Ngày 7/10/2015, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy điển đã công bố quyết định trao giải Nobel Hóa học năm 2015 cho ba nhà khoa học: Tomas Lindahl (77 tuổi, người Thụy Điển, đang làm việc tại Viện Francis Crick ở London và phòng thí nghiệm Clare Hall tại Hertfordshire, Anh); Paul Modrich (69 tuổi, người Mỹ, đang nghiên cứu tại Viện Y học Howard Hughes ở Washington và là giáo sư ngành hóa sinh tại Đại học Dunke, bang Bắc Carolina, Hoa kỳ); và Aziz Sancer (69 tuổi, người Thổ Nhĩ Kỳ, hiện đang giảng dạy tại Đại học Bắc Carolin, Hoa Kỳ), vì những công trình nghiên cứu của họ về cơ chế tự sửa chữa ADN và bảo vệ thông tin di truyền của tế bào.
Thông cáo của Ủy ban Nobel Hóa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy điển nêu rõ: Mỗi ngày, bộ gen di truyền của chúng ta lại bị hư hại vì tia tử ngoại và các tác nhân khác. Nhưng ngay cả khi không chịu sự tác động từ bên ngoài như thế, một phân tử di truyền đã rất không ổn định. Hoạt động phân chia tế bào diễn ra hàng ngày có thể gây ra các khiếm khuyết và tạo nên thay đổi trong bộ gen. Nói cách khác, đó một tiến trình diễn ra hàng triệu lần mỗi ngày trong cơ thể con người. Lý do để vật chất di truyền của chúng ta không biến thành một đống hỗn độn là bởi sự tồn tại của nhiều hệ thống cấp phân tử, thường xuyên theo dõi và sửa chữa gen di truyền.
Ba nhà khoa học được vinh danh trong lĩnh vực hóa học năm nay vì đã tìm ra cơ chế tự sửa chữa ADN ở mức độ phân tử của tế bào. Những công trình nghiên cứu của ba nhà khoa học trên đã giúp lập bản đồ và giải thích cách thức tế bào sửa chữa dữ liệu di truyền, qua đó bảo vệ thông tin về gen, đồng thời đã cung cấp kiến thức cơ bản về các chức năng của một tế bào sống và nhờ vậy có thể được ứng dụng rộng rãi, đặc biệt là phát triển các phương pháp mới điều trị ung thư.
Vào đầu những năm 1970, giới khoa học từng tin rằng ADN là một phân tử vô cùng ổn định, nhưng Tomas Lindahl đã tin vào điều ngược lại khi cho rằng ADN phân hủy với tốc độ nhanh đến mức có thể khiến toàn bộ sự sống trên Trái đất trở thành điều không thể. Chính sự thấu hiểu đó đã dẫn ông đến với khám phá về một cơ chế ở cấp độ phân tử, ở đó luôn có sự điều chỉnh, sửa chữa ADN và bảo vệ thông tin di truyền của tế bào. Công trình của nhà khoa học Tomas Lindajl đã cách mạng hóa những hiểu biết thông thường về ADN có từ vài thập kỷ trước. Đây được coi là một trong những phát hiện khoa học xuất chúng nhất.
Nhà khoa học Aziz Sancar đã tìm ra được cơ chế mà các tế bào sử dụng để sửa chữa những tổn thương của ADN do tia tử ngoại gây ra. Ông đã lập được bản đồ về một cơ chế sửa chữa gen di truyền có tên “Sửa chữa cắt bỏ nucleotide”. Hệ thống này được tế bào sử dụng để sửa các hư hại do tia tử ngoại và các chất tác động khác gây ra. Những người từ lúc mới sinh ra nếu bị khiếm khuyết hệ thống tự sửa chữa này thường có nguy cơ mắc bệnh ung thư da nếu như tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng Mặt trời. Ngoài ra, ông cũng phát hiện ra rằng bản thân tế bào cũng có cơ chế tự sửa chữa các khiếm khuyết gây ra bởi các chất gây biến đổi gen khác. Aziz Sancar là người Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên nhận giải Nobel Hóa học và ông hy vọng giải thưởng của mình có thể thúc đẩy sự phát triển của khoa học tại đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. “Nó rất quan trọng với đất nước tôi, các nhà khoa học trẻ Thổ Nhĩ Kỳ cần một hình mẫu để chứng tỏ họ có thể có nhiều đóng góp quan trọng cho khoa học”, Aziz Sancar nói.
Còn nhà khoa học Paul Modrich đã phát hiện ra rằng, tế bào đã tự sửa lỗi xảy ra khi ADN được nhân đôi trong quá trình phân chia tế bào. Nếu cơ chế sửa chữa này không phù hợp do những khuyết tật bẩm sinh, thì có thể gây ra một biến thể di truyền của bệnh ung thư, như ung thư ruột kết.
Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển đánh giá các phát hiện của ba nhà khoa học trên rất quan trọng trong nghiên cứu ung thư. Tất cả các công trình nghiên cứu và phát hiện của họ đã cung cấp cho chúng ta những kiến thức cơ bản về chức năng của các tế bào, những kiến thức mà giới khoa học có thể tận dụng để tìm ra các phương pháp mới điều trị ung thư trong tương lai.
Năm ngoái, Giải Nobel Hóa học đã được trao cho ba nhà khoa học: Eric Betzig và William Moerner (người Mỹ) và Stefan Hell (người Đức) vì những nghiên cứu của họ giúp cải thiện độ phân giải của kính hiển vi quang học, mở đường cho chế tạo kính hiển vi huỳnh quang siêu phân giải.
Làm thế nào để có một cơ thể dẻo dai, cơ bắp săn chắc, giảm được tình trạng béo phì của mình trong khi trong nhà lại không có đầy đủ dụng cụ, cũng không có đủ thời gian và tiền bạc để đi đến các phòng tập gym.
Có mối liên quan chặt chẽ giữa dinh dưỡng với sức khỏe và bệnh tật. Chế độ ăn có ảnh hưởng lớn trong việc duy trì sức khỏe, cải thiện năng lực và trí tuệ…
Muối là gia vị không thể thiếu trong chế biến món ăn. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều muối lại gây nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính nguy hiểm như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đột quỵ…
Đi bộ không những tốt cho thể lực mà còn cho trí não. Thật sự có một sự hổ tương tuyệt vời giữa cơ thể và tinh thần. Đi bộ trong 30 phút và nhiều lần trong tuần giúp giải stress, tinh thần được phấn khởi, ngoài ra giúp tăng cường trí nhớ và trên hết là thuốc liệu pháp an thần “thiên nhiên”.