Đại diện Bkav vừa tiết lộ công ty này sẽ thông qua các kết nối và các mối quan hệ của đối tác Qualcomm để đưa chiếc điện thoại Bphone sang thị trường Mỹ.
Bphone và tham vọng tiến vào thị trường Mỹ
Trong buổi họp báo sau chuyến tham quan nhà máy sản xuất Bphone tại khu vực Cầu Giấy, Hà Nội, ông Bạch Thành Lê, Phó Chủ tịch Bkav, cho biết Bkav sẽ thông qua đối tác Qualcomm để kết nối với các nhà mạng tại Mỹ nhằm phân phối chiếc điện thoại Bphone đầu tiên của hãng tại một trong những thị trường smartphone lớn nhất thế giới.
“Mục tiêu của Bkav là trở thành công ty toàn cầu và mong muốn của công ty là sẽ đưa các sản phẩm của mình ra các thị trường quốc tế. Do đó, trong thời gian tới, điện thoại Bphone sẽ được tham dự một triển lãm quốc tế về viễn thông diễn ra tại Mỹ, và sau đó, Bkav sẽ làm việc với các nhà mạng tại nước này để phân phối sản phẩm tại đây. Ngoài ra, Bkav cũng nhắm tới các thị trường Ấn Độ và Singapore trong đợt tiến ra thị trường quốc tế sắp tới”.
Trong khi đó, tại thị trường trong nước, Bkav cũng công bố sẽ bắt đầu mở bán đợt hai chiếc điện thoại Bphone vào ngày 25/8 tới. Cũng tương tự như đợt mở bán đầu tiên, Bkav nhận đặt hàng BPhone chỉ trong 1 ngày, từ 10h sáng tới 10 giờ tối ngày 25/8. Sản phẩm sẽ được giao hàng từ ngày 2-7/9 tuỳ vào từng địa điểm.
Chia sẻ với báo giới về chính sách giá của Bphone trong đợt mở bán lần 2, Bkav cho biết sẽ không giảm giá hay thay đổi mức giá của sản phẩm để kích thích nhu cầu. “Bkav mong muốn đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng cao, do đó nếu giá bán thay đổi cũng đồng nghĩa với việc phải thay đổi chất lượng của từng linh kiện sản phẩm. Đó không phải là định hướng của chúng tôi”, ông Bạch Thành Lê nhấn mạnh.
Trung Quốc chỉ gia công một bộ phận với giá trị chỉ 10 USD
Trong hành trình dẫn đoàn báo chí tham quan 2 nhà máy sản xuất cơ khí và nhà máy sản xuất điện tử của Bphone, Bkav nhấn mạnh tỷ lệ nội địa hoá của chiếc điện thoại đầu tiên của mình là 70%, từ khâu nghiên cứu, thiết kế, và phát triển đều do Bkav làm chủ, và chỉ có một chi tiết nhỏ trong việc in bản mạch với giá trị 10 USD được Bkav thuê một nhà máy tại Trung Quốc thực hiện bởi vì đây là công ty lớn nhất trên thế giới thực hiện công đoạn này và tất cả các hãng sản xuất di động trên thế giới đều thuê họ thực hiện.
Như để phủ nhận hoàn toàn thông tin BPhone được sản xuất tại Trung Quốc, Bkav cho hay giai đoạn 5 năm phát triển của BPhone là cả một chặng đường dài và gian nan. Bkav mất 3 năm để lựa chọn một thiết kế, và hoàn thiện bo mạch chủ theo đúng yêu cầu của công ty. “Những đối tác ban đầu của chúng tôi sau khi đi cùng với chúng tôi một thời gian đã bỏ cuộc, và có những đối tác mời gọi chúng tôi làm OEM, tức là thuê họ sản xuất tại Trung Quốc và chỉ việc đưa về gắn thương hiệu. Tuy nhiên, Bkav đã từ chối những lời mời gọi hấp dẫn đó và đã đương đầu với khó khăn trong suốt 5 năm qua. Hiện tại, chúng tôi đã hài lòng và rất hạnh phúc vì đã đóng góp được vào một phần nhỏ trong chặng đường biến Việt Nam thành nước công nghệ cao trên bản đồ thế giới”, đại diện Bkav chia sẻ.Chia sẻ về quy mô của nhà máy vốn vẫn còn khiêm tốn so với các nhà máy của Samsung và Microsoft tại Việt Nam, ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch phụ trách phần cứng của Bkav, cho biết, khi phản ứng của thị trường tốt thì công ty sẽ chuyển dây chuyền sản xuất và lắp ráp đến khu công nghệ cao Hoà Lạc. Bkav đã được cấp một khuôn viên đất có diện tích rộng hơn 230.000m2 và đã được xây dựng. Hiện tại, cả hai nhà máy của Bkav mới chỉ được xây dựng trên diện tích khoảng chừng 3.500m2 với 160 công nhân làm việc 3 ca. Công suất thành phẩm mỗi ngày của nhà máy Bkav đạt 800 sản phẩm, tương đương 24.000 sản phẩm/tháng.