông Trần Quang Tuấn - Giám đốc Trung tâm truyền thông, Bộ KH&CN, cùng phóng viên, cộng tác viên thông tấn báo chí theo dõi lĩnh vực KH&CN.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông Trần Quang Tuấn phát biểu tại Hội thảo.
Ông Trần Quang Tuấn cho biết, trong những năm qua, ngành KH&CN đã có nhiều nhiều kết quả đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và các địa phương nói riêng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, ứng dụng và đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
KH&CN ngày càng nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ Việt Nam và được xem là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững,… Hoạt động truyền thông KH&CN vì vậy cũng được quan tâm và chú trọng đầu tư, là một trong sáu giải pháp chủ yếu để thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011- 2020. Báo chí và các loại hình truyền thông về lĩnh vực KH&CN chính là kênh thông tin nhanh nhất, hiệu quả nhất để truyền tải những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân; là kênh tập hợp ý kiến, đề xuất, nguyện vọng của nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân,… từ đó có cơ sở để đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển KH&CN. Đồng thời tuyên truyền rộng rãi, kịp thời những nhân tố điển hình, những đơn vị có nhiều đóng góp tích cực trong lĩnh vực KH&CN.
Đặc biệt, trong những năm qua, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhà báo khắp cả nước đã sát cánh cùng ngành KH&CN, tích cực tham gia tuyên truyền về KH&CN, góp phần đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào cuộc sống và sản xuất kinh doanh, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của KH&CN, ông Trần Quang Tuấn cho biết thêm.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy khẳng định vai trò, tầm quan trọng của phóng viên, nhà báo trong việc thông tin, tuyên truyền kết quả dự án, nghiên cứu, công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ đến công chúng.
Thứ trưởng lưu ý, dự án khoa học thường không nhìn thấy được hiệu quả “tức thì”, cần thời gian theo dõi, nghiên cứu, vì vậy cần thông tin thực tế vấn đề, không thông tin theo kiểu “vùi dập” để dự án "chết yểu"... Ngoài ra, cần đưa ý kiến đánh giá đa dạng, nhiều chiều từ các chuyên gia, nhà khoa học… Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, khoa học và công nghệ đóng vai trò quan trọng cùng các bộ, ngành “hành động” có hiệu quả.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng đã giới thiệu những vấn đề chung về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhấn mạnh các xu hướng phát triển công nghệ hiện nay, những góc nhìn khác từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0…
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh phát biểu tại Hội thảo.
Vụ trưởng Vụ Đánh giá Thẩm định và Giám định Công nghệ Đỗ Hoài Nam phát biểu tại Hội thảo.
Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN Địa phương Nguyễn Văn Liễu phát biểu tại Hội thảo.
Các đại biểu tham dự Hội thảo còn tập trung trao đổi các vấn đề liên quan đến Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), những điểm mới trong Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), tình hình thực tế sau khi Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2017. Ngoài ra, Hội thảo cũng chú trọng đến kết quả hoạt động khoa học và công nghệ địa phương, nhấn mạnh tầm quan trọng, vai trò của truyền thông KH&CN địa phương để đẩy mạnh hoạt động này thời gian tới…
Đây là những nội dung rất quan trọng, giúp các phóng viên, cộng tác viên các cơ quan thông tấn báo chí cập nhật kịp thời, chính xác cơ chế chính sách mới, hiệu quả của KH&CN, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong việc cung cấp thông tin cho xã hội, tuyên truyền phổ biến pháp luật, phổ biến kiến thức liên quan, đóng góp cho phát triển kinh tế, ổn định xã hội.
Tại Hội thảo, các phóng viên, nhà báo cùng nhau chia sẻ những giải pháp để thúc đẩy công tác thông tin tuyên truyền, góp phần tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động KH&CN thời gian tới./.
Dưới sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), sản phẩm thực phẩm mới giàu dưỡng chất từ nguồn quả điều đã có mặt tại sự kiện Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ quốc tế TechDemo 2018 do Bộ KH&CN tổ chức diễn ra ngày 3-5/10/2018 tại Thành phố Cần Thơ.
Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, trong 3 năm trở lại đây, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Phú Thọ liên tục được cải thiện và có những bước tăng trưởng đáng khích lệ (năm 2015 xếp thứ 35/63 tỉnh thành; năm 2016 xếp thứ 29/63 tỉnh thành; năm 2017 xếp thứ 27/63 tỉnh thành).
“V-KIST- Diễn đàn Công nghiệp lần thứ I” là sự kiện đầu tiên mà Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam Hàn Quốc (V-KIST) tổ chức trên cơ sở hợp tác với các Hiệp hội Việt Nam trong ngành công nghiệp điện tử, tự động hóa, nhằm tìm hiểu nhu cầu về công nghệ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.
Chiều 29/8/2018, tại Hà Nội, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức “VKIST - Diễn đàn Công nghiệp lần thứ I” với chủ đề: “Nhu cầu công nghệ trong quá trình sản xuất tự động hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam”.
Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) sẽ giúp ngân hàng nâng cao lợi nhuận, đảm bảo tính sẵn sàng cao cho hệ thống. Điều này giúp người tiêu dùng Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận hơn với các dịch vụ tài chính hàng đầu trong và ngoài nước. Từ đó giúp các ngân hàng trong nước nâng lên một tầm cao mới, phát triển và cạnh tranh với các ngân hàng tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.