Ngày 19/2, tại Yên Bái, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội nghị giám sát hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo, khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Theo báo cáo đánh giá kết quả hoạt động và công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2005-2015, ngân sách nhà nước dành 3.823 tỷ đồng, trong đó kinh phí đầu tư cho sự nghiệp khoa học là 1.921 tỷ đồng; kinh phí đầu tư cho sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ là 1.902 tỷ đồng. Nhờ đó, đã phát huy được hiệu quả của khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.
Sản phẩm cá tầm thương phẩm nuôi trên hồ Thác Bà (Yên Bái) giới thiệu tại hội nghị .
(Nguồn: báo Nhân Dân)
Trong giai đoạn này các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc đã chú trọng nhiều đến phát triển khoa học công nghệ. Nhiều chương trình dự án khoa học được triển khai đã góp phần quan trọng phát triển sản phẩm có lợi thế của vùng, hiện chiếm ưu thế trên thị trường như chè, quế, gạo, gỗ rừng trồng, gia súc, gia cầm...Việc tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ đã đưa các tiến bộ vào sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân. Tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực khoa học công nghệ của vùng được tăng cường, các địa phương đã quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất, đặc biệt là các trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ . Số lượng các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng đạt từ 50 đến 70%, năng lực công nghệ của một số lĩnh vực được đổi mới. Những năm gần đây ở vùng trung du miền núi phía Bắc ngày càng có nhiều các sản phẩm được bảo hộ về nhãn hiệu, kiểu dáng, chỉ dẫn địa lý, được tiêu thụ không chỉ trong nước và ngoài nước như Quế Yên Bái, Chè Thái Nguyên, Tuyên Quang, vải, nhãn Bắc Giang, cam Hà Giang, quýt Bắc Kạn...
Để thực hiện chiến lược phát triển khoa học công nghệ, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách trên cả nước cũng như vùng trung du miền núi. Tuy nhiên đến nay việc đánh giá hiệu quả thực hiện về vấn đề này mới chỉ có một số kết quả đánh giá định tính mà không có nhiều những đánh giá mang tính định lượng. Do đó việc tổ chức chương trình giám sát tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc sẽ là cơ sở để Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra những đề xuất kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả việc ban hành và thực hiện chính sách về phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Sau hội nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục có các đoàn giám sát làm việc với các bộ, ngành, địa phương cùng một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực kinh tế nhằm hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật phù hợp trong giai đoạn mới./.