Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn – Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam cho biết, trong các ngày 28 và 29-7, người yêu thích thiên văn Việt Nam sẽ được chiêm ngưỡng sao băng Delta Aquarids.
Theo đó, thời điểm lí tưởng nhất để quan sát hiện tượng này là từ 2 giờ sáng cho tới trước bình minh. Tuy nhiên, đây chỉ là trận mưa sao băng cỡ trung bình, cực điểm chỉ từ 15-20 sao băng/giờ, lại rơi vào thời điểm có trăng. Do vậy, tại các đô thị lớn - nơi có mức độ ô nhiễm khí quyển cao, việc quan sát sẽ gặp khó khăn.
Mưa sao băng có thể được quan sát bằng mắt thường, không cần đến sự trợ giúp của các dụng cụ thiên văn. Khoảng giữa tháng 8, trận mưa sao băng lớn nhất trong năm sẽ xuất hiện, có tên là Perseids.
Sao băng Delta Aquarids được cho là kết quả để lại của sao Chổi 96P Machholz – một sao Chổi có chu kì ngắn. Vị trí trung tâm của hiện tượng này là chòm sao Aquarius.
Theo Hội thiên văn học trẻ Việt Nam, mưa sao băng xảy ra khi ngôi sao chổi đến gần mặt trời và tạo ra các mảnh vỡ - hay còn gọi là thiên thạch - bắn ra xung quanh quỹ đạo của sao chổi.Mưa sao băng tiếp cận với Trái Đất khi quỹ đạo của hành tinh trùng với đường đi của sao chổi. Các ngôi sao băng sẽ di chuyển song song với nhau và cùng một tốc độ. Đứng trên Trái Đất sẽ cảm giác như chúng bắt nguồn từ một điểm duy nhất trên bầu trời.
Vì mưa sao băng Delta Aquarids xảy ra vào thời gian gần giống với trận Perseid, nên gây nhầm lẫn cho nhiều người.Tuy nhiên mọi người có thể phân biệt được thông qua hướng đi của chúng. Tại Bắc bán cầu, Delta Aquarids sẽ xuất hiện từ phía nam, trong khi Perseids sẽ đến từ phương bắc. Ngược lại ở Nam bán cầu, Delta Aquarids có nguồn gốc từ trên cao và Perseids đi từ phía bắc.