Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của dịch vụ công trực tuyến sang giai đoạn phát triển mới.
Ngày 31/8/2024, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc, tập trung vào việc nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Hội nghị được coi là một bước quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình của dịch vụ công trực tuyến sang giai đoạn phát triển mới - giai đoạn phát triển theo chiều sâu.
Hội nghị toàn quốc về dịch vụ công trực tuyến
Hội nghị kết nối từ điểm cầu chính tại Đà Nẵng đến các bộ, ngành, cơ quan trung ương và 62 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại điểm cầu Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ KH&CN và Tổ công tác Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Bộ đã tham gia thảo luận về Dự thảo Khung triển khai dịch vụ công trực tuyến với các nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, chuyển đổi số không chỉ là yêu cầu khách quan mà còn là lựa chọn chiến lược và là trọng tâm trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung rà soát các chỉ tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, để tiếp tục nâng cao hiệu quả những nhiệm vụ đã thực hiện tốt, đồng thời đưa ra giải pháp đột phá cho những nhiệm vụ còn tồn tại.
Thủ tướng chỉ ra những hạn chế trong quá trình chuyển đổi số, bao gồm công tác lãnh đạo, điều hành và hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa. Một vấn đề nổi bật là hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến chưa đạt như kỳ vọng, với hơn 80% hồ sơ dịch vụ công trực tuyến chưa được xử lý hoàn toàn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.
Theo báo cáo tại Hội nghị, từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã trải qua hai giai đoạn phát triển về dịch vụ công trực tuyến. Giai đoạn đầu là thời kỳ khởi động, khi số lượng dịch vụ công trực tuyến mức cao còn hạn chế. Giai đoạn hai là thời kỳ phát triển theo chiều rộng, khi số lượng dịch vụ công trực tuyến tăng đáng kể. Tuy nhiên, kết quả triển khai không đồng đều giữa các bộ, ngành và địa phương, với nhiều nơi đạt tỷ lệ rất thấp trong xử lý hồ sơ trực tuyến toàn trình.
Để bước vào giai đoạn phát triển theo chiều sâu, các bộ, ngành và địa phương được yêu cầu tập trung phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình tới mọi người dân và doanh nghiệp, với chỉ tiêu cụ thể là đạt tỷ lệ 70% hồ sơ trực tuyến toàn trình, nhằm đưa mọi hoạt động của công chức, viên chức lên môi trường mạng và tiến tới hoàn thành nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử, chuyển sang Chính phủ số.
Bên cạnh đó, một trong những mục tiêu quan trọng là đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện sẽ được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình, với ít nhất 80% hồ sơ được xử lý hoàn toàn trực tuyến. Ngoài ra, việc xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cùng việc tăng cường kết nối, chia sẻ và tái sử dụng dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước cũng là nhiệm vụ cấp bách để phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Sau khi nghe báo cáo và phần thảo luận của các đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục phát huy vai trò người đứng đầu, tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, cắt giảm và đơn giản hóa tối đa các quy định kinh doanh và thủ tục hành chính, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, khơi thông mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ KH&CN nâng cao chất lượng triển khai dịch vụ công trực tuyến
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ KH&CN đã ban hành Kế hoạch hành động tổng thể về nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Bộ KH&CN đã công bố danh mục thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình, bao gồm 68 thủ tục cấp trung ương và 28 thủ tục cấp tỉnh. Đây là một bước tiến đáng kể, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng và linh hoạt hơn với các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ KH&CN.
Để đạt mục tiêu nâng cao chất lượng triển khai dịch vụ công trực tuyến, Bộ sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức về dịch vụ công trực tuyến. Các hệ thống thông tin của Bộ đã được kết nối và chia sẻ theo yêu cầu của Chính phủ. Cụ thể, hệ thống dịch vụ công của Bộ đã kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư, hệ thống báo cáo kết nối với hệ thống báo cáo Chính phủ, hệ thống cơ sở dữ liệu cán bộ của Bộ kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về công chức, viên chức. Ngoài ra, nền tảng chia sẻ tích hợp của Bộ cũng đã được kết nối với nền tảng chia sẻ tích hợp của Chính phủ. Những kết nối, tích hợp để khai thác và làm giàu các cơ sở dữ liệu, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến.
Toàn cảnh buổi họp tại điểm cầu Bộ KH&CN.
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình là bước đi quan trọng trong quá trình hiện đại hóa nền hành chính công, góp phần xây dựng Chính phủ số và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Việt Nam.
Theo mosr.gov.vn
Tối 13/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân chủ trì tiệc của Chính phủ Việt Nam chiêu đãi Đoàn Ngoại giao nhân dịp năm mới 2025 và chuẩn bị đón Tết cổ truyền Ất Tỵ 2025. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành của Việt Nam; Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama, Trưởng đoàn Ngoại giao tại Việt Nam cùng các Đại sứ, Đại biện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội cùng phu nhân,...
Cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2025 mở cổng đăng ký từ 15/1 với tổng giá trị giải gần 1 tỷ đồng, dành cho nhà khoa học chuyên, không chuyên và doanh nghiệp.
Chiều ngày 13/1/2025, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ đã tổ chức phiên họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu dự án khoa học cấp tỉnh: “Ứng dụng công nghệ khử ion điện dung (CDI) xử lý nước uống tại một số trường học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ” do Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì thực hiện. Ths. Chu Thị Bích Thủy - Phó Giám đốc Sở KH&CN chủ trì hội nghị
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy, trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra những thay đổi sâu sắc trong cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam. Thứ trưởng kỳ vọng các thương hiệu công nghệ sẽ tiếp tục mang đến những sản phẩm chất lượng cao, đồng thời kết hợp sản xuất và nghiên cứu tại Việt Nam để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Sáng ngày 10/01, tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ bào chế viên nang hỗ trợ bảo vệ gan từ một số dược liệu trên địa bàn tỉnh Phú Thọ” do Viện nghiên cứu Ứng dụng và phát triển - Trường Đại học Hùng Vương chủ trì thực hiện.
Ngày 7/1/2025, Khối Thi đua Văn hóa - Xã hội tỉnh tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác và phát động phong trào thi đua năm 2025