Hiện nay, toàn bộ các thủ tục hành chính liên quan đến cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp đều đã được đưa vào giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
- Sau ba năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, khâu đột phá về cải cách hành chính (CCHC), trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đã đạt được những kết quả khả quan, tạo được niềm tin trong nhân dân, tạo môi trường thông thoáng trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh; góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại trên địa bàn tỉnh.
Mỗi người trong chúng ta sẽ có không ít lần tới các cơ quan Nhà nước để tiến hành thực hiện các TTHC, nhưng không phải ai cũng chuẩn bị đầy đủ các thủ tục, đúng yêu cầu để được giải quyết công việc một cách nhanh chóng. Những năm trước đây, tình trạng này không phải là hiếm, nguyên nhân một phần bởi nhiều người coi nhẹ việc tìm hiểu nội dung các quy định pháp luật; có người không hề biết mình phải chuẩn bị những gì, có người biết nhưng không hiểu hoặc hiểu nhưng không đầy đủ, thậm chí hiểu đầy đủ nhưng việc thực hiện khó khăn nên tìm cách để “lách”, đó là lý do “cò giấy” xuất hiện. Từ quy trình TTHC đối với các loại giấy tờ đơn giản như: Chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe... đến các loại giấy phép phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, ban ngành, địa phương đều sẽ gây ra ít nhiều khó khăn đối với người thực hiện, đặc biệt là khi “cửa công quyền” luôn đông người như trung tâm thương mại dịp “Black Friday”, thế nên “trăm sự nhờ cò”, cốt cho xong việc. Khi TTHC còn rườm rà cùng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân, rồi “cái sảy nảy cái ung”, những nhân vật trung gian như “cò giấy” và các loại phí “bôi trơn” phát sinh gây xấu xí hình ảnh cán bộ, công chức; khó khăn, tốn thời gian của cá nhân, tổ chức, ảnh hưởng đến các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...
Trước thực trạng việc triển khai cải cách TTHC có nhiều nơi còn hình thức; hệ thống TTHC còn nhiều bất cập, vướng mắc gây khó khăn, phiền hà, tốn kém cả về thời gian và tiền của cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định CCHC là một trong bốn khâu đột phá để kinh tế phát triển nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; phấn đấu xây dựng Phú Thọ trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Cán bộ văn phòng UBND tỉnh hướng dẫn người dân tra cứu kết quả thực hiện dịch vụ công tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh Đinh Vũ
Sau ba năm triển khai thực hiện Nghị quyết, đến nay, toàn bộ các TTHC liên quan đến cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp đều đã được đưa vào giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; các chủ trương, chính sách của Đảng, các văn bản của Chính phủ, văn bản của tỉnh về CCHC được quán triệt sâu rộng. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; rà soát các TTHC có khả năng cắt giảm về thời hạn và quy trình giải quyết như: Lĩnh vực y tế; Nội vụ; Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Tư pháp... Trong 3 năm (2016 - 2018), Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 53 Quyết định công bố 2.448 TTHC, các TTHC như cấp giấy phép xây dựng; Đăng ký kinh doanh; Đăng ký thuế; Chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình cá nhân sử dụng đất tại các phường, thị trấn; Cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông... Từ đó đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức trong thực hiện các TTHC, nâng cao mức độ hài lòng của người dân.
Bên cạnh việc nỗ lực đơn giản hoá các TTHC, tỉnh triển khai đổi mới phương pháp lề lối làm việc, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức qua việc sắp xếp tổ chức lại các phòng chuyên môn và tương đương thuộc các sở, ban, ngành. Đến nay đã giảm 32/155 phòng chuyên môn và tương đương (30 phòng và 2 chi cục). Các đơn vị sự nghiệp công lập giảm 57/1.169 đơn vị sự nghiệp công lập, đạt tỷ lệ giảm 4,87%. Nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, tạo môi trường làm việc điện tử diện rộng, ổn định, an toàn, nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc để giảm thời gian, chi phí cũng như nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch, Đề án... chi tiết, cụ thể ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Đến nay, toàn bộ 1.911/1.911 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 2; có 600 TTHC được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4, đạt 31,4%...
Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỉnh Phú Thọ được Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Nội vụ đánh giá, ghi nhận thông qua chấm điểm Chỉ số CCHC năm 2016 tỉnh Phú Thọ đạt 77,33 điểm, xếp thứ 21/63 tỉnh thành; năm 2017 đạt 82,93/100 điểm, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố trên cả nước (tăng 5,6 điểm và tăng 10 bậc so với năm 2016). Cùng với các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cải cách thể chế thuộc thẩm quyền của tỉnh đã tạo môi trường thông thoáng trong đầu tư, kinh doanh qua kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh năm 2015 xếp thứ 35/63; năm 2016 xếp thứ 29/63; năm 2017 đạt 62,55 điểm, tăng 3,95 điểm so với năm 2016, xếp thứ 27/63 tỉnh, thành trong cả nước, đứng vào nhóm các tỉnh có Chỉ số PCI khá và đứng thứ 3 trong số 14 tỉnh miền núi phía Bắc.
Tuy nhiên, hiệu quả CCHC chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và yêu cầu phát triển của tỉnh hiện nay. Nói về những giải pháp nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả khâu đột phá về CCHC mà Nghị quyết số 26-NQ/ĐH Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra, ông Lê Tiến Hưng - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “Trong CCHC và TTHC, bất kể ai trong chúng ta đều là tác nhân của sự thay đổi, cùng với sự quyết tâm từ phía cơ quan nhà nước, người dân cũng cần thể hiện sự đồng thuận bằng cách thường xuyên nắm bắt thông tin; nâng cao kiến thức pháp luật; phát hiện những “lỗ hổng” và đưa ra những góp ý đối với cơ quan nhà nước; xây dựng văn hóa “xếp hàng”... Cùng với hệ thống TTHC được cắt giảm; cán bộ, công chức được tập huấn bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ; hệ thống làm việc quy củ, hiện đại... sẽ không còn những “con sâu làm giàu nồi canh” và từ ấy “cò giấy” cũng hết cửa lộng hành!.
Theo baophutho.vn
Cải cách hành chính (CCHC) là một trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược được đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) chỉ đạo trong phiên họp thứ Tám của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ
Thực hiện khâu đột phá về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thời gian qua, UBND xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn đã xây dựng văn bản chỉ đạo về thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Cần triển khai đồng bộ các giải pháp, tập hợp mọi nguồn lực để thực hiện đầy đủ, hiệu quả những nhiệm vụ của Bộ được giao thuộc các Chương trình, Kế hoạch, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ về công tác cải cách hành chính (CCHC). Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông về công tác CCHC đến các đơn vị thuộc Bộ và truyền thông những kết quả, đóng góp của khoa học và công nghệ (KH&CN) đến người dân nhằm lan tỏavà nâng cao nhận thức của người dân và xã hội...
Tìm hiểu chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các văn bản của Trung ương, của tỉnh, trọng tâm là 06 nội dung tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; các mục tiêu, nhiệm vụ tại Kế hoạch số 1782/KH-UBND ngày 05/5/2021 của UBND tỉnh về cải cách hành chính nhà nước tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025.
Ngày 15/7/2024, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ (Ban chỉ đạo) chủ trì phiên họp thứ Tám - Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ đánh giá kết quả triển khai công tác CCHC 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ CCHC 6 tháng cuối năm 2024. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngày 19/6/2024, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh Phú Thọ ban hành Báo cáo số 86/BC-BCĐCCHC về thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính Nhà nước tỉnh Phú Thọ 6 tháng đầu năm 2024