Thói quen dùng đồ uống nước ngọt có đường hàng ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do cồn (NAFLD - non-alcoholic fatty liver disease), theo công trình nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu dinh dưỡng lão hóa con người Jean Mayer thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, đã đăng trên Tạp chí Hepatology.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích bảng trả lời câu hỏi về chế độ ăn uống của 2.634 nam giới và phụ nữ trung niên, chủ yếu là người Cáp-ca đã tham gia vào Công trình nghiên cứu Framingham về bệnh tim của Viện Tim phổi huyết học Quốc gia Hoa Kỳ (NHLBI). Đồ uống nước ngọt có đường trong bảng các câu hỏi bao gồm các loại côca-cola có và không cafein, các loại đồ uống có ga có đường, rượu hoa quả pha đường, nước chanh hoặc nước trái cây không ga khác. Những người tham gia được làm xét nghiệm chụp cắt lớp vi tính (CT scan) để đo lượng chất béo trong gan và nhóm nghiên cứu đã sử dụng giá trị ngưỡng đã xác định đối với bệnh NAFLD. Họ phát hiện thấy tỷ lệ NAFLD cao hơn trong số những người cho biết họ uống nhiều hơn một lon đồ uống nước ngọt có đường mỗi ngày, so với những người không uống nước ngọt có đường.
Mối liên quan giữa đồ uống ngọt có đường và NAFLD thể hiện rõ rệt khi các nhà nghiên cứu xét đến các yếu tố về độ tuổi, giới tính, chỉ số trọng lượng cơ thể (BMI), chế độ ăn và lối sống như lượng calo, rượu bia và hút thuốc. Ngược lại, sau khi tính toán các yếu tố này, các tác giả không tìm thấy mối liên quan giữa thức uống có ga không đường (diet cola) và bệnh NAFLD.
Tiến sĩ Jiantao Ma, phụ trách công trình nghiên cứu cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi bổ sung thêm vào số các nghiên cứu đang gia tăng cho rằng, đồ uống ngọt có đường có thể liên quan đến NAFLD và các bệnh mãn tính khác như tiểu đường và bệnh tim mạch".
NAFLD được đặc trưng bởi sự tích tụ mỡ trong các tế bào gan không liên quan đến tiêu thụ rượu. NAFLD được chẩn đoán bằng siêu âm, chụp cắt lớp (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), hoặc sinh thiết, và nhiều người trong số khoảng 25% người Mỹ mắc chứng bệnh này không có bất kỳ triệu chứng nào. Béo phì hoặc thừa cân làm tăng nguy cơ mắc bệnh NAFLD và những người mắc NAFLD có nguy cơ phát triển bệnh tim mạch và tiểu đường type 2.
Đồ uống ngọt có đường là nguồn cung cấp fructosa, loại đường bị nghi ngờ là làm tăng nguy cơ mắc bệnh NAFLD do cách cơ thể chúng ta hấp thụ nó. Cho đến nay, vẫn còn có rất ít các nghiên cứu quan sát xem xét mối quan hệ giữa các loại đồ uống ngọt có đường và bệnh NAFLD, các nghiên cứu lâu dài là cần thiết để giúp xác định vai trò tiềm năng của đồ uống có đường trong sự phát bệnh NAFLD.
Các nghiên cứu tương lai cần tính đến những thay đổi ở thói quen tiêu thụ nước giải khát theo thời gian, khi người quen dùng nước ngọt chuyển sang tiêu thụ nước uống không đường và những thay đổi này có thể liên quan đến tình trạng cân nặng. Mặc dù cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn nữa, nhưng theo các nhà nghiên cứu khuyến cáo, đồ uống nước ngọt có đường là nguồn “calo rỗng” không có chất dinh dưỡng và mọi người cần luôn lưu tâm là mình đã uống bao nhiêu, có lẽ nên dành thói quen này cho những dịp đặc biệt.