Tối 24/11 tại quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Gia Lai, tỉnh Gia Lai, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự khai mạc sự kiện Trình diễn và Kết nối cung - cầu công nghệ (Techdemo) 2019.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng các đại biểu nhấn nút chính thức khai mạc sự kiện Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ 2019. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Techdemo 2019 do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức có chủ đề "Kết nối công nghệ, bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0".
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, đây là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp, tổ chức ở địa phương khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, giúp nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa, tạo điều kiện cho các nhà khoa học ứng dụng kết quả của mình vào sản xuất kinh doanh.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao việc tổ chức Techdemo 2019 tại Gia Lai thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nơi có vị trí chiến lược quan trọng đối với cả nước.
Những năm qua, hầu hết các tỉnh thuộc khu vực có tốc độ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, các ngành công nghiệp trong khu vực vẫn chủ yếu thâm dụng tài nguyên, sử dụng lao động giản đơn, công nghệ chưa cao, các liên kết cụm ngành còn thiếu, khả năng lan tỏa hạn chế, những tiềm năng “rừng vàng, biển bạc” vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Chính vì thế, hoạt động trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ được tổ chức tại Gia Lai là hoạt động có ý nghĩa, giúp thúc đẩy chuyển giao công nghệ, ứng dụng vào thực tế khu vực.
Phó Thủ tướng Thưòng trực Trương Hòa Bình tham quan sản phẩm của các nhà khoa học tại Techdemo 2019 Gia Lai. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Phó Thủ tướng cho biết, kinh tế Việt Nam những năm gần đây có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2019 có khả năng đạt và vượt mục tiêu đặt ra là 6,8%. Trong đó, mô hình tăng trưởng đã có sự chuyển dịch cơ cấu, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên khoảng 43,3% trong giai đoạn 3 năm 2016-2018. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011-2015 là 4,3%/năm, giai đoạn 2016-2018 đã tăng lên 5,8%/năm.
Đặc biệt năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao kỷ lục trong 10 năm, đạt trên 7% nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ đạt dưới 14% so với mức 17 -18% của các năm trước đó. Những số liệu này cho thấy nền kinh tế đang có sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng.
Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, khoa học công nghệ có đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trên nhiều phương diện. Nhiều ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày... đang thay đổi công nghệ sản xuất theo hướng tự động hóa, ảnh hưởng việc làm của hàng triệu lao động.
Cơ chế chính sách hiện hành còn chưa bắt kịp sự tiến bộ của khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy sự phát triển. Nguy cơ tụt hậu ngày càng xa, dư thừa lao động trình độ thấp, nhập khẩu công nghệ lạc hậu, mất an toàn, an ninh thông tin; đồng thời chịu tác động nhiều mặt về văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh đang là vấn đề mà Việt Nam phải đối mặt.
Trong bối cảnh đó, hoạt động trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ được tổ chức là một nỗ lực của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam dựa trên ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ.
Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Nhân sự kiện này, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương trong thời gian tới, tập trung thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số định hướng, giải pháp tạo đột phá chiến lược thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới, sáng tạo tại Việt Nam.
Cụ thể, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế, chính sách, với những cơ chế đặc thù, cạnh tranh để tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển. Tập trung hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm, khuyến khích sự sáng tạo của người dân, gắn kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp, dịch vụ công nhằm kiến tạo và tích lũy tài sản trí tuệ.
Đồng thời phát huy vai trò và tạo cơ chế phù hợp để các trường đại học, viện nghiên cứu có thể tăng cường nền tảng vốn con người cho đổi mới, sáng tạo, gắn các hoạt động nghiên cứu với nhu cầu doanh nghiệp và nền kinh tế. Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp nhận công nghệ, hấp thụ và làm chủ công nghệ.
Phát triển mạnh các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ tại các địa phương; hình thành cơ sở dữ liệu chung về công nghệ, chuyên gia công nghệ phục vụ cho hoạt động kết nối cung cầu công nghệ một cách hiệu quả và thiết thực; thúc đẩy hoạt động kết nối, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu sẵn có của các viện, trường với các doanh nghiệp.
Ngoài ra, cũng cần mở rộng hoạt động kết nối cung cầu công nghệ sang một số nước phát triển để tăng cường hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.
Cùng với đó, xã hội hóa mạnh các dịch vụ khoa học và công nghệ, đặc biệt là dịch vụ thông tin, tư vấn, môi giới, đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, các dịch vụ sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Techdemo 2019 tại Gia Lai có gần 500 gian trưng bày, trình diễn công nghệ trong 7 lĩnh vực: Chế biến, bảo quản nông - lâm sản; cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ; công nghệ thông tin, công nghệ điện tử, Internet vạn vật (IoT); công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo; công nghệ bảo vệ môi trường); 120 gian trưng bày sản phẩm đặc thù của tỉnh và 180 gian trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp; khu tư vấn công nghệ cải tiến kỹ thuật, kết nối tọa đàm chuyên sâu…
Trong khuôn khổ sự kiện còn có hoạt động: Diễn đàn Doanh nghiệp với đổi mới công nghệ; Hội thảo Xúc tiến chuyển giao công nghệ và đầu tư; Hội nghị về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ với sự tham gia của các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ địa phương.
Techdemo 2019 sẽ bế mạc vào ngày 26/11.
Theo most.gov.vn
Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng không chỉ ghi nhận những nhà khoa học trẻ có thành tích học tập, nghiên cứu xuất sắc mà những cá nhân này còn trở thành biểu tượng của sự quyết tâm, tinh thần sáng tạo và khát vọng vươn lên chinh phục những đỉnh cao mới của thế hệ trẻ Việt Nam.
Nhân ngày Pháp luật Việt Nam 09/11, nhằm tìm hiểu những vấn đề về xây dựng và sửa đổi hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Khẩu hiệu hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024 (09/11) của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) là “Chào mừng Ngày Pháp luật Việt Nam: Khuyến khích sáng tạo, khơi thông nguồn lực để phát triển”.
Ngày 31/10/2024, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, GS. TS Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có buổi trao đổi chuyên đề về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (Lớp thứ ba). Tham dự buổi trao đổi chuyên đề có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Sau quá trình chuẩn bị, triển khai, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với Hệ thống thông tin lý lịch tư pháp và Hệ thống VNeID, từ 18 giờ ngày 01/11/2024, Hệ thống VneID đã chính thức mở dịch vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID cho tỉnh Phú Thọ.
Việc xây dựng chính sách đặc thù, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, khơi thông tất cả nguồn lực, giải quyết những bài toán cụ thể cho địa phương là một trong những điểm mấu chốt để tăng cường hiệu quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc (TDMNPB).