Chỉ còn ít ngày nữa, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019 bước vào chính hội. Năm nay Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng có nhiều nét mới, vừa đảm bảo tính trang nghiêm, trọng thể, vừa đặc sắc, hấp dẫn, hứa hẹn để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho đồng bào và du khách khi hành hương về với Đất Tổ Vua Hùng.
Khu Di tích lịch sử Đền Hùng sẵn sàng chào đón, phục vụ đồng bào và du khách thập phương về dự Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Kỷ Hợi 2019 do UBND tỉnh chủ trì diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 12 - 14/4 (tức mùng 8 - 10/3 năm Kỷ Hợi) với sự tham gia của 3 tỉnh: Cần Thơ, Nghệ An và Sơn La. Tuy nhiên, nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, diễn xướng, trưng bày, triển lãm... bắt đầu được tổ chức từ ngày 5/4 (tức mùng 1/3 âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và thành phố Việt Trì.
Bên cạnh các hoạt động chính, một trong những nét mới của phần lễ năm nay là toàn bộ 13 huyện, thành, thị thực hiện dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng theo chương trình, kịch bản riêng của mỗi địa phương. Việc này vừa phát huy tính chủ động, trách nhiệm của các địa phương tham gia vào các hoạt động giỗ Tổ, củng cố khối đại đoàn kết giữa chính quyền với nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt năm nay, tỉnh Phú Thọ có chủ trương vận động mỗi gia đình làm “mâm cơm tri ân” đảm bảo trang nghiêm, đầm ấm để tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên chung của dân tộc vào thời điểm Chủ lễ đọc Chúc văn trên Đền Thượng vào ngày 10/3 âm lịch.
Khu vực Ngã 5 Đền Giếng, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã được chỉnh trang với diện mạo hoàn toàn mới
Cùng với phần lễ, phần hội cũng bao gồm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch với nhiều nội dung mới, phong phú. Điểm nhấn là chương trình trình diễn các diễn xướng văn hóa và chương trình nghệ thuật chào mừng. Khác với mọi năm, chương trình năm nay ngoài các địa phương có nét văn hóa đặc trưng của tỉnh tham gia trình diễn, sẽ có thêm sự tham gia của các đoàn nghệ thuật 4 tỉnh và các nghệ sỹ nổi tiếng, tạo nên hoạt động văn hóa dân gian đa sắc màu, hấp dẫn, ấn tượng và mang tính cộng đồng sâu sắc.
Các hoạt động trong phần hội năm nay cũng có nhiều nét mới như: Hội Sách Đất Tổ được tổ chức tại ngã 5 Đền Giếng; hội chợ thương mại và giới thiệu sản phẩm đặc trưng của các vùng miền năm 2019; các hoạt động nhằm vinh danh di sản Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ. Lần đầu tiên tại Lễ hội Đền Hùng sẽ diễn ra Hội hát giao lưu tại khu vực Ngã 5 Đền Giếng và hồ Mai An Tiêm, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng; trưng bày hoa, cây cảnh tại thành phố Việt Trì; biểu diễn văn nghệ trong 3 đêm lễ hội tại sân khấu Quảng trường Hùng Vương. Năm nay, quy mô tổ chức hội trại văn hoá cũng được mở rộng, ngoài gian trại của 13 huyện, thành, thị còn có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn trong cả nước với nhiều sản phẩm phong phú.
Với những thành công từ các mùa lễ hội trước, năm 2019 tỉnh không thành lập các Tiểu ban phục vụ tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh theo hướng xã hội hóa công tác tổ chức lễ hội, để dần dần đưa các hoạt động lễ hội trở về với cộng đồng, để người dân thực sự làm chủ lễ hội. Hầu hết các nhiệm vụ trong chương trình được giao cho các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành, thị một cách chuyên sâu, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các đơn vị, địa phương.
Năm nay, Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng tiếp tục triển khai thực hiện “5 không” tại lễ hội: Không có tình trạng ùn tắc giao thông; không để xảy ra tình trạng kinh doanh, dịch vụ với giá cả mang tính “chặt, chém”; không có người ăn xin; không để xảy ra các hành vi mang tính phản cảm; không để mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tỉnh cũng xây dựng các phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường; chống ùn tắc, chen lấn, xô đẩy và đảm bảo an toàn giao thông; có các phương án cứu hộ, cứu nạn, ứng phó kịp thời trong mọi tình huống khi có sự cố xảy ra. Tăng cường kiểm soát tình hình giá cả dịch vụ nhằm ngăn chặn tình trạng ép giá, tăng giá bất hợp lý; không để xảy ra tình trạng ăn xin, hàng quán chèo kéo khách. Đồng thời, công khai số điện thoại đường dây nóng tại các địa điểm xung quanh khu vực Đền Hùng để tiếp nhận nhanh nhất thông tin phản ánh của nhân dân và du khách (Điện thoại: 0210.3860.026 hoặc 0210.6551.666).
Công tác xây dựng, chỉnh trang, lắp đặt các thiết bị kỹ thuật, mỹ thuật, chuẩn bị cho các hoạt động cũng đã hoàn thành xong trước ngày 1/3 âm lịch để đảm bảo cảnh quan, môi trường và phục vụ nhu cầu của đồng bào, du khách khi về thăm viếng Đền Hùng.
Ông Nguyễn Duy Anh - Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã tập trung cùng với các nhà thầu tu bổ, chỉnh trang cảnh quan khu vực trung tâm lễ hội; sắp xếp, quy hoạch lại các bồn hoa, cây cảnh; thay thế hệ thống cây xanh bằng các loại cây đặc trưng vùng đất Tổ nhằm tạo cảnh quan khang trang, tạo thuận lợi nhất cho đồng bào, du khách khi về thăm viếng Đền Hùng. Đặc biệt, khu vực Ngã 5 Đền Giếng đã được chỉnh trang với diện mạo hoàn toàn mới. Khu vực bãi xe trung tâm đã hoàn thành cải tạo, mở rộng với quy mô khoảng 7,3ha để tăng sức chứa từ 1.300 xe lên 2.000 xe các loại. Cùng với đó, xây dựng mới các khu vệ sinh cao cấp, đáp ứng khoảng 100 lượt người trên cùng thời điểm để phục vụ du khách thập phương.
Để phục tối đa nhu cầu của du khách khi về dự lễ hội, năm nay lần đầu tiên Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng thành công phần mềm ứng dụng CNTT về Đền Hùng nhằm hướng dẫn đồng bào và du khách về dâng hương tại Đền Hùng.
Ứng dụng CNTT về Đền Hùng giúp du khách nắm rõ được hành trình di chuyển và hiểu hơn về lịch sử cội nguồn dân tộc
Ông Lê Quang Thắng - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Đây được coi là đột phá trong nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách thập phương. Chỉ cần truy cập vào các trang cung cấp ứng dụng của Apple hay Google để cài đặt ứng dụng trên điện thoại thông minh với từ khóa Đền Hùng, người sử dụng có thể nghe và xem nội dung hướng dẫn hành trình tham quan dưới dạng video, audio hình ảnh, liên hệ các dịch vụ đặt lễ, ăn, uống, nghỉ ngơi, tham quan,… Người dân cũng có thể công đức tu bổ Đền Hùng trực tuyến nếu không có dịp về dâng hương; đồng thời trực tiếp đóng góp ý kiến trên phần mềm để nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ ngày một tốt hơn đồng bào và du khách khi hành hương về Đất Tổ.
Với mục tiêu tổ chức phần Lễ trang nghiêm, trọng thể, thành kính và mang tính cộng đồng; phần Hội đảm bảo vui tươi, lành mạnh, văn minh, an toàn và tiết kiệm, tỉnh Phú Thọ quyết tâm tổ chức tốt các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019, làm tiền đề để tổ chức thành công Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng cấp Quốc gia vào năm 2020, xây dựng Lễ hội Đền Hùng tiếp tục trở thành một trong những lễ hội mẫu mực của cả nước.
Theo phutho.gov.vn
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ký ban hành Nghị quyết số 1282/NQ-UBTVQH15 ngày 14/11/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2023-2025. Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo (KNST) Việt Nam (TECHFEST) 2024 hứa hẹn sẽ là sự kiện quan trọng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào KNST tại Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng, tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 749 ngày 3/6/2020 phê duyệt chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Phú Thọ đã ban hành các Nghị quyết, quyết định về Đề án phát triển phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngày 15/11/2024 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Lễ công bố Quyết định về công tác cán bộ.
Ngày 16/11/2024, Trường Đại học Hùng Vương đăng cai tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế thường niên lần thứ III năm 2024 với chủ đề “Những vấn đề mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông”.
Trong thời đại công nghệ hiện đại, trí tuệ nhân tạo (AI) thường được xem là cuộc đua dành cho những quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh mẽ và nền tảng công nghệ cao. Tuy nhiên, blockchain lại khác: nó được coi là một “cơ hội chia đều” cho mọi quốc gia. Với Chiến lược Blockchain Quốc gia được Việt Nam công bố gần đây, chúng ta có cơ hội tham gia vào lĩnh vực công nghệ tiên tiến này và đạt được vị thế quốc tế.