Sáng 24/10, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).
Góp ý về quy định bảo vệ quyền dân sự, đại biểu Đinh Xuân Thảo (TP Hà Nội) tán thành việc cần quy định về bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền để thể chế hóa Hiến pháp về việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Đồng thời, đại biểu cho rằng, quy định về áp dụng tập quán, lẽ công bằng, tương tự pháp luật là phù hợp, cần thiết, không trái với nguyên tắc “thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, vì hệ thống luật thành văn cũng không thể bao quát hết mọi tình huống phát sinh trong xã hội.
Đại biểu Đinh Xuân Thảo (TP Hà Nội) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN |
Đại biểu Lê Đắc Lâm (tỉnh Bình Thuận) cũng đồng tình việc quy định cho phép áp dụng tập quán, tương tự pháp luật và lẽ công bằng trong Bộ luật dân sự là cần thiết. Tuy nhiên, cơ chế áp dụng còn nhiều ý kiến khác nhau. Do thực tế cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm cũng còn có những vụ án áp dụng pháp luật xử cũng khác nhau. Ngay như Hội đồng Thẩm phán đã có hướng dẫn cụ thể, nhưng khi áp dụng lại không thống nhất. Ở Việt Nam, nên hay không nên có án lệ vẫn đang là vấn đề được tranh luận. Để áp dụng cơ chế này, trước hết phải tin tưởng và giao cho Thẩm phán áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, lẽ công bằng trong xét xử.
Về chuyển đổi giới tính, đại biểu Đinh Xuân Thảo (TP Hà Nội); đại biểu Nguyễn Trung Thu (tỉnh Long An) đồng tình việc chuyển đổi giới tính kèm theo nhiều vấn đề xã hội phát sinh liên quan đến y tế, bảo hiểm, hôn nhân và gia đình, các chính sách an sinh xã hội... Để bảo đảm tính thận trọng, hợp lý, đề nghị cho tách việc chuyển đổi giới tính thành một điều riêng. Như vậy phù hợp cả tính nhân văn, phù hợp với điều lệ quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Có ý kiến không tán thành với quy định của dự thảo về việc không công nhận quyền chuyển đổi giới tính nhưng người đã chuyển đổi giới tính được thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân kèm theo giới tính mới được chuyển đổi.
Cho ý kiến về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (tỉnh Bình Định) không tán thành về việc bổ sung “Tòa án được quyền điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản”. Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, quy định như vậy thì làm sao đảm bảo các hợp đồng được thực hiện nghiêm túc, làm sao đảm bảo các bên thực hiện đúng kế hoạch của mình đặt ra căn cứ trên các hợp đồng đã ký? Đồng thời, sẽ tạo kẽ hở cho một bên lợi dụng khi họ không muốn cam kết trong hợp đồng. Đây cũng là cách có thể các doanh nghiệp lợi dụng để cạnh tranh không lành mạnh khi cố tình đưa các sự việc không đáng ra tòa để Tòa án sửa đổi hợp đồng.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh dẫn chứng, nếu một dự án bất động sản, khi nguyên vật liệu tăng lên yêu cầu bên ký hợp đồng phải nộp thêm tiền, nếu không sẽ hủy hợp đồng, trong khi nếu nguyên vật liệu giảm, họ vẫn giữ nguyên giá như trong hợp đồng thì liệu có công bằng hay không?
Bàn về lãi suất, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình quy định mức lãi suất cố định ngay trong Bộ luật dân sự tối đa là 20%/năm. Đồng thời, đề nghị không nên sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu vì cho rằng đây là công cụ điều hành chính sách tiền tệ, do đó chỉ nên quy định một mức lãi suất cố định trong Bộ luật dân sự với tỉ lệ % tính theo năm của khoản tiền vay cho ổn định.
Ngoài ra, nhiều ý kiến đại biểu tán thành quy định thời hiệu thừa kế như trong dự thảo. Theo đó, thời hiệu để những người có quyền thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau: Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu một cách ngay tình, liên tục, công khai, nếu việc chiếm hữu phù hợp với quy định tại Bộ luật này; Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai theo quy định tại Bộ luật này./.