Doanh nghiệp đuợc coi là trung tâm của đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, trình độ công nghệ cũng như mức độ đổi mới công nghệ của mỗi doanh nghiệp là khác nhau, tại mỗi địa phương cũng khác nhau. Việc đánh giá trình độ công nghệ là hết sức cần thiết nhưng đây không phải là một công việc dễ thực hiện, nhất là đối với doanh nghiệp ở địa phương.
Trước tình hình đó, ngày 15/9/2016 tại thành phố Thanh Hóa, Bộ KH&CN đã phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá trình độ công nghệ của địa phương – những kinh nghiệm cho các tỉnh Bắc Trung Bộ”. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh và Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền đồng chủ trì.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Việt Thanh đã khẳng định những đóng góp của KH&CN đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của từng vùng và từng địa phương. Tuy nhiên, những đóng góp đó vẫn chưa được định lượng bằng những con số cụ thể, trong khi hệ thống cơ sở dữ liệu của chúng ta về kết quả các công trình nghiên cứu cũng chưa đưa ra được câu trả lời một cách đầy đủ cho vấn đề này.
Bên cạnh những nỗ lực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và đổi mới công nghệ trong các ngành, các lĩnh vực, Bộ KH&CN đã dành nhiều sự quan tâm, đầu tư nguồn lực để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đổi mới công nghệ, với yêu cầu phải “đánh giá được trình độ công nghệ của các ngành sản xuất”. Đây sẽ là cơ sở dữ liệu làm căn cứ phục vụ công tác hoạch định chính sách, xây dựng cơ chế hỗ trợ.
Đánh giá trình độ công nghệ và quản lý không phải là họat động mới mẻ trên thế giới nhưng tại Việt Nam, nhiều tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ) chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của hoạt động này, do đó cũng chưa có chiến lược phát triển, đổi mới công nghệ phù hợp. Chính vì vậy, Thứ trưởng Trần Việt Thanh hy vọng Hội thảo sẽ tạo cơ hội để các địa phương trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm về hoạt động đánh giá trình độ công nghệ, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của các cấp quản lý, các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp về vai trò của đổi mới công nghệ.
Thứ trưởng Trần Việt Thanh phát biểu tại Hội thảo
Nhận định về vai trò của KH&CN cũng sự cần thiết của đổi mới công nghệ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền cho biết: Năm 2015, quy mô nền kinh tế của tỉnh xếp thứ 8 cả nước, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 10, chỉ hội nhập quốc tế xếp thứ 6… Để có được những thành tựu này, không thể không nhắc đến đóng góp của KH&CN, của việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Thanh Hóa rất coi trọng việc đổi mới công nghệ. Năm 2015, tỉnh đã cho tiến hành khảo sát hiện trạng về trình độ công nghệ, thiết bị của các doanh nghiệp trên địa bàn. Mặc dù quy mô khảo sát tương đối nhỏ (268 doanh nghiệp thuộc 8 lĩnh vực trên tổng số hơn 7.700 doanh nghiệp đang hoạt động), nhưng kết quả thu được cho thấy, trình độ công nghệ đang ở mức trung bình.
Chính vì vậy, để thực hiện thành công mục tiêu “trở thành một trong những tỉnh khá với các chỉ tiêu kinh tế-xã hội cao hơn mức trung bình của cả nước”, Thanh Hóa xác định “KH&CN là một trong những khâu đột phá của tỉnh”, kèm theo đó là Đề án Phát triển KH&CN 2016-2020. Nông nghiệp, y – dược, công nghệ thông tin, công nghiệp và dịch vụ là nội dung chính của Đề án này, trong đó, việc đánh giá trình độ công nghệ của các dự án đầu tư vào các lĩnh vực này sẽ được xem xét, nghiên cứu.
Tại Hội thảo, hầu hết ý kiến phát biểu đều cho rằng, đánh giá trình độ công nghệ là vấn đề mới mẻ và không dễ dàng đối với các địa phương. Đối với các tỉnh Bắc Trung Bộ, việc đánh giá trình độ công nghệ vẫn còn nguyên tính thời sự. Tuy nhiên, các đại biểu tham dự đều thống nhất quan điểm về sự cần thiết của việc đánh giá trình độ công nghệ. Kết quả đánh giá sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn tổng quát về hiện trạng công nghệ của địa phương. Còn đối với các doanh nghiệp, họ sẽ biết được trình độ công nghệ của họ đang ở mức nào so với công nghệ hiện nay, đâu là điểm mạnh, đâu là điểm yếu, và từ đó có quyết sách đầu tư phù hợp với chiến lược kinh doanh, tăng hiệu quả sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Nhiều tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý đã được trình bày tại hội thảo, nội dung tập trung chủ yếu về những lợi ích của việc đánh giá trình độ công nghệ, cách thức tổ chức triển khai, những khó khăn vướng mắc thường gặp khi thực hiện và việc sử dụng kết quả đánh giá sao cho hiệu quả nhất./.