Người dân xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn ứng dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch chè, góp phần đảm bảo chất lượng, xây dựng thương hiệu chè xanh Phú Thọ.
- Phú Thọ được coi là “cái nôi” của ngành chè Việt Nam với nhiều điều kiện thuận lợi và phát triển cây chè luôn được xác định là một trong những chương trình nông nghiệp trọng điểm của tỉnh. Mặc dù luôn nằm trong tốp đầu của cả nước về diện tích, năng suất, sản lượng hàng năm, song trên thực tế sản phẩm chè xanh Phú Thọ vẫn chưa thực sự “đứng vững” trên thị trường. Do đó, để khẳng định vị thế sản phẩm chè Phú Thọ rất cần lời giải cho “bài toán” xây dựng thương hiệu chè xanh Phú Thọ.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng diện tích chè toàn tỉnh hiện đạt 16,2 nghìn ha, trong đó diện tích đang cho sản phẩm là 15,6 nghìn ha; năng suất chè búp tươi bình quân trên diện tích cho sản phẩm ước đạt 114 tạ/ha; sản lượng chè búp tươi đạt 178,5 nghìn tấn/năm.
Những năm qua, phát triển chè của tỉnh nói chung đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là trong thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất. Hiện, trên địa bàn tỉnh đã phân vùng nguyên liệu chế biến chè đen với tổng diện tích 12,6 nghìn ha, tập trung tại các huyện trọng điểm phát triển chè như: Đoan Hùng, Hạ Hòa, Tân Sơn, Thanh Sơn, Thanh Ba, Phù Ninh, Yên Lập… và 158 vùng nguyên liệu chế biến chè xanh với tổng diện tích trên 5 nghìn ha, quy mô tối thiểu đạt 5ha/vùng và 29 vùng sản xuất hàng hoá với quy mô trên 20ha/vùng với tổng diện tích trên 3,8 nghìn ha.
Việc mở rộng diện tích sản xuất chè an toàn nhằm tạo nguồn nguyên liệu chất lượng cao phục vụ chế biến được quan tâm. Toàn tỉnh hiện có trên 3 nghìn ha chè an toàn đạt tiêu chuẩn chất lượng cao như: Rainforest Alliance, VietGAP, UTZ… Tỷ lệ các giống chè mới như: LPD1, LPD2, PH11, Kim Tuyên, Phúc Văn Tiên, Bát Tiên… chiếm 73% diện tích chè trồng. Theo đánh giá của các ngành chức năng, cơ cấu giống chè của tỉnh hiện nay khá đa dạng, phù hợp cho cả chế biến chè đen và chè xanh.
Bên cạnh chú trọng quy hoạch phân vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, việc thực hiện liên kết trong sản xuất giữa người trồng chè với các đơn vị, doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh. Ngoài các doanh nghiệp có diện tích sản xuất chè như: Công ty chè Phú Đa, Công ty chè Phú Bền, Viện KH-KT NLN miền núi phía Bắc đã có một số doanh nghiệp thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu chè búp tươi với người dân như các Công ty chè Á Châu, Hoàng Trung, Hợp Tín, Hương Giang, Trung Hiếu, Hoài Trung… với sản lượng khai thác khoảng 12-15 nghìn tấn/năm. Tỉnh cũng đang từng bước xây dựng thương hiệu chè xanh, một số sản phẩm mang thương hiệu chè xanh Phú Thọ có uy tín bước đầu được thị trường đón nhận như: Chè Bảo Long; Phú Hộ Trà; Chè xanh Chùa Tà; Chè Yên Kỳ…
Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho chè xanh Phú Thọ đang gặp nhiều khó khăn, trong đó, phải kể đến những hạn chế trong lĩnh vực công nghiệp chế biến. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có trên 50 cơ sở, doanh nghiệp chế biến chè, công suất chế biến bình quân đạt trên 1 tấn chè búp tươi/cơ sở/ngày trở lên; 1.370 cơ sở chế biến chè thủ công, nhỏ lẻ đang hoạt động, với tổng sản lượng chè chế biến đạt trên 50 nghìn tấn/năm. Tuy nhiên, cơ cấu sản phẩm chủ yếu vẫn là chè đen, chiếm khoảng 70% tổng sản lượng sản xuất, 30% sản lượng còn lại là chè xanh và sản phẩm chè khác như: Chè ướp hương, chè thảo mộc…
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với các làng nghề, HTX sản xuất chè, góp phần nâng cao uy tín, khẳng định thương hiệu chè xanh Phú Thọ.
- Sản phẩm chè xanh của HTX chè Văn Miếu (xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn) đang đề nghị công nhận nhãn hiệu tập thể.
Khảo sát thực tế khác từ Liên hiệp các hội KH-KT tỉnh tại một số vùng sản xuất lớn và các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn cho thấy, sản phẩm chè Phú Thọ được sản xuất dưới dạng thô, chưa được chế biến sâu thành sản phẩm tinh, có tới 80% tiêu thụ dưới dạng bán thành phẩm, hầu hết được xuất bán làm nguyên liệu phục vụ các công đoạn sản xuất khác nhằm tạo ra sản phẩm cao cấp hơn. Do vậy, giá chè bán thành phẩm của Phú Thọ thấp hơn từ 3-5 lần so với các sản phẩm chè xanh đã qua chế biến, phối trộn của các thương hiệu khác. Mặt khác, chế biến chè xanh yêu cầu về nguồn nguyên liệu và công nghệ chế biến cao hơn, do vậy, cần thời gian và chi phí đầu tư lớn hơn, so với sản xuất thông thường. Đây cũng là lý do khiến các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp chưa mặn mà đối với phát triển chế biến chè xanh.
Bên cạnh đó, ý thức sản xuất trong bộ phận các hộ sản xuất nhỏ còn mang nặng tâm lý, tập quán nhỏ lẻ, manh mún, thường có xu hướng sản xuất thiên về năng suất, sản lượng, chạy theo lợi nhuận, chưa đề cao chất lượng cũng như chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, dẫn đến uy tín chưa cao. Tuy là tỉnh có tổng diện tích chè lớn, song diện tích chè trong dân chiếm tỷ lệ cao tới 75,4%, chủ yếu quy mô sản xuất còn manh mún (bình quân 0,3-0,4ha/ hộ) đã gây nhiều khó khăn trong việc hình thành vùng chè nguyên liệu với quy mô lớn phục vụ sản xuất hàng hoá tập trung; đồng thời trở thành rào cản trong việc áp dụng tiến bộ KH-KT, cơ giới hoá sản xuất.
Ngoài ra, những yếu tố khác như: Đầu tư ứng dụng KH-KT trong sản xuất còn hạn chế; chính sách hỗ trợ thiếu sự ràng buộc; sự liên kết giữa đầu tư, quy hoạch vùng nguyên liệu giữa doanh nghiệp chế biến và nông dân chưa chặt chẽ; các cơ sở chế biến phát triển nhanh nhưng thiếu tính bền vững; tiến độ thực hiện xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm chè xanh ở các địa phương còn chậm… là những nguyên nhân gây khó khăn trong xây dựng thương hiệu chè xanh Phú Thọ.
Để tìm lời giải cho “bài toán” xây dựng thương hiệu chè xanh Phú Thọ, tỉnh cần có những giải pháp đồng bộ từ quy hoạch vùng nguyên liệu; sắp xếp, đổi mới phương thức, tổ chức sản xuất; ứng dụng tiến bộ KH-KT nâng cao năng lực chế biến của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; tăng cường thông tin, tuyên truyền; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường… Trong đó, chú trọng nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường, phát triển hệ thống kênh phân phối, quan tâm đến công tác quản lý thương hiệu để đảm bảo uy tín, hình ảnh thương hiệu. Cần nghiên cứu, đưa ra các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp, vừa làm động lực khuyến khích vừa có cơ chế ràng buộc rõ ràng, tránh tình trạng người dân, nhà sản xuất làm cho có, chạy hỗ trợ mà không thực sự chú trọng đến phát triển sản xuất lâu dài… từ đó nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của sản phẩm chè xanh Phú Thọ trên
thị trường.
Theo đại diện Liên hiệp các hội KH-KT tỉnh, sắp tới Hội thảo về giải pháp phát triển thương hiệu chè xanh Phú Thọ sẽ được tổ chức, đây sẽ là cơ hội các cấp, ngành, cơ quan chuyên môn cũng như các doanh nghiệp, địa phương cùng bàn bạc, tìm ra các giải pháp nhằm tháo “nút thắt” cho xây dựng thương hiệu chè xanh của tỉnh.
Thương mại điện tử (TMĐT) là xu hướng tất yếu toàn cầu, mang lại cả cơ hội lẫn thách thức cho các quốc gia và doanh nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, ngăn chặn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trên nền tảng TMĐT.
13 ý tưởng, dự án khởi nghiệp xuất sắc tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 đã được vinh danh tại Lễ Tổng kết và Trao giải Cuộc thi diễn ra sáng nay 13/11/2024 do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế - Cơ quan Thường trực Cuộc thi tổ chức.
Trước những thách thức và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều quốc gia như Đức, Hàn Quốc, Israel... đã xây dựng, triển khai các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, trong đó tập trung thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (R&D), khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh. Mỗi quốc gia đã phát triển chiến lược cụ thể nhằm nâng cao năng lực công nghệ của các doanh nghiệp
Ngày 12/11/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo tham vấn phục vụ công tác thẩm định Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định tham dự và chủ trì Hội thảo.
Nghị định số 38/2018/NĐ-CP đang được sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy nguồn vốn đầu tư cho cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Đó là chủ đề của Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo (KNST) Quốc gia - TECHFEST 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26 - 28/11/2024 tại thành phố Hải Phòng do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng tổ chức.