Những mô hình HTX kiểu mới đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nông dân
Trên địa bàn tỉnh hiện có 401/407 HTX đang hoạt động đăng ký theo Luật HTX năm 2012, đạt tỷ lệ 98,5%; còn 6 HTX chưa chuyển đổi theo quy định. Doanh thu bình quân 1 HTX năm 2017 đạt 1.939,2 triệu đồng, tăng 6,9% so với năm 2016. Lợi nhuận bình quân 1 HTX đạt 137,9 triệu đồng, tăng 8,2% so với năm 2016. Tổng số thành viên HTX tính đến thời điểm cuối năm 2017 là 107.649 người. Số lao động thường xuyên làm việc tại HTX 4.120 người. Thu nhập của lao động thường xuyên làm việc tại HTX là 2,59 triệu đồng/người/tháng. Các HTX đã có sự đổi mới về phương thức hoạt động, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp.
Tháng 8/2014, HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Nham (huyện Phù Ninh) chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Đây là HTX hoạt động theo mô hình sản xuất kinh doanh nông nghiệp tổng hợp gồm kinh doanh dịch vụ thủy lợi, cung ứng vật tư nông nghiệp và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn với 13 thành viên tham gia, có tổng số vốn điều lệ ban đầu trên 150 triệu đồng. Sau khi chuyển đổi, HTX đứng ra tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm và cung cấp các sản phẩm đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật, con giống đến bà con nông dân trong vùng. Sau khi tiêu thụ sản phẩm các thành viên trích một phần lập quỹ sử dụng cho việc cung cấp đầu vào. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX luôn đạt hiệu quả cao. Doanh thu của HTX năm 2017 đạt 750 đồng; năm 2018 doanh thu ước đạt khoảng 1 tỷ đồng. Đời sống vật chất, tinh thần của các hộ dân trong HTX được nâng lên. Ông Đỗ Văn Kết - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Nham cho biết: “Thực hiện mô hình HTX kiểu mới, do sản xuất theo hình thức tập thể nên tất cả các chi phí từ dịch vụ đầu vào đến công lao động, vận chuyển đều giảm đáng kể, từ đó giá thành sản phẩm cũng giảm, thu hút được các doanh nghiệp đến thu mua. Hơn nữa, bà con khi tham gia vào HTX được tập huấn khoa học kỹ thuật, HTX đứng ra bảo lãnh để vay vốn, tìm đầu ra cho sản phẩm nên rất phấn khởi”.
HTX Nông lâm nghiệp - Dịch vụ Cường Thịnh ở xã Thạch Kiệt (huyện Tân Sơn) chuyển đổi phương thức hoạt động từ tháng 6/2014. Từ khi chuyển đổi, ngoài việc thực hiện tốt các dịch vụ truyền thống là cung cấp dịch vụ thủy lợi, HTX còn phát triển thêm một số dịch vụ mới như: Giao cho các xã viên sản xuất trên toàn bộ quỹ đất địa phương giao bằng việc xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả như mô hình trồng lúa chất lượng cao, trồng bí đỏ, trồng cỏ VA06 phục vụ chăn nuôi bò, cung ứng cây keo giống, tiêu thụ gỗ nguyên liệu cho bà con. Do lợi thế của xã Thạch Kiệt là đồi rừng nên phát triển kinh tế nông lâm nghiệp trở thành thế mạnh, chiếm hơn 60% tổng giá trị sản xuất. Tận dụng thế mạnh này, HTX Nông lâm nghiệp - dịch vụ Cường Thịnh đã huy động bà con xã viên nhân rộng đàn trâu, bò, mở rộng diện tích trồng cỏ ở diện tích canh tác lúa năng suất thấp, mang lại nguồn thu ổn định cho các thành viên. Bên cạnh đó, HTX còn bám sát khung lịch thời vụ để cung ứng kịp thời giống, phân bón phục vụ sản xuất. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa và các cây rau màu cho xã viên theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu phụ thuộc vào nước trời mà chuyển sang sản xuất theo hướng hàng hóa, đẩy mạnh luân canh 3 vụ (2 lúa 1 màu). Nhận thấy đất nông nghiệp ở Thạch Kiệt không nhiều lại kém màu mỡ, nên những diện tích có thể trồng lúa nước đều được HTX vận động xã viên tận dụng tối đa và hướng dẫn thâm canh, xen canh, sử dụng giống mới cho năng suất cao. Hằng năm tỷ lệ lúa lai của xã luôn chiếm khoảng 80% diện tích.
Từ các mô hình làm ăn có hiệu quả sau khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, có thể thấy điểm chung ở các HTX kiểu mới là lấy lợi ích của thành viên là mục tiêu cho hoạt động và phát triển. HTX phải mang lại lợi ích cho thành viên thông qua đáp ứng nhu cầu chung về sản phẩm, dịch vụ, việc làm của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý. Nói cách khác, HTX kiểu mới luôn song hành với các thành viên, đứng ra làm những việc mà nếu từng hộ thành viên làm thì sẽ không hiệu quả, nhất là trong sản xuất nông nghiệp như: Cung cấp đầu vào, đầu ra, hỗ trợ nông dân vay vốn, tiếp cận vốn ngân hàng, đàm phán với doanh nghiệp trong việc thu mua sản phẩm để tránh được tình trạng ép giá, phá giá…
Ông Nguyễn Thành Nam - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Trong thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh luôn chú trọng xây dựng phát triển các loại mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa, phát triển các sản phẩm chủ lực theo thế mạnh của địa phương nhằm dịch chuyển cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, rào cản trong xây dựng HTX kiểu mới ở các địa phương trong tỉnh hiện nay chính là nông dân vẫn còn thiếu niềm tin vào HTX; vốn cho sản xuất kinh doanh thiếu, điều kiện tiếp cận vốn không đảm bảo; cán bộ HTX chưa được đào tạo... Trước những khó khăn trên, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thấy lợi ích thực sự của mô hình HTX kiểu mới; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các HTX hoạt động theo đúng bản chất HTX kiểu mới, đó là lấy lợi ích của thành viên là mục tiêu cho hoạt động và phát triển. Tiến hành rà soát, phân loại các HTX để nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ, giúp cho thành viên HTX được hưởng lợi”.
Có thể thấy, HTX kiểu mới đã trở thành nền tảng liên kết giữa HTX và doanh nghiệp, nông dân để có thể gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm địa phương. Mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới đã phát huy hiệu quả trong việc thay đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo đầu ra ổn định, tăng doanh thu và tạo việc làm cho nông dân, lao động, từ đó không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn gắn với chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.