PhuthoPortal - Với nỗ lực lớn, quyết tâm cao đưa tỉnh Phú Thọ đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo, ngay sau hợp nhất, các địa phương trên địa bàn tỉnh không chỉ bắt tay mà đã chuyển động, tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân.
Từng địa phương chuyển động
Như các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, guồng máy hoạt động của chính quyền xã Vĩnh Tường đã trơn tru, hiệu lực, hiệu quả ngay những ngày đầu đi vào hoạt động.
Đồng chí Nguyễn Phương Nam, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã Vĩnh Tường được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị trấn Vĩnh Tường, thị trấn Tứ Trưng, xã Lương Điền và xã Vũ Di. So với các địa phương khác, Vĩnh Tường có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, nhất là công nghiệp và thương mại, dịch vụ, bởi xã Vĩnh Tường được thừa hưởng về hạ tầng cơ sở, hạ tầng giao thông đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại từ Huyện ủy, UBND huyện Vĩnh Tường cũ. Hơn nữa, trên địa bàn có Khu công nghiệp Đồng Sóc quy mô hơn 200ha - một trong những khu công nghiệp trọng điểm được Chính phủ định hướng phát triển theo mô hình khu công nghiệp hiện đại, xanh và bền vững; có ngành thương mại, dịch vụ phát triển mạnh dọc các trục đường chính, với hệ thống chợ, các siêu thị như Winmart, Điện máy Xanh... đã có mặt, phát triển, thu hút đông đảo người dân đến mua sắm.
Xã Vĩnh Tường sẽ ngày một đổi thay từ các chương trình, đề án phát triển kinh tế mới
Theo đồng chí Nguyễn Phương Nam, trên cơ sở rà soát, tổng hợp, đánh giá các tiềm năng, thế mạnh của từng khu vực, xã Vĩnh Tường sẽ tiến hành điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng; xây dựng các chương trình, đề án phát triển kinh tế cho phù hợp với từng giai đoạn. Trước mắt là sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục các tồn tại, hạn chế về đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng; đẩy mạnh đấu giá đất ở khu vực xã Lương Điền, xã Vũ Di (cũ), tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển; khuyến khích bà con nông dân chủ động áp dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết chuỗi...Phấn đấu nửa chặng đường còn lại của năm 2025, tăng trưởng kinh tế của địa phương đạt 2 con số.
Tương tự như xã Vĩnh Tường, sau nhiều cuộc họp bàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Sơn Đông đã đưa ra các phương hướng, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài để đưa kinh tế địa phương tăng trưởng.
Đồng chí Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đông cho biết: Sau sáp nhập, Sơn Đông hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển kinh tế vì từ lâu địa phương đã nức tiếng cả nước với nghề đóng tàu, dịch vụ đường thủy và hiện nay còn có thêm nghề trồng hoa cây cảnh, nghề mây tre đan mang lại thu nhập cao cho các hộ dân khi ở xã Triệu Đề (cũ) có tới 90% hộ dân tham gia trồng, kinh doanh cây cảnh; xã Cao Phong (cũ), nhiều hộ dân duy trì, phát triển nghề mây tre đan và địa phương này là xã đầu tiên của huyện Sông Lô (cũ) đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
Cũng theo đồng chí Lê Văn Sơn, để kinh tế phát triển, góp phần cùng tỉnh đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số, xã Sơn Đông sẽ tiến hành rà soát tổng thể quy hoạch triển kinh tế - xã hội; điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng; đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần của Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị và chương trình, kế hoạch hành động của tỉnh về phát triển kinh tế tư nhân. Ưu tiên phát triển thương mại, dịch vụ dọc các trục đường chính, nhất là đường Tỉnh lộ 305, khu vực xung quanh cầu Phú Hậu và tới đây là khu vực xung quanh cầu Cao Phong khi dự án cầu này được khởi công xây dựng nối với thành phố Việt Trì. Tiếp tục khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch sinh thái gắn với nghề trồng cây cảnh Triệu Đề và các di tích lịch sử như Đền thờ Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn; Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, đền thờ Nhà giáo, Quan Đại thần Đỗ Khắc Chung.
Không chỉ có 2 địa phương trên, tăng tốc phát triển, bứt phá vươn lên, cả 146 xã, phường còn lại của tỉnh Phú Thọ đã và đang tập trung rà soát lại các quy hoạch; đánh giá rõ những tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng khu vực để xây dựng các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, nhất là đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trước mắt để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Dồn lực để 6 tháng cuối năm, GRDP tăng 10,5%
Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Thọ, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế, trước khi hợp nhất, cả 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình đã sớm ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01, ngày 08/01/2025 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025; Nghị quyết số 02, ngày 08/01/2025 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025. Cùng với đó, tập trung triển khai nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, bảo đảm việc sắp xếp không ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, người dân, doanh nghiệp; kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy và các Nghị quyết của HĐND tỉnh; đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc để triển khai các dự án nhất là các dự án lớn, dự án trọng điểm. Nhờ đó, 6 tháng đầu năm, môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có sự cải thiện rõ rệt, nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn so với cùng kỳ và vượt so với mục tiêu phấn đấu của kịch bản tăng trưởng 2 con số.
Piaggio Việt Nam một trong những doanh nghiệp đóng góp tích cực cho ngân sách của tỉnh
Nổi bật như, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân chung của 3 tỉnh đạt 10,09%, cao hơn mục tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 25. Trong đó, Phú Thọ tăng 10,33%, đứng thứ 9/63; Vĩnh Phúc tăng 10,07% đứng thứ 10/63; Hòa Bình tăng 9,72%, đứng thứ 13/63 tỉnh. Chia theo ngành kinh tế, 6 tháng đầu năm, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 15,32%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,26%; ngành dịch vụ tăng 8,2%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 31.700 tỷ đồng, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 63,4% kịch bản phấn đấu cả năm. Trong đó, thu nội địa đạt xấp xỉ 28.400 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 82,3% dự toán HĐND tỉnh giao và đạt 66,4% kịch bản phấn đấu cả năm 2025.
Bên cạnh đó, công tác thu hút vốn đầu tư có nhiều khởi sắc, với 469 triệu USD vốn dự án FDI và gần 43.200 tỷ đồng vốn đầu tư từ các dự án DDI. Đặc biệt, nhiều dự án mới về nhà ở xã hội, dự án đô thị, du lịch được khởi công xây dựng; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng cho thấy những tín hiệu lạc quan về môi trường đầu tư và các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp phát huy được hiệu quả, tạo tiền đề để thu hút đầu tư, phát triển trong thời gian tới.
Với đích đến GRDP cả năm của tỉnh Phú Thọ đạt 10,3%, hiện nay, cùng với tập trung ổn định bộ máy tổ chức, đưa bộ máy chính quyền 2 cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương dồn lực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu trong 6 tháng cuối năm, tăng trưởng kinh tế đạt 10,5%; trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 15,5%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,7% và dịch vụ tăng 9,0%.
Theo đó, tỉnh Phú Thọ sẽ chỉ đạo các sở, ngành địa phương rà soát các cơ chế, chính sách, bảo đảm sự đồng bộ trong quá trình triển khai; kịp thời thực hiện các chính sách về thuế, phí nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh; triển khai các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Chủ động làm việc với từng nhà đầu tư chiến lược để thu hút các dự án lớn, dự án công nghệ cao, các ngành công nghiệp có lợi thế; đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn, dự án trọng điểm, dự án giao thông quan trọng, dự án liên vùng, liên tỉnh, dự án an sinh xã hội. Cùng với đó, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thu ngân sách Nhà nước, nhất là các nguồn thu từ các hình thức kinh doanh mới, thu tiền sử dụng đất, các hộ, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế theo doanh thu thực tế. Tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo kịch bản đề ra.
Thanh Nga – Thu Thủy
baophutho.vnKinh tế tuần hoàn là một trong những hướng đi quan trọng nhằm phát triển bền vững, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, mô hình này đã từng bước được lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cũng như các chương trình, đề án cụ thể của tỉnh, tạo nền tảng cho một chu trình sản xuất, tiêu dùng xanh, tuần hoàn và bền vững hơn.
3 mạch nguồn Vĩnh Phúc, Hòa Bình và Phú Thọ hòa chung một dòng chảy, tạo nên một vùng đất đầy tiềm năng, khu vực kinh tế năng động, giàu triển vọng hàng đầu khu vực phía Bắc. Cùng kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn trong xúc tiến đầu tư của Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Thọ mới mở ra những cơ hội vàng cho nhà đầu tư, nhất là các dự án công nghệ cao (CNC) đến xây tổ và cất cánh bay xa.
baophutho.vnChủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng các Ban của HĐND các tỉnh, thành phố sau hợp nhất, sáp nhập, trong đó có tỉnh Phú Thọ.
baophutho.vnSáng 29/6, 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hoà Bình tổ chức tổng duyệt chương trình Lễ công bố nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ mới và 148 xã, phường mới.
baophutho.vnNgày 25/6, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Thọ đã gặp mặt, chia tay các đồng chí chuyển công tác và thôi tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Ngày 24/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký các quyết định chỉ định nhân sự giữ chức vụ Chủ tịch UBND các tỉnh, thành mới sau sáp nhập.
Liên kết trang
0
2
0