Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 47/2016/TT-BYT quy định việc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh đột quỵ trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Ảnh minh họa |
Tùy theo điều kiện thực tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức một trong các hình thức khám chữa bệnh đột quỵ sau: 1- Đội đột quỵ; 2- Đơn vị đột quỵ; 3- Khoa đột quỵ; 4- Trung tâm đột quỵ.
Trong đó, đội đột quỵ là đội phản ứng nhanh về đột quỵ do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành lập, có chức năng tiếp nhận, đánh giá nhanh, phân loại, xử trí cấp cứu ban đầu và hỗ trợ vận chuyển người bệnh đột quỵ.
Đơn vị đột quỵ là bộ phận thuộc khoa lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thực hiện các chức năng như của đội đột quỵ và cấp cứu, chẩn đoán, điều trị tích cực, phục hồi chức năng, dự phòng đột quỵ cho người bệnh.
Khoa đột quỵ là khoa lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thực hiện các chức năng như của đơn vị đột quỵ và điều trị nội khoa toàn diện cho người bệnh đột quỵ.
Trung tâm đột quỵ là đơn vị lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thực hiện chức năng như của khoa đột quỵ và điều trị ngoại khoa cho người bệnh đột quỵ.
Đội đột quỵ, đơn vị đột quỵ, khoa đột quỵ và trung tâm đột quỵ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải bảo đảm hoạt động liên tục 24/24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần.
Người bệnh đột quỵ được coi là trường hợp cấp cứu. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải ưu tiên tập trung mọi điều kiện về nhân lực, trang thiết bị và cơ sở vật chất để xử trí cấp cứu kịp thời, chẩn đoán nhanh, điều trị và phục hồi chức năng sớm cho người bệnh đột quỵ.
Lộ trình thực hiện
Về lộ trình thực hiện, Thông tư nêu rõ: Đối với các bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, phấn đấu đến năm 2020 thành lập khoa đột quỵ, đến năm 2025 thành lập trung tâm đột quỵ.
Các bệnh viện đa khoa hạng 1 phấn đấu đến năm 2020 tối thiểu thành lập đơn vị đột quỵ, đến năm 2025 thành lập khoa đột quỵ.
Các bệnh viện đa khoa còn lại phấn đấu đến năm 2020 tối thiểu thành lập đội đột quỵ, đến năm 2025 thành lập đơn vị đột quỵ.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/3/2017.