Sáng 5/5, Quốc hội khóa 15 khai mạc kỳ họp thứ 9, bắt đầu quy trình sửa đổi Hiến pháp 2013, tinh gọn bộ máy nhà nước và xem xét thông qua 34 dự án luật.
Phiên khai mạc bắt đầu lúc 9h tại Hà Nội, được truyền hình và phát thanh trực tiếp. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ phát biểu khai mạc, định hướng các nội dung trọng tâm của kỳ họp. Sau đó Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024 và tình hình những tháng đầu năm 2025.
Quốc hội cũng sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, báo cáo giám sát giải quyết kiến nghị từ kỳ họp thứ 8 và tờ trình đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, kèm theo đề xuất thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Ngay trong phiên sáng, các đại biểu thảo luận tại tổ về đề nghị sửa đổi Hiến pháp và việc thành lập Ủy ban dự thảo. Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về nội dung này, trước khi biểu quyết thông qua hai Nghị quyết quan trọng: sửa đổi Hiến pháp và thành lập Ủy ban dự thảo.
Cũng trong chiều nay, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra các dự án luật: Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Kỳ họp bất thường Quốc hội khóa 15 hồi tháng 2. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội
Sửa đổi Hiến pháp: Nhu cầu cấp thiết cho cải cách bộ máy
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau hơn 11 năm thực hiện Hiến pháp 2013, nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, đặc biệt là vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và mô hình chính quyền địa phương ba cấp (tỉnh, huyện, xã).
Thường vụ đánh giá hệ thống hiện tại cồng kềnh, chồng chéo nhiệm vụ, chưa tận dụng được thành tựu khoa học công nghệ, gây khó khăn cho quy hoạch và phát triển bền vững. Việc tồn tại nhiều đơn vị hành chính quy mô nhỏ làm phân tán nguồn lực, hạn chế tiềm năng của địa phương.
Trước bối cảnh này, Đảng đã chủ trương tinh gọn bộ máy, thống nhất mô hình chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh, xã) và sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội vào Mặt trận Tổ quốc. Việc sửa đổi khoảng 8/120 điều của Hiến pháp 2013 được đề xuất thể hiện trong Nghị quyết của Quốc hội, tập trung vào hai trọng tâm: hoàn thiện vai trò Mặt trận Tổ quốc và xây dựng chính quyền địa phương hai cấp, kèm quy định chuyển tiếp để đảm bảo hoạt động thông suốt.
Kỳ họp lịch sử với khối lượng công việc lớn
Kỳ họp thứ 9 sẽ diễn ra trong hai đợt (5/5-29/5 và 11/6-30/6), với tổng cộng 37 ngày làm việc. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 34 dự án luật, 11 nghị quyết, cho ý kiến 6 dự án luật khác và thảo luận 14 nhóm nội dung về kinh tế xã hội, ngân sách, giám sát.
Các vấn đề trọng tâm bao gồm: sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia, rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 và HĐND nhiệm kỳ 2021-2026, ấn định ngày bầu cử nhiệm kỳ 2026-2031 và chất vấn các thành viên Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh đây là kỳ họp có khối lượng lập pháp lớn nhất từ trước đến nay, mang ý nghĩa lịch sử trong sắp xếp bộ máy nhà nước. Để đảm bảo hiệu quả, kỳ họp khai mạc sớm hơn thông lệ (20/5), dành gần hai tuần giữa hai đợt để các cơ quan Chính phủ, Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện các dự án luật, nghị quyết.
Bên cạnh đó, kỳ họp này cũng sẽ rút ngắn thời gian trình bày, chất vấn và thảo luận các dự án luật ít phức tạp, tối ưu hóa tiến trình làm việc.
Sơn Hà-VnExpress
Ngày 18/6/2025, UBND tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ (sau hợp nhất) lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Ngày 17/6/2025, Sở Khoa học và Công nghệ và Văn phòng UBND 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình tổ chức hội nghị làm việc để thống nhất lựa chọn, sử dụng các Hệ thống thông tin dùng chung phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành khi sáp nhập 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình.
Sáng nay 10/6, đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình về tình hình và kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương;
Để chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2025), hướng tới Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ VI, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu về Bộ, ngành Tư pháp” trên phạm vi toàn quốc.
PhuthoPortal - Ngày 2/6/2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2862/KH-UBND về triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2025 với chủ đề “Chung một quyết tâm - Vì cộng đồng không ma tuý”. Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2025 diễn ra từ ngày 01/6/2025 đến ngày 30/6/2025.
Ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Liên kết trang
0
2
0