Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn”; các thành viên Ban Chỉ đạo trung ương; đại diện các bộ, ban, ngành trung ương.
Dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ có các đồng chí: Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hà Kế San - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo của tỉnh; các thành viên Ban chỉ đạo của tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả đạt được qua 18 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đồng chí cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong quá trình thực hiện tại các địa phương như: Nhận thức về mục đích, ý nghĩa xây dựng phong trào của một số cấp ủy và chính quyền địa phương chưa sâu sắc, chưa toàn diện, chưa gắn với phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và đất nước. Việc xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan văn hóa ở nhiều nơi vẫn còn hình thức. Việc xây dựng phong trào ở nông thôn cũng mới chủ yếu chú ý đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, chưa quan tâm tới căn cốt là văn hóa…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong thời gian tới phải chăm lo bồi dưỡng, phát triển con người Việt Nam đủ tự tin, đủ bản lĩnh và năng lực hội nhập thế giới, đủ sức đề kháng với mặt phản văn hóa trong toàn cầu hóa.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cần xây dựng kế hoạch phối hợp các bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai thực hiện toàn diện các nội dung của phong trào. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, bám sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm. Phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”.
Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo các cấp thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan, công bằng việc bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 122/2018/NĐ-CP mà Chính phủ mới ban hành để nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa. Phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động của phong trào. Tạo mọi điều kiện cần thiết để nhân dân chủ động, tự tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, phát triển và nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở.
Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, dòng tộc, gia đình, thôn bản có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến và phát huy hiệu quả các danh hiệu văn hóa; có cách nghĩ, cách làm tích cực, sáng tạo.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được Đảng và Nhà nước ta xác định là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm vận động người dân phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc.
Qua 18 năm thực hiện phong trào đã có nhiều mô hình tiêu biểu, cách làm hiệu quả được phổ biến, nghiên cứu, học tập, nhân rộng; xây dựng trên 1,2 triệu gương người tốt, việc tốt. Phong trào xây dựng gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến đã trở thành mục tiêu trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trong mỗi dòng họ, gia đình.
Hệ thống thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng và sửa chữa, nâng cấp. Nhờ đó, các chỉ tiêu về thể dục, thể thao, văn hoá quần chúng có bước phát triển mạnh mẽ với trên 12 triệu người tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng và sinh hoạt câu lạc bộ; trên 22 triệu người duy trì tập thể dục, thể thao thường xuyên.
Thông qua phong trào, đã có trên 19/22 triệu gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”; trên 69/106 nghìn làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa; trên 84/114 nghìn cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Nhiều cá nhân, tập thể đã có thành tích xuất sắc được Đảng, Nhà nước, Chính phủ khen thưởng, động viên kịp thời.
Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực; hạn chế và đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực, lạc hậu trong xã hội.