Pokémon GO - trò chơi trực tuyến thực tế ảo đang thu hút số lượng người chơi kỷ lục trên thế giới - đã nhanh chóng trở thành “cơn sốt” chỉ sau một ngày “đặt chân” tới Việt Nam. Trong vòng 24 giờ chính thức được phát hành, đã có rất nhiều người “lên đường” đến các địa điểm, danh thắng lịch sử săn tìm những con thú ảo cùng bạn bè, người thân.
Rủ nhau “lên đường”
Ngày 7/8/2016 là một ngày chủ nhật khác của N.K.Duy (trú tại phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Thay vì đến thư viện đọc sách như thường lệ, chàng thanh niên 25 tuổi quyết định đạp xe tới Văn Miếu để “bắt” pokemon. Trên đường theo chân Duy tới trường đại học đầu tiên của nước Việt, cậu giải thích: Ngoài việc xuất hiện ngẫu nhiên, pokemon - các con thú ảo - tập trung nhiều tại những “pokestop” (tạm dịch là điểm dừng chân).
Theo cài đặt mặc định của nhà sản xuất trò chơi, các điểm dừng chân này được đặt ở những danh lam, di tích như đình, đền, chùa… hoặc đơn giản chỉ là các hiện vật lịch sử như một tấm bia đá cổ bất kỳ. Muốn có được các loại vật phẩm hỗ trợ “bắt” pokemon, người chơi phải tới gần một điểm dừng chân bất kỳ để xác nhận. “Do có nhiều hiện vật lịch sử, nên Văn Miếu là một trong những điểm đến thích hợp cho cộng đồng người chơi Pokémon GO”, Duy cắt nghĩa.
Lời nói của Duy được chứng minh ngay khi vừa tới Văn Miếu. Ngay tại khu vực gửi xe, đã có khá đông người sử dụng thiết bị di động, đi quanh các địa điểm, hiện vật lịch sử để “bắt” pokemon. Đáng chú ý, những người tham gia trò chơi thực tế ảo này không chỉ có các bạn trẻ.
"Bắt" pokemon tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Một tay dắt cô con gái nhỏ, một tay giơ điện thoại tìm pokemon, anh P.T.Anh chia sẻ: “Nhà tôi ở ngay bên đường nên tôi thường đưa cháu tới đây vào các buổi sáng cuối tuần. Hôm nay, tôi cầm theo điện thoại ‘thử’ trò chơi mới, kết hợp đưa cháu đi dạo luôn”. Năm nay 43 tuổi, đã có một con trai học lớp 12 và một con gái học lớp 5, nhưng người đàn ông này vẫn tỏ ra rất đam mê với trò chơi vừa được phát hành tại Việt Nam khi cho biết sẽ “rủ” con trai lớn cùng tham gia “hành trình” bắt pokemon từ tuần sau.
Cũng với mục đích trải nghiệm trò chơi này, anh T.M.Sơn và chị N.P.Linh đã cất công đi từ khu vực đường Bưởi - Lạc Long Quân đến Văn Miếu. Với hai chiếc điện thoại thông minh, đôi bạn trẻ đi bộ nhiều vòng cả bên ngoài và bên trong khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám dưới ánh nắng hơn 35 độ C với hy vọng bổ sung thêm những con pokemon mới vào bộ sưu tập.
“Sáng hôm qua, tôi đã cài đặt Pokémon GO ngay sau khi nghe thông tin trò chơi được chính thức phát hành tại Việt Nam từ các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi nảy ra ý định rủ bạn gái chơi cùng để cả hai cùng có thêm những trải nghiệm thực tế, thay vì giết thời gian ở rạp chiếu phim, nhà hàng hay quán ăn như vẫn thường làm”, anh Sơn nói.
Dẫn tôi đến khu vực phía trong cùng của khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Duy tạm biệt tôi rồi lấy ra cùng lúc một chiếc ipad và một chiếc iphone để “săn” đồ trong trò chơi. Đến lúc này, tôi mới hiểu vì sao chàng thanh niên này lại chọn xe đạp, thay vì đi xe máy hoặc bắt taxi.
“Nếu may mắn, người chơi có thể nhận được những quả trứng chứa phần thưởng đặc biệt khi đến các điểm dừng. Để ‘ấp’ trứng nở, người chơi phải đi hết quãng đường (khoảng vài km - PV) với vận tốc tương đương đi bộ hoặc xe đạp”, Duy cho hay.
Đừng tự đặt bản thân vào nguy hiểm
Ngay trong buổi tối 6/8/2016 - ngày Pokémon GO chính thức ra mắt tại Việt Nam, rất nhiều bạn trẻ đã tìm đến các điểm dừng chân để tham gia trò chơi. Sau 23 giờ tối, vẫn có những nhóm người chơi tập trung tại các khu vực như chùa Trấn Vũ (đường Thanh Niên, quận Ba Đình) hay chùa Cát Linh (phố Cát Linh, quận Đống Đa).
Không những vậy, nhiều trường hợp còn không “ngại” tìm đến các địa điểm ít người qua lại để thuận tiện cho việc “săn” đồ trong trò chơi. Ông T.T.Kiên, trú gần đình Hào Nam (phố Vũ Thạnh, Đống Đa) cho biết, chỉ trong một buổi tối, đã có hàng chục lượt người “tay không rời điện thoại, không ngừng bàn tán về trò chơi nào đó” đến “check-in” tại khu vực đình.
Cá biệt, người viết đã gặp một trường hợp bất chấp việc khu vực không có đèn đường, đỗ xe máy điện dưới lòng đường để “bắt” pokemon tại đình Xuân Biểu (phố Sơn Tây, Ba Đình) sau 23 giờ tối. Đây là một bạn nữ còn rất trẻ. Chỉ tới khi có người lại gần, bạn nữ này mới giật mình, vội vàng tắt trò chơi và bỏ đi…
Có ý kiến cho rằng, việc những người đến các khu di tích, đài tưởng niệm… để biến nơi đây thành sân chơi Pokémon GO là một hành vi đáng lên án về khía cạnh đạo lý và văn hóa. Ý kiến này chưa hoàn toàn chính xác và có phần nghiêm trọng hóa, nếu xét trên khía cạnh thực tế. Bởi nếu muốn “săn” đồ hay “bắt” pokemon, chỉ cần lại gần khu vực thông báo trên bản đồ khoảng 15-20m, chứ không nhất thiết phải đến đúng một vị trí nhất định. Bản thân trò chơi Pokémon GO cũng luôn cảnh báo người chơi đề phòng, tránh để xảy ra tai nạn không đáng có.
Bản chất một trò chơi không thể gây nguy hiểm cho người sử dụng. Nguy hiểm chỉ xuất hiện khi người chơi bỏ qua các nguyên tắc tự bảo vệ an toàn cho chính bản thân mình. Do vậy, mong rằng những người chơi Pokémon GO sẽ tự nâng cao ý thức bản thân, để trò chơi này trở thành một “cơn sốt” lành mạnh, mang đến cho người chơi những trải nghiệm thực tế vui vẻ cùng bạn bè, người thân trong thế giới thực, đúng với mục đích ban đầu.