Chiều 23/10, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức buổi họp báo chuyên đề thông tin về những nội dung mới trong chính sách quản lý xe ô tô công và định hướng mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung.
Họp báo chuyên đề do Bộ Tài chính tổ chức ngày 23/10. |
Lượng ô tô công của nước ta lên tới gần 40.000 xe
Tại buổi họp báo, ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết: Số lượng xe ô tô công của nước ta là khá lớn với gần 40.000 xe ô tô công, chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang nhân dân, doanh nghiệp nhà nước. Vẫn còn hiện tượng mua xe vượt tiêu chuẩn, định mức; việc điều chuyển xe ô tô giữa các đơn vị không đúng thẩm quyền quy định. Bên cạnh đó, việc thỏa thuận, mua sắm xe chuyên dùng chưa được chặt chẽ; tiêu chuẩn định mức quy định chưa phù hợp với một số cơ quan, đơn vị; việc mua sắm, thanh lý xe phức tạp, tốn kém thời gian và chi phí. Vì vậy, chi phí cho việc sử dụng xe khá lớn trong điều kiện ngân sách còn khó khăn (khoảng 320 triệu/1 xe/1 năm); quy định về thời gian, số km sử dụng cũng chưa phù hợp với thực tế; quy định về khoán kinh phí xe ô tô hầu như không được áp dụng; việc sử dụng xe ô tô vào việc riêng, sử dụng xe sai đối tượng, sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc với các chức danh không đủ tiêu chuẩn định mức vẫn diễn ra...
Nhằm khắc phục các tồn tại nêu trên, để phù hợp với tình hình mới khi các phương tiện giao thông công cộng, xe cá nhân đã phát triển hơn nhiều so với nhiều năm trước đây; phù hợp với cơ chế tự chủ về kinh phí hoạt động tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 4/8/2015 quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (thay thế Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 61/2010/QĐ-TTg). Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/9/2015.
Ông Thắng cho biết một số nội dung đáng chú ý tại Quyết định 32/2015/QĐ-TTg như: quy định về việc thay thế xe ô tô phục vụ công tác (gồm xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh; xe ô tô phục vụ công tác chung) khi đã sử dụng vượt quá thời gian theo chế độ quy định (15 năm) hoặc sử dụng ít nhất 250.000 km (đối với địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn là 200.000 km) mà không thể tiếp tục sử dụng hoặc bị hư hỏng mà không bảo đảm an toàn khi vận hành theo kiểm định của cơ quan chức năng.
Quy định cũng thống nhất định mức xe ô tô phục vụ công tác chung là từ 1 đến 2 xe/đơn vị cho tất cả các cơ quan, đơn vị có đủ tiêu chuẩn được trang bị xe (bao gồm cả các đơn vị đã trang bị xe theo quy định trước đây).
Theo ông Thắng, với quy định này, các Bộ, ngành và địa phương có trách nhiệm rà soát, sắp xếp lại số xe ô tô hiện có tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý bảo đảm đúng tiêu chuẩn, định mức. Trường hợp sau khi sắp xếp, số xe ô tô còn lại (nếu có) được xử lý theo thứ tự: Điều chuyển cho các cơ quan, đơn vị, ban quản lý dự án thuộc phạm vi quản lý mà chưa đủ định mức xe ô tô theo quy định tại Quyết định; chuyển giao về Bộ Tài chính để xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Và trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Quyết định có hiệu lực thi hành, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện báo cáo kết quả sắp xếp lại số xe ô tô hiện có về Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ông Thắng cho biết thêm, kế thừa quy định hiện hành, Quyết định lần này quy định rõ chỉ có các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 và chức danh Thứ trưởng (hoặc tương đương) trở lên mới được phép sử dụng xe ô tô để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc.
Đối với Bí thư, Chủ tịch huyện và Giám đốc Sở, ngành, theo ông Thắng, quy định không cho phép được dùng xe công đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc. Tuy nhiên, các chức danh trên vẫn được sử dụng xe công để đi công tác.
Chính sách mới giúp giảm khoảng 7.000 xe so với hiện tại
Đánh giá về tác động của chính sách mới, ông Trần Đức Thắng cho rằng, việc xác định cụ thể số lượng xe ô tô trang bị cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị theo từng nhóm: xe ô tô phục vụ chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung và xe ô tô chuyên dùng, bảo đảm công khai, công bằng trong sử dụng xe ô tô công và cơ quan nhà nước có thể kiểm soát được một cách dễ dàng số xe ô tô công được trang bị so với tiêu chuẩn, định mức do Thủ tướng Chính phủ quy định. Qua đó, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong trang bị, sử dụng xe ô tô công.
Với việc chuyển đổi phương thức trang bị xe ô tô công từ nguyên tắc “không vượt quá số xe ô tô hiện có” như trước đây sang trang bị theo định mức từ 01 đến 02 xe/đơn vị sẽ làm giảm một số lượng lớn xe ô tô phục vụ công tác chung. Theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước, số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung hiện có là 24.460 chiếc, nếu tính toán theo định mức mới ước tính sẽ giảm khoảng 7.000 xe so với hiện tại.
Như vậy, mỗi năm ngân sách sẽ tiết kiệm được khoảng 500 tỷ đồng tiền mua xe thay thế, chưa tính chi phí vận hành trong quá trình sử dụng.
Ông Thắng cho biết thêm, nếu triển khai phương thức mua sắm tập trung tốt, số tiền tiết kiệm được có thể chiếm đến khoảng 15%/tổng giá trị mua sắm. Chi mua sắm tài sản nhà nước hàng năm của Việt Nam chiếm khoảng 20% chi ngân sách, tương đương khoảng 200.000 tỷ đồng/năm.
Như vậy, nếu triển khai mua sắm tập trung toàn bộ các hàng hóa, dịch vụ như ở một số nước thì hàng năm dự kiến sẽ tiết kiệm chi ngân sách là 30.000 tỷ đồng. Bởi vì mua sắm với số lượng lớn giá mua sẽ giảm. Đồng thời, giảm đầu mối thực hiện mua sắm và giảm đáng kể chi phí để tổ chức đấu thầu (hiện nay khoảng hàng chục nghìn đơn vị đầu mối hàng năm cùng tiến hành các thủ tục về đấu thầu mua sắm những loại tài sản như nhau. Khi thực hiện mua sắm tập trung thì chỉ thực hiện một hoặc một số cuộc đấu thầu trong năm).
Bên cạnh đó, khắc phục được tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức, vượt nhu cầu thực tế và mua sắm xa xỉ, không hiệu quả. Hạn chế tiêu cực, sai phạm trong việc mua sắm công do việc thực hiện mua sắm được chuyên nghiệp hóa, công khai, minh bạch.
Khi phương thức mua sắm tập trung đi vào vận hành một cách chuyên nghiệp sẽ giảm bộ máy và biên chế trong mua sắm công. Theo phương án như hiện nay, từ hàng chục nghìn đầu mối mua sắm sẽ giảm còn khoảng 170 đầu mối mua sắm tập trung, gồm: 02 đơn vị mua sắm tập trung cấp quốc gia, 42 đầu mối thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương và 126 đầu mối của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong mua sắm công được tăng cường do số lượng cơ quan, đơn vị thực hiện mua sắm công giảm lớn; qua đó góp phần giải quyết được các mục tiêu kinh tế vĩ mô thông qua chính sách và thực hiện gắn với mua sắm công tập trung./.