|
Làng Phần mềm F-Ville 2 nằm trong quần thể Tổ hợp dự án F-Ville tại Khu CNC Hòa Lạc được cấp phép năm 2012. F-Ville 1 được đưa vào sử dụng năm 2013, hiện có 2.000 nhân lực làm việc. Theo ôngTrương Gia Bình, Làng phần mềm F-Ville, với diện tích làm việc 28.000 mét vuông đáp ứng khoảng 3.000 chỗ làm việc, là trung tâm xuất khẩu phần mềm có quy mô lớn nhất và đầu tiên được xây dựng tại khu CNC Hòa Lạc. "FPT cam kết sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục đào tạo, phát triển hạ tầng, nghiên cứu và phát triển để Làng phần mềm F-Ville tại khu CNC Hòa Lạc trở thành một trung tâm toàn cầu về dịch vụ chuyển đổi số”, ông Bình khẳng định. Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT nhấn mạnh, 5.000 nhân lực tại làng F-Ville sẽ cùng đội ngũ nhân lực của FPT Software tại Nhật Bản, Mỹ, Đức, Pháp, Slovakia, Singapore, Hàn Quốc… nghiên cứu và triển khai các dự án cho khách hàng tại thị trường Nhật Bản.
Năm 2017, FPT Software đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 30%, đạt khoảng 300 triệu USD và tiếp tục đẩy mạnh mảng dịch vụ chuyển đổi số (Digital Transformation Services). Cùng với việc tiếp tục tăng trưởng mạnh về doanh thu, trong giai đoạn 2017 - 2020, FPT Software cần tuyển 20.000 nhân sự ở tất cả các vị trí từ kiểm thử, lập trình viên, kỹ sư cầu nối, biên dịch (Comtor) đến quản trị dự án.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Sự kiện hôm nay cũng như thêm một nốt nhạc vào bản nhạc của các bạn. Chúng ta phải làm sao biến Khu công nghệ cao (CNC) Hoà Lạc thành một trung tâm đúng nghĩa là Khu CNC quốc gia do Bộ KH&CN trực tiếp quản lý”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: "Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vừa đặt ra một bài toán làm sao trong thời gian ngắn nhất Việt Nam có 1 triệu lao động chuyên về công nghệ thông tin (CNTT), dịch vụ CNTT… trong khi hiện nay mới chỉ đạt 300.000 - một con số rất khiêm tốn. Tới đây, chắc chắn doanh số sản sinh từ công nghệ phải lớn hơn nhiều. Song để điều này trở thành hiện thực, phải cần nhiều làng phần mềm hơn, không chỉ FPT mà còn những các doanh nghiệp khác, như vậy chúng ta mới có thể đạt được những mong ước trên".
Cũng trong khuôn khổ sự kiện khai trương Làng phần mềm F-Ville 2, FPT Software đã tổ chức hội thảo, triển lãm công nghệ, giới thiệu và trình diễn các ứng dụng, giải pháp dựa trên các nền tảng công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng số như Internet of Things (IoT); Internet of Verhicle (IoV); phân tích dữ liệu (Analytics); robotics; trí tuệ nhân tạo (AI-Artificial Intelligence)… do FPT nghiên cứu và phát triển. Những ứng dụng, giải pháp này đang được FPT triển khai cho nhiều tập đoàn lớn trên toàn cầu. Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất ô tô, FPT Software đã và đang triển khai 150 dự án cho khách hàng Nhật Bản, Hàn Quốc với các giải pháp xử lý để ô tô tự động đi đúng làn đường; giải pháp xe tự hành dựa trên sử dụng sóng âm thanh; giải pháp giúp ô tô tự lái phát hiện và theo dõi đa vật thể...
Sau khi đi thăm cơ sở vật chất của Đại học FPT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nghe lãnh đạo nhà trường nói về chiến lược phát triển của Đại học FPT trong thời gian qua và mục tiêu trong thời gian tới, trước khi nói chuyện với hàng trăm sinh viên, giảng viên nhà trường.
Phó Thủ tướng khẳng định công nghệ thông tin (CNTT) có vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phong trào khởi nghiệp sáng tạo được nhắc đến nhiều. Điều quan trọng, các bạn sinh viên phải tự tìm hiểu về những cơ hội, thách thức cũng như cơ hội thực sự mà cuộc cách mạng lần thứ tư mang lại. Nhắc lại thời điểm Việt Nam mạnh dạn lựa chọn công nghệ số hóa - cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba trong khi nhiều nước đang lưỡng lự, Phó Thủ tướng cho rằng ngành CNTT của Việt Nam cũng như những ngành liên quan đã phát triển mạnh mẽ từ cuộc cách mạng này, nhưng vẫn còn những thời cơ chưa được tận dụng. Và thực tế dù đã có những kế hoạch, đề án phát triển thành nước mạnh về CNTT, với dân số trẻ, quy mô lớn, được đánh giá cao về năng lực… nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt được được mục tiêu khi Chính phủ điện tử mới dừng ở vị trí 80-90 thế giới. Thị trường dịch vụ CNTT đạt 3 tỷ USD so với con số 943 tỷ USD của thị trường toàn cầu. Trước khi chúng ta nghĩ đến việc tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thì cần phải tận dụng ngay những lợi thế còn lại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói chuyện với sinh viên, giảng viên Đại học FPT.
Nói chuyện với sinh viên Đại học FPT, Phó Thủ tướng nêu vấn đề và phân tích cụ thể: Có ý kiến nói do chính sách của Nhà nước, do DN của Việt Nam yếu nhưng điều quan trọng ai cũng nhận ra là lực lượng làm CNTT của chúng ta còn mỏng về số lượng, yếu về chất lượng. Trong đó có nguyên nhân quan trọng từ môi trường giáo dục đại học chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, của nền kinh tế. Phó Thủ tướng chia sẻ, để Việt Nam bắt kịp các nước công nghiệp mới thì 20 năm tới đây chúng ta phải tăng trưởng ít nhất 8-9%/năm, cùng với đó là phải phát triển bền vững, không ảnh hưởng tới tương lai, bảo đảm công bằng xã hội. Muốn như vậy, bản thân các bạn phải là những người thực sự khát vọng và phải thật mới. Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải có cuộc cách mạng trong học tập, trong quản trị, trong chính sách về CNTT. Bởi những cơ hội từ một cuộc cách mạng không tự nhiên đến nếu không có sự dấn thân.
“Chúng ta không thể trở thành nước mạnh về CNTT khi một số nước đã không sử dụng 2G, trong khi chúng ta mới khai trương 4G và 3G tốc độ còn chậm, chất lượng chưa cao. Chúng ta không thể tận dụng tốt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nếu không có các quyết sách rất mạnh về chủ trương, thuế, tài chính để các DN phát triển các xa lộ thông tin rộng lớn; nếu không tháo gỡ được các vướng mắc khiến các DN khởi nghiệp sáng tạo phải đặt trụ sở ở Singapo, Mỹ”, Phó Thủ tướng trăn trở và nhấn mạnh đến sự chủ động, sáng tạo trước hết ở từng sinh viên, từng cơ sở đào tạo, từng doanh nghiệp để thấy hết được ý nghĩa kết nối của của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để những người giỏi không phải đi tìm cơ hội làm việc ở nước ngoài, sinh viên tốt nghiệp đi làm ở những tập đoàn lớn không phải đào tạo lại.
Theo Phó Thủ tướng, ở Đại học FPT, chất lượng một số chuyên ngành, đặc biệt là CNTT, có thể mạnh nhưng mặt bằng chung về chất lượng nhân lực CNTT bậc đại học và sau đại học của cả nước vẫn còn yếu. "Hãy để những điều đang được áp dụng trong môi trường đào tạo của Đại học FPT được nhân rộng ra trong nhiều mái trường khác. Ngoài học để làm việc thật tốt, các bạn phải nhân rộng tinh thần và ý chí của mình ra cộng đồng sinh viên và xã hội, bao gồm cả rèn luyện chuyên môn, kỹ năng mềm, kể cả ý chí kinh doanh từ lúc còn đi học", Phó Thủ tướng chia sẻ. "Tôi chỉ có một niềm mong ước nhỏ nhoi là các bạn sinh viên Đại học FPT hãy lan tỏa tinh thần cuộc cách mạng 4.0 này đến các bạn sinh viên khác. Chúng ta phải ý thức được rằng đất nước này ko thể “bước đến đài vinh quang để sánh vai cường quốc năm châu” nếu các bạn không dám nuôi ước mơ. Các bạn phải khơi dậy mọi sự sáng tạo, giá trị riêng của từng người, như các bạn đã và đang làm trong mái trường này. Hãy thật sự khát vọng cháy bỏng và hết mực sáng tạo", Phó Thủ tướng nhắn nhủ.