Đến năm 2025, có khoảng 30 tổ chức nghiên cứu công lập được xếp hạng khu vực và thế giới; đến năm 2030, có khoảng 40 tổ chức nghiên cứu công lập được xếp hạng khu vực và thế giới; đến năm 2050, mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập đủ năng lực đáp ứng yêu cầu hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) của đất nước; một số tổ chức KH&CN công lập bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành KH&CN.
Đây là những mục tiêu được đặt ra trong Quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch). Hội thảo tham vấn phục vụ công tác thẩm định Quy hoạch này đã được Bộ KH&CN tổ chức ngày 19/5/2023 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Thường trực Bộ KH&CN Trần Văn Tùng.
Tham dự Hội thảo có các thành viên Hội đồng thẩm định Quy hoạch; các nhà khoa học, cán bộ quản lý KH&CN; đại diện Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam; đại diện đơn vị tư vấn lập Quy hoạch.
Đã có sự thu gọn về đầu mối các tổ chức KH&CN công lập
Theo báo cáo của Vụ Tổ chức cán bộ, giai đoạn 2017-2021 đã có sự thu gọn về đầu mối các tổ chức KH&CN công lập. Đến năm 2022, mạng lưới tổ chức KH&CN công lập còn 478 tổ chức gồm: 301 tổ chức trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đại học quốc gia, các tổng cục, học viện và các đơn vị tương đương; 170 tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh; 7 tổ chức trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Các tổ chức KH&CN công lập thuộc các bộ, ngành hoạt động trong lĩnh vực gồm: khoa học kỹ thuật và công nghệ , khoa học nông nghiệp , khoa học tự nhiên , khoa học y dược, khoa học xã hội và khoa học nhân văn.
Ở địa phương, lĩnh vực hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập chủ yếu là lĩnh vực: khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học nông nghiệp, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, rất ít tổ chức hoạt động trong lĩnh vực khoa học nhân văn và lĩnh vực y dược.
Trong giai đoạn 2010-2020, Việt Nam có số lượng tổ chức KH&CN công lập được quốc tế xếp hạng gia tăng đáng kể, từ 4 tổ chức KH&CN công lập năm 2010 được tổ chức SCIMAGO (một tổ chức nghiên cứu làm nhiệm vụ cung cấp thông tin về chất lượng nghiên cứu khoa học của các quốc gia, các cơ sở nghiên cứu, mức độ uy tín của các tạp chí thông qua việc phân tích các chỉ số dựa trên cơ sở dữ liệu Scopus do Nhà xuất bản Elsevier, Hà Lan xây dựng từ năm 2004) đưa vào danh sách xếp hạng trong tổng số 6.459 tổ chức, đến năm 2021, đã có 22 tổ chức được SCIMAGO xếp hạng trong tổng số 7.026 tổ chức nghiên cứu, tăng gấp 5,5 lần so với năm 2010.
Toàn cảnh Hội thảo.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa tạo được một mạng lưới các tổ chức KH&CN công lập mạnh; năng lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu của các tổ chức còn hạn chế, số lượng các bằng sáng chế, giải pháp hữu ích và số bài báo công bố kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước còn chưa đồng đều; chưa thu hút được nhân lực trẻ vào làm việc tại các tổ chức KH&CN công lập thuộc các bộ, ngành và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, thiếu đội ngũ cán bộ nòng cốt, dẫn dắt nghiên cứu...; đầu tư phát triển cho tổ chức KH&CN công lập còn dàn trải.
Trước thực trạng đó, thực hiện Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 26/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn lập Quy hoạch; tổ chức các tọa đàm trực tuyến; xin ý kiến các cơ quan liên quan, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức KH&CN công lập để hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch.
Hình thành mạng lưới tổ chức KH&CN công lập theo hướng mở, linh hoạt
Đối tượng quy hoạch gồm tổ chức KH&CN công lập (trừ tổ chức KH&CN công lập thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và tổ chức KH&CN là cơ sở giáo dục đại học) thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ; tổ chức KH&CN công lập trực thuộc cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức KH&CN công lập là đơn vị thành viên và trực thuộc các Đại học Quốc gia; tổ chức KH&CN công lập thuộc tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập (là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có 100% vốn nhà nước); tổ chức KH&CN công lập thuộc phạm vi quản lý của UBND cấp tỉnh.
Quy hoạch hướng đến mục tiêu phát triển mạng lưới tổ chức KH&CN công lập có cơ cấu hợp lý theo định hướng ưu tiên phát triển của quốc gia, ngành và lĩnh vực, hoạt động hiệu quả, tiếp cận với chuẩn mực quốc tế, làm nền tảng để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Quy hoạch đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể bám sát nội dung được công bố tại Quy hoạch tổng thể quốc gia được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023: đến năm 2030, giảm 20% đầu mối các tổ chức KH&CN công lập; hình thành hệ thống trung tâm ĐMST và trung tâm khởi nghiệp ĐMST công lập trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm thúc đẩy ĐMST ở các địa phương. Năm 2025, hình thành trung tâm ĐMST, khởi nghiệp ĐMST tại 3 vùng Bắc, Trung, Nam; 40% địa phương hình thành trung tâm có chức năng ĐMST, khởi nghiệp ĐMST từ việc kiện toàn tổ chức đối với các tổ chức KH&CN công lập, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn.
Quy hoạch cũng đặt mục tiêu thống nhất với mục tiêu đã đề ra tại Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn đến năm 2030, đó là: nâng cao năng lực nghiên cứu của các tổ chức KH&CN theo hướng tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế; năm 2025, có khoảng 30 tổ chức nghiên cứu công lập được xếp hạng khu vực và thế giới; đến năm 2030, có khoảng 40 tổ chức nghiên cứu công lập được xếp hạng khu vực và thế giới.
Đầu tư trọng điểm cho một số tổ chức KH&CN thuộc các bộ, ngành đạt trình độ khu vực và thế giới; xây dựng Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam trở thành nền tảng, trụ cột của nền KH&CN Việt Nam; hình thành các tổ chức KH&CN công lập có tính liên ngành, liên vùng, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ KH,CN&ĐMST, khởi nghiệp ĐMST trọng điểm quốc gia.
Đến năm 2050, mạng lưới tổ chức KH&CN công lập đủ năng lực đáp ứng yêu cầu hoạt động KH,CN&ĐMST của đất nước; một số tổ chức KH&CN công lập bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành KH&CN.
Tại Hội thảo, các đại biểu đều thống nhất về sự cần thiết, vai trò, mục tiêu, định hướng của Quy hoạch, đồng thời tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến liên quan đến việc cần đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN trong giai đoạn trước để đưa ra quy hoạch phù hợp; quy hoạch cần dựa vào định hướng phát triển theo ngành, lĩnh vực ưu tiên và yêu cầu phát triển của từng vùng kinh tế; các đơn vị lập quy hoạch cần cập nhật các nghị quyết của Đảng và các định hướng phát triển phù hợp với nhu cầu và xu thế trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đóng góp về yêu cầu chú trọng công tác phát triển nhân lực, đầu tư cho các tổ chức KH&CN công lập, công tác tuyên truyền, phổ biến về việc xây dựng Quy hoạch...
Thứ trưởng Thường trực Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, việc xây dựng Quy hoạch là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng để làm cơ sở xây dựng các dự án đầu tư, nâng cao tiềm lực, phát triển hệ thống tổ chức KH&CN và đẩy mạnh hoạt động KH,CN&ĐMST.
Thứ trưởng yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Đánh giá Thẩm định và Giám định công nghệ là 2 đơn vị đầu mối thực hiện việc xây dựng và thẩm định quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập cần rà soát lại toàn bộ các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ để hoàn thiện các nội dung về định hướng, phương án quy hoạch. Đặc biệt, cần bám sát Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới và 6 Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 Vùng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng yêu cầu tiếp tục bổ sung, làm rõ hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập theo quy hoạch giai đoạn trước và tác động của các tổ chức đó đến phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương, làm căn cứ đề xuất nội dung, giải pháp quy hoạch thời kỳ mới; nghiên cứu, làm rõ, bổ sung thông tin liên quan đến một số chỉ tiêu trong quy hoạch; nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ, điều chỉnh, bổ sung theo ý kiến đóng góp của các đại biểu về các nội dung trong quy hoạch...
Theo most.gov.vn
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ký ban hành Nghị quyết số 1282/NQ-UBTVQH15 ngày 14/11/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2023-2025. Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo (KNST) Việt Nam (TECHFEST) 2024 hứa hẹn sẽ là sự kiện quan trọng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào KNST tại Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng, tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 749 ngày 3/6/2020 phê duyệt chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Phú Thọ đã ban hành các Nghị quyết, quyết định về Đề án phát triển phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngày 15/11/2024 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Lễ công bố Quyết định về công tác cán bộ.
Ngày 16/11/2024, Trường Đại học Hùng Vương đăng cai tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế thường niên lần thứ III năm 2024 với chủ đề “Những vấn đề mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông”.
Trong thời đại công nghệ hiện đại, trí tuệ nhân tạo (AI) thường được xem là cuộc đua dành cho những quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh mẽ và nền tảng công nghệ cao. Tuy nhiên, blockchain lại khác: nó được coi là một “cơ hội chia đều” cho mọi quốc gia. Với Chiến lược Blockchain Quốc gia được Việt Nam công bố gần đây, chúng ta có cơ hội tham gia vào lĩnh vực công nghệ tiên tiến này và đạt được vị thế quốc tế.