Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật tiếp cận thông tin.
Kế hoạch nhằm xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả; xác định cơ chế phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật trên phạm vi cả nước.
Theo Kế hoạch, các Bộ, ngành, địa phương sẽ tổ chức quán triệt việc thi hành và phổ biến nội dung của Luật; tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến quyền tiếp cận thông tin của công dân; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm phù hợp với Điều 3 của Luật tiếp cận thông tin.
Đồng thời, xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật; xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật; sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với Luật; xây dựng quy chế nội bộ của các cơ quan để thực hiện quy định của Luật.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan cần thường xuyên vận hành cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; rà soát, phân loại, lập danh mục các thông tin phải được công khai và thông tin không được công khai; xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu thông tin mà cơ quan có trách nhiệm cung cấp, không cung cấp; duy trì, lưu giữ, cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin do cơ quan mình tạo ra. Số hóa các văn bản, hồ sơ, tài liệu và kết nối với mạng điện tử trên toàn quốc để có thể truy cập thông tin dễ dàng từ các hệ thống khác nhau nhằm tăng cường cung cấp thông tin qua mạng điện tử.
Rà soát, kiện toàn, bố trí hợp lý đơn vị, bộ phận hoặc người làm đầu mối cung cấp thông tin; tổ chức tập huấn chuyên sâu về các nội dung của Luật.
Luật tiếp cận thông tin bao gồm 5 chương, 37 điều được ban hành ngày 6/4/2016, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2018. Luật quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân; nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện việc tiếp cận thông tin; trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Luật Tiếp cận thông tin thể chế hóa quy định này của Hiến pháp, bảo đảm để công dân nước CHXHCN Việt Nam được thực hiện đầy đủ quyền của mình. Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cung cấp thông tin liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ. Đối với người Việt Nam cư trú ở nước ngoài, trường hợp nếu họ có quốc tịch Việt Nam thì được thực hiện quyền tiếp cận thông tin như công dân trong nước; trường hợp họ không còn quốc tịch Việt Nam thì thực hiện tiếp cận thông tin theo quy định áp dụng đối với người nước ngoài.
Luật cũng quy định các loại thông tin công dân không được tiếp cận gồm thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác theo quy định của luật (khi thông tin thuộc bí mật Nhà nước được giải mật thì công dân được tiếp cận theo quy định của Luật này); thông tin nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về các cuộc họp nội bộ của cơ quan; các tài liệu do cơ quan soạn thảo cho công việc nội bộ.