30 năm đổi mới (1986-2016) là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Khoa học và công nghệ là một trong những lĩnh vực được Đảng và Nhà nước quan tâm từ rất sớm, đến nay nhìn lại 30 năm đổi mới, có thể khẳng định cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn, thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của đất nước.
Hệ thống văn bản chính sách pháp luật được hoàn thiện
Ông Phạm Quang Trung, Phó Bí thư Đảng ủy chuyên trách, Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh thành tựu quan trọng và phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ chính là hệ thống văn bản chính sách pháp luật được hoàn thiện.
Có thể nói nói sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước cho khoa học và công nghệ được “kết tinh” và khẳng định rõ trong giai đoạn 2011-2015, với môi trường thể chế và hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ được hoàn thiện.
Quan điểm, đường lối và tầm nhìn dài hạn về phát triển khoa học và công nghệ được thể hiện tại Văn kiện Đại hội XI của Đảng năm 2011, Nghị quyết số 20 ngày 1/11/2012 Hội nghị Trung ương 6, khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Nghị quyết 20 nêu rõ phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp; ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển khoa học và công nghệ.
Đáng chú ý, ngày 11/4/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 418 phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu đưa khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt, đảm bảo đến năm 2020 khoa học và công nghệ Việt Nam có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến, hiện đại của khu vực ASEAN và thế giới.
Nghị quyết 20 và Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ là khung cơ bản để ban hành Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 (sửa đổi) thay Luật khoa học và công nghệ năm 2000. Đây là dấu ấn rất quan trọng, tạo sự thay đổi trong tư duy quản lý hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo cũng như định hướng, để khoa học và công nghệ “bứt phá” và phát triển.
Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 đã tiến thêm một bước trong các nỗ lực tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện tổ chức, hoạt đông và cơ chế quản lý khoa học và công nghệ.
Đổi mới tập trung vào 3 nhóm chế định: Đầu tư và tài chính; chính sách cán bộ; quản lý hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ. Hệ thống văn bản dưới Luật cũng được ban hành đồng bộ để hoàn thiện Luật khoa học và công nghệ, đưa tinh thần đổi mới của Luật đi vào cuộc sống.
Sự ra đời của Luật Khoa học và Công nghệ cùng với Luật Đo lường (2011) và các luật Sở hữu trí tuệ (2005), sửa đổi bổ sung (2009); Luật chuyển giao công nghệ (2006); Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (2006); Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (2007); Luật Năng lượng nguyên tử (2008); Luật Công nghệ cao (2008)… đã tạo thành một hệ thống pháp luật chuyên ngành tương đối hoàn chỉnh và toàn diện, mở ra hành lang pháp lý thuận lợi và đồng bộ cho hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo, đưa khoa học và công nghệ từng bước trở thành động lực tăng trưởng kinh tế-xã hội.
Nhiều tiêu chí theo chuẩn quốc tế
Cũng theo ông Phạm Quang Trung, thành tựu nổi bật là tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10-15%/năm giai đoạn 2011-2015 và trên 20%/năm giai đoạn 2016-2020. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và thống nhất dựa trên phương pháp tính toán tốc độ đổi mới sáng tạo của châu Âu.
Thực tế, trừ một số lĩnh vực có tốc độ đổi mới công nghệ khá nhanh như công nghệ thông tin-viễn thông, dầu khí, hàng không, tài chính-ngân hàng… thì phần lớn vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu do nguồn cung và năng lực công nghệ Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu, các doanh nghiệp chủ yếu phải nhập khẩu máy móc, thiết bị từ nước ngoài để đổi mới công nghệ.
Xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam năm 2015 đã tăng 12 bậc, đứng thứ 56/140 quốc gia xếp hạng nhưng mức độ sẵn sàng về công nghệ chỉ đứng thứ 92, FDI và chuyển giao công nghệ thứ 81, khả năng tiếp cận công nghệ mới chỉ đứng 112/140 quốc gia.
Nguyên nhân chính do khoa học và công nghệ chưa được xem là nhân tố quan trọng quyết định tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, bên cạnh đó doanh nghiệp Việt chưa có tầm nhìn dài hạn, thiếu nhân lực và tiềm lực tài chính để tiến hành đổi mới, nâng cấp công nghệ.
Đáng chú ý là tổng số bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015 tới 11.738, gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2010, đạt tốc độ tăng bình quân là 19,5%/năm.
Toán học, vật lý và hóa học tiếp tục là những lĩnh vực có thế mạnh của Việt Nam chiếm 40% tổng công bố quốc tế trong 5 năm qua, trong đó toán học có số lượng công bố quốc tế đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
Tính tổng số công bố quốc tế giai đoạn 2011-2015, Việt Nam xếp thứ 59 trên thế giới và thứ 4 của Đông Nam Á so với thứ 73 của thế giới giai đoạn 2001-2005 là cả sự nỗ lực đóng góp của ngành khoa học và công nghệ.
Việc tăng số lượng công bố quốc tế của Việt Nam trong 5 năm qua do việc tăng quy mô và hiệu quả hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước thông qua Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) với việc chú trọng cho sản phẩm đầu ra, minh bạch hóa quá trình xét chọn, tuyển chọn nhiệm vụ.
Thị trường khoa học và công nghệ được hình thành
Khoa học và công nghệ đã hình thành được thị trường mới là thị trường khoa học và công nghệ, nhưng thị trường này phát triển chậm, chưa gắn kết chặt chẽ kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý.
Thị trường khoa học và công nghệ nhằm tạo điều kiện trao đổi, mua bán công nghệ, hành lang pháp lý vận hành thị trường được bổ sung, hoàn thiện với các quy định mới về thành lập tổ chức trung gian, định giá tài sản trí tuệ, giao quyền sở hữu kết quả khoa học và công nghệ cho cơ quan chủ trì, phân chia lợi ích sau thương mại hóa…
Các chương trình quốc gia thúc đẩy sự phát triển của thị trường cũng được triển khai tích cực: Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020; Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020; Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ.
Mạng lưới các tổ chức trung gian tư vấn, đánh giá, môi giới chuyển giao công nghệ được tăng cường. Hoạt động của thị trường ngày càng sôi động với các chợ công nghệ và thiết bị quốc gia và quốc tế, sàn giao dịch công nghệ, hoạt động kết nối cung-cầu công nghệ ở các địa phương và vai trò gia tăng của các trung tâm ứng dụng và phát triển công nghệ ở 63 tỉnh, thành phố.
Hiện cả nước có 8 sàn giao dịch công nghệ gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Bình, Nghệ An. Tổng giá trị giao dịch công nghệ giai đoạn 2011-2015 đạt hơn 13.700 tỷ đồng, tăng 3 lần so với giai đoạn trước.
Xây dựng quy định và tiêu chí đánh giá, định giá tài sản trí tuệ, chuyển nhượng; Hoàn thiện các chính sách về hỗ trợ xác lập và bảo vệ quyền sở hữu tài sản trí tuệ, xây dựng thương hiệu và thương mại hóa sản phẩm; khuyến khích thành lập tổ chức chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu; phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghệ, kết nối cung-cầu sản phẩm khoa học và công nghệ mới để góp phần thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ.
Chưa thực sự trở thành động lực phát triển
Ông Phạm Quang Trung nhấn mạnh hoạt động khoa học và công nghệ đã đạt được nhiều thành tựu, thúc đẩy sự phát triển của nhiều lĩnh vực nhưng nhìn chung còn trầm lắng, chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội.
Cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ đã từng bước được đổi mới nhưng chưa phát huy hiệu quả, công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ chưa gắn với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Thiếu các hướng ưu tiên phù hợp, các chính sách, giải pháp mạnh mẽ để tạo đột phá trong những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế, vì vậy chưa hình thành được các lĩnh vực khoa học và công nghệ mũi nhọn, đạt trình độ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh bình đẳng với khu vực và thế giới.
Khoa học và công nghệ được Đảng và Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu cần ưu tiên đầu tư và tập trung mọi nguồn lực quốc gia để phát triển nhưng trên thực tế, nhiều cấp ủy đảng, chính quyền nhận thức về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ chưa thật đầy đủ, chưa coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, chưa bố trí cán bộ lãnh đạo có đủ thẩm quyền trực tiếp chỉ đạo công tác khoa học và công nghệ.
Bên cạnh đó, việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khoa học và công nghệ còn thiếu chủ động, quyết liệu. Chưa có giải pháp đồng bộ và cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả. Sự phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành và giữa Trung ương với các địa phương chưa chặt chẽ, nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chậm được tháo gỡ.
Đặc biệt, đầu tư nguồn lực cho khoa học và công nghệ chưa tương xứng, chưa tạo được môi trường minh bạch trong hoạt động khoa học và công nghệ, thiếu quy định về dân chủ trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn; chưa hình thành nhu cầu tự thân đủ mạnh của các doanh nghiệp trong phát huy vai trò của khoa học và công nghệ.
Vì vậy, giai đoạn tới, ngành khoa học và công nghệ tiếp tục đề ra các phương hướng, giải pháp chiến lược để đưa khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước./.
Nếu bạn đang có kế hoạch giảm cân và giảm lượng mỡ thừa, hãy tham khảo mẹo ăn uống dưới đây.
Làm thế nào để có một cơ thể dẻo dai, cơ bắp săn chắc, giảm được tình trạng béo phì của mình trong khi trong nhà lại không có đầy đủ dụng cụ, cũng không có đủ thời gian và tiền bạc để đi đến các phòng tập gym.
Có mối liên quan chặt chẽ giữa dinh dưỡng với sức khỏe và bệnh tật. Chế độ ăn có ảnh hưởng lớn trong việc duy trì sức khỏe, cải thiện năng lực và trí tuệ…
Muối là gia vị không thể thiếu trong chế biến món ăn. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều muối lại gây nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính nguy hiểm như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đột quỵ…
Đi bộ không những tốt cho thể lực mà còn cho trí não. Thật sự có một sự hổ tương tuyệt vời giữa cơ thể và tinh thần. Đi bộ trong 30 phút và nhiều lần trong tuần giúp giải stress, tinh thần được phấn khởi, ngoài ra giúp tăng cường trí nhớ và trên hết là thuốc liệu pháp an thần “thiên nhiên”.
Chế độ ăn nhiều muối là nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe như tăng huyết áp, đau đầu, tình trạng giữ nước, khô miệng…