Trong quá trình xây dựng Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh, mục tiêu quan trọng được tỉnh đặt ra là phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp, người dân. Chính vì vậy, việc tiến tới đồng bộ, liên thông hệ thống một cửa điện tử từ trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện và xã được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), phục vụ người dân và doanh nghiệp.
100% TTHC được tiếp nhận, giải quyết thông qua hệ thống phần mềm một cửa điện tử tại Bộ phận Một cửa điện tử hiện đại thị xã Phú Thọ
Nâng cao chất lượng giải quyết TTHC
Vừa làm xong thủ tục chuyển đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà Nguyễn Thị Phấn, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn vui vẻ chia sẻ: Trước đây, mỗi lần đi làm các loại giấy tờ rất mất thời gian do phải qua nhiều phòng để thực hiện. Nhưng từ khi Bộ phận “Một cửa” của xã đi vào hoạt động tôi chỉ phải đến đây một lần là được hướng dẫn đầy đủ các loại thủ tục, giấy tờ, hẹn ngày trả kết quả, rất nhanh chóng.
Ông Nguyễn Thành Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã Thục Luyện cho biết: Kể từ khi đưa vào hoạt động Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả, ứng dụng hệ thống phần mềm một cửa điện tử trong giải quyết TTHC đã giúp lãnh đạo xã có thể nắm bắt, trực tiếp chỉ đạo, giám sát việc xử lý hồ sơ trên hệ thống phần mềm hằng ngày, giúp việc giải quyết TTHC được nhanh gọn, hiệu quả, tạo sự hài lòng cho người dân.
Việc triển khai hệ thống một cửa điện tử trong các cơ quan nhà nước thời gian qua đã phát huy tính hiệu quả trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Năm 2016, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Viễn thông Phú Thọ xây dựng Hệ thống một cửa điện tử tích hợp Cổng dịch vụ công trực tuyến triển khai đến 100% sở, ngành, địa phương, cung cấp 100% dịch vụ công mức độ 2; 933 dịch vụ công mức độ 3; 7 dịch vụ công mức độ 4. Qua đó, giúp người dân và doanh nghiệp thuận tiện trong giải quyết các TTHC, không phải mất thời gian đi lại nhiều lần. Đồng thời, giúp lãnh đạo các cơ quan, đơn vị kiểm tra tiến độ giải quyết các dịch vụ công, từ đó tránh được tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu, làm chậm tiến độ giải quyết hồ sơ của người dân.
Tỉnh cũng đã triển khai hệ thống hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh. Hệ thống đảm bảo kỹ thuật về kết nối liên thông với các cơ quan trung ương, giúp việc tiếp nhận, hướng dẫn, giám sát, đôn đốc, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính được tập trung, nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch. Tính đến tháng 12/2019, Trung tâm đã tiếp nhận 39.062 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt 97%, phục vụ tốt nhu cầu người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hệ thống phần mềm một cửa điện tử áp dụng trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh hiện nay do nhiều đơn vị cùng triển khai xây dựng nên còn thiếu tính đồng bộ; hệ thống chưa được triển khai đến 100% các xã gây khó khăn trong việc kết nối liên thông trong toàn tỉnh.
Hướng đến đồng bộ, liên thông đến cấp xã
Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh đảm bảo kết nối liên thông với các cơ quan trung ương
Đồng chí Lê Quang Thắng - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Hệ thống một cửa điện tử là công cụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giải quyết TTHC phục vụ người dân và doanh nghiệp, chính vì vậy ngay sau khi Đề án Chính quyền điện tử được ban hành, Sở Thông tin và Truyền thông tích cực tham mưu cho UBND tỉnh tập trung triển khai nâng cấp hạ tầng CNTT của tỉnh, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh nhằm tích hợp các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong tỉnh; đồng thời kết nối với hệ thống quốc gia. Tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả một cửa điện tử tới cấp xã, phường, thị trấn đảm bảo đủ điều kiện để kết nối, liên thông trong toàn tỉnh.
Vừa qua, ngày 9/12/2019, Cổng dịch vụ công Quốc gia chính thức được Chính phủ khai trương tạo thuận lợi cho người dân trong việc tra cứu TTHC, theo dõi thông tin, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến của tất cả các ngành, lĩnh vực, các địa phương trên toàn quốc. Sau khi khai trương, các Bộ, ngành, địa phương phải kết nối và tích hợp các dịch vụ công để người dân, doanh nghiệp thuận tiện trong tra cứu, thực hiện. Như vậy, để đảm bảo tích hợp các dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền cấp tỉnh lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, hệ thống cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử sẽ phải đảm bảo triển khai đồng bộ, thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã.
Đồng chí Lê Quang Thắng cho biết thêm: Trước mắt, Sở đang tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị thống nhất triển khai cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử đảm bảo kết nối liên thông từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã theo yêu cầu của Chính phủ.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các huyện, thành, thị, các xã, thị trấn tiếp tục được đầu tư, củng cố theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu kết nối liên thông. Đồng chí Đinh Hải Nam - Chánh Văn phòng UBND huyện Yên Lập cho biết: Trong 2 năm 2018 - 2019, huyện đã tập trung bố trí nguồn lực xây dựng, đưa vào hoạt động Bộ phận Một cửa điện tử hiện đại và đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT đến tận cấp xã. 17/17 xã, thị trấn đều được đầu tư xây dựng bộ phận “Một cửa”, xây dựng phòng làm việc và mua sắm trang thiết bị. Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục đầu tư hệ thống trang thiết bị, xây dựng hệ thống một cửa điện tử cấp xã theo hướng hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu kết nối liên thông của Chính phủ và của tỉnh.
Ngày 26/12/2019, huyện Tam Nông chính thức khai trương Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa hiện đại
Cùng với đó, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương phối hợp rà soát, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo kết nối liên thông từ trung ương đến cấp tỉnh, huyện và xã. Ông Đỗ Nam Hải - Giám đốc Viễn thông Phú Thọ cho biết: Đơn vị đã phối hợp với các đầu mối để tiến hành rà soát, chuẩn hóa dữ liệu toàn bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh trong cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC đảm bảo chính xác; triển khai các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo kết nối, tích hợp liên thông hệ thống một cửa điện tử và các hệ thống thông tin từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
Với những bước đi khẩn trương, tích cực, trong năm 2020, hệ thống một cửa điện tử và các hệ thống thông tin của tỉnh sẽ cơ bản đồng bộ, thống nhất, liên thông trong toàn hệ thống từ cấp tỉnh đến cấp xã, góp phần quan trọng trong công cuộc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Theo phutho.gov.vn
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 137/2024/NĐ-CP ngày 23/10/2024 quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.
Ngày 17/10/2024, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn, giải đáp về công tác cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) nội bộ, về bộ Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp và hệ thống phản ánh, kiến nghị.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đã quyết liệt rồi thì phải quyết liệt hơn, đã nỗ lực rồi thì phải nỗ lực hơn, quyết tâm rồi thì quyết tâm hơn để tạo sự bứt phá.
Sáng ngày 09/10/2024, tại Trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học góp ý dự thảo đề án “Đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng hoạt động tổ chức hành chính dựa trên kết quả” (Đề án). Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng và Phó Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính Ngô Quang Phát chủ trì Hội thảo.
Ngày 04/10/2024, trong khuôn khổ chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp từ ngày 03 - 07/10/2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam Phạm Thị Thanh Trà đã Hội đàm song phương với Bộ trưởng Bộ Công vụ, đơn giản hóa và chuyển đổi dịch vụ công nước Cộng hòa Pháp.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 435/TB-VPCP ngày 25/9/2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.