Ngày 13/10/2018, tại xã Đức Hòa (Sóc Sơn, Hà Nội) đã diễn ra Lễ ra quân Chương trình “Ứng dụng khoa học và công nghệ để xử lý rơm rạ thành phân vi sinh”, với sự tham dự của đồng chí Trần Văn Tùng - Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ; đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn; cùng gần 1.000 đoàn viên thanh thiếu niên và bà con nhân dân xã Đức Hòa và huyện Sóc Sơn.
Các đại biểu chứng kiến lễ kí kết chương trình phối hợp giữa doanh nghiệp và Trung ương Đoàn về chuyển giao chế phẩm sinh học và kỹ thuật.
Chương trình “Ứng dụng khoa học và công nghệ xử lý rơm rạ thành phân vi sinh” năm 2018 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai nhằm phát huy vai trò trí thức trẻ, khoa học trẻ góp sức phát triển công nghệ, ứng dụng trong thời kỳ hội nhập quốc tế theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) và góp phần đẩy mạnh phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, tham gia có hiệu quả vào chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Chương trình giới thiệu và chuyển giao công nghệ sản xuất phân hữu cơ từ rơm rạ bằng phương pháp ủ với chế phẩm sinh học, sử dụng các chế phẩm này để sản xuất phân hữu cơ qua phương pháp ủ yếm khí, bán yếm khí và háo khí sẽ tạo ra phân hữu cơ vi sinh, không chỉ góp phần giảm ô nhiễm môi trường mà còn tạo sản phẩm phân hữu cơ phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững. Phân bón hữu cơ từ rơm rạ góp phần gia tăng độ mùn cho đất, bổ sung chất dinh dưỡng, nâng cao chất lượng cây trồng.
Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ước tính mỗi năm, tổng diện tích trồng lúa của Thành phố hơn 200.000 ha phát sinh trên 1 triệu tấn rơm, rạ. Khi đốt bỏ, lượng rơm, rạ đó tạo ra khoảng 4,7 triệu tấn CO2, 0,004 triệu tấn CH4, 0,11 triệu tấn CO, gây thiệt hại về môi trường tương đương với 200,3 triệu USD/năm. Người hít phải khói do đốt rơm rạ nhiều và kéo dài có thể biến đổi cấu trúc của bộ máy hô hấp, dễ mắc nhiễm trùng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi;... Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, việc đốt nhiều rơm rạ trong cùng một lúc sẽ làm nóng bầu khí quyển, khiến nhiệt độ trở nên nóng hơn, đẩy nhiệt độ lên cao. Việc đốt rơm rạ gây khói bụi cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông đường bộ và đường không trong khu vực.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại buổi lễ.
Phát biểu tại lễ ra quân, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng, hiện nay, để xử lý rơm, rạ có nhiều giải pháp KH&CN khác nhau, chúng ta có thể chọn giải pháp phù hợp căn cứ theo điều kiện, tập quán sản xuất của mỗi địa phương. Nhằm góp phần giải quyết hiện trạng nêu trên, Bộ KH&CN phối hợp với TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong địa bàn tổ chức Chương trình “Ứng dụng khoa học và công nghệ xử lý rơm rạ thành phân vi sinh” hướng đến mục tiêu: Hỗ trợ chuyển giao công nghệ sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ thành phân bón, góp phần giảm bớt tình trạng đốt rơm, rạ gây ô nhiễm môi trường sau khi thu hoạch, gia tăng hiệu quả kinh tế bằng phân bón sinh học từ rơm, rạ. Bên cạnh đó, thông qua việc triển khai Chương trình, đoàn viên thanh niên từ nhiều Bộ, ngành, địa phương sẽ giúp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của KH&CN trong đời sống sản xuất, gắn với bảo vệ môi trường sống; và quan trọng chuyển giao kiến thức, quy trình công nghệ đến trực tiếp bà con nông dân để ứng dụng và dần thay đổi thói quen, tập quán sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững.
“Ban cán sự Bộ KH&CN, Đảng ủy Bộ rất quan tâm chương trình này và đã hỗ trợ chuyên gia hướng dẫn cũng như cung cấp chế phẩm sinh học để triển khai thí điểm xử lý rơm rạ ở 4 xã (xã Đức Hòa, Xuân Thu, huyện Sóc Sơn; xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín; xã Phú Nam An, huyện Chương Mỹ), và mong rằng, mô hình này sẽ tiếp tục được các cấp lãnh đạo quan tâm chỉ đạo nhân rộng để đóng góp thiết thực trong việc cải thiện chất lượng đất trồng nông nghiệp, chất lượng của nông sản và năng suất lao động của bà con nhân dân”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với vai trò trung tâm kết nối sẽ luôn ủng hộ, gắn kết các nguồn lực xã hội để Đoàn Thanh niên các Bộ, ban, ngành, địa phương, tiếp tục chủ động kết nối, sáng tạo triển khai các hoạt động phổ biến, chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN vào cuộc sống. Qua đó, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần của lực lượng thanh niên thời đại mới: “Tiên phong - bản lĩnh - đoàn kết - sáng tạo - phát triển”.
Trong khuôn khổ Chương trình Lễ ra quân, Ban Tổ chức đã ra mắt Đội hình thanh niên tình nguyện tuyên truyền, thu gom và xử lý rơm rạ thành phân bón vi sinh; đồng thời hỗ trợ chuyển giao công nghệ sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ thành phân bón; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của KH&CN trong đời sống sản xuất, gắn với bảo vệ môi trường; trao tặng tủ sách ứng dụng KH&CN và 10 thùng rác công cộng cho đoàn viên, thanh niên huyện Sóc Sơn; tặng 30 suất học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi; trồng 100 cây muồng Hoàng Yên tại Thôn Thượng, xã Đức Hòa.
Hình ảnh tại Lễ ra quân:
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng và Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn tặng hoa 4 mô hình thí điểm xử lý rơm rạ ra mắt tại buổi lễ.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng tặng quà các em học sinh.
Ban Tổ chức tặng hoa cảm ơn các đơn vị đã đồng hành cùng chương trình.
Các đại biểu, đoàn viên thanh niên và bà con nhân dân tham gia xử lý rơm rạ dưới sự hướng dẫn của nhà khoa học.
Sáng ngày 18/1, tại Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị thẩm định thuyết minh dự án KH&CN cấp tỉnh: Xây dựng mô hình quản lý du lịch thông minh tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng do Khu Di tích lịch sử Đền Hùng chủ trì thực hiện. Thạc sỹ Chu Thị Bích Thủy - Phó Giám đốc Sở làm Chủ tịch Hội đồng.
Ngày 17/1, tại Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị thẩm định thuyết minh dự án KH&CN cấp tỉnh: Xây dựng mô hình sản xuất con giống thuần chủng gà nhiều cựa huyện Tân Sơn tỉnh Phú Thọ từ nguồn gen đã được chọn lọc, dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống giai đoạn 2021 - 2025 do Chi cục Chăn nuôi, thú y tỉnh Phú Thọ chủ trì thực hiện.
Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất - kinh doanh đồng thời giảm thiểu phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu gây ô nhiễm, giảm thiểu lượng carbon.
Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất - kinh doanh đồng thời giảm thiểu phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu gây ô nhiễm, giảm thiểu lượng carbon.
Ngày 01/7/2023, tại Nhà luyện tập và thi đấu tỉnh Phú Thọ đã diễn ra Hội thao chào mừng Đại hội Công đoàn viên chức tỉnh Phú Thọ lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023 -2028