Ngày 17/4/2018 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14 (2016 - 2017). Theo đó, 90 công trình đã được trao Giải.
Sau 2 năm triển khai, Ban tổ chức hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14 (2016 - 2017) đã nhận được 536 giải pháp gửi tới từ 55 tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành. Các giải pháp này thuộc về 6 lĩnh vực, trong đó công nghệ thông tin, điện tử viễn thông có 94 giải pháp; Cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải - 157 giải pháp; Nông, lâm, ngư nghiệp, tài nguyên môi trường - 83 giải pháp; Giáo dục và đào tạo - 83 giải pháp; Y, dược - 67 giải pháp; Vật liệu, hóa chất, năng lượng - 42 giải pháp.
Trên cơ sở đánh giá của Hội đồng giám khảo, Ban tổ chức đã quyết định trao giải cho 90 giải pháp, bao gồm 6 giải Nhất, 12 giải Nhì, 24 giải Ba, 48 giải khuyến khích.
6 giải pháp được trao giải Nhất gồm:
1. Giải pháp Sử dụng nguồn năng lượng tại chỗ thay thế năng lượng điện cho các thiết bị tại Công ty Cổ phần Than Núi Béo - Tác giả: Ths Nguyễn Xuân Phùng - Công ty CP Than Núi Béo.
2. Giải pháp Hệ thống cảnh báo vi phạm chiều cao tĩnh không ứng dụng trong giao thông đường thủy - Tác giả: TS Lê Nguyên Khương - Trường ĐH Giao thông vận tải, tỉnh Vĩnh Phúc.
3. Giải pháp Kết nối máy tính và đo lường điện tử cải thiện tính năng thiết bị dạy học nhằm nâng cao kết quả giảng dạy - Tác giả: Ths Trần Huy Hùng, trường Sỹ quan công binh, ĐH Ngô Quyền, tỉnh Bình Dương.
4. Giải pháp Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi điều trị một số bệnh lý ngoại khoa trong ổ bụng trẻ em - Tác giả: BSCKII Phạm Văn Phú - Bệnh viên đa khoa tỉnh Bình Định.
5. Giải pháp Nghiên cứu, thiết kế công nghệ và chế tạo, lắp đặt đưa vào vận hành hệ thống bốc hơi gia nhiệt tích hợp tự động hóa hiện đại, khu hóa chế lặng lọc bốc hơi của nhà máy đường để nâng cao năng suất và hiệu quả - Tác giả: KS Nguyễn Thị Minh Uyên, nhà máy đường An Khê tỉnh Quảng Ngãi.
6. Giải pháp Nghiên cứu kết hợp và áp dụng sáng tạo hai hệ dung dịch ức ché sét mới KGAC và KGAC-PLUS có chất lượng tương đương với các hệ dung dịch tiên tiến trên thế giới và đảm bảo an toàn cho môi trường sinh thái - Tác giả: Hoàng Hồng Lĩnh thuộc Xí nghiệp khoan và sửa giếng - Vietsovpetro.
Ban tổ chức cũng đề nghị Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) tặng giải thưởng cho 2 giải pháp xuất sắc nhất. Đó là Giải pháp Nghiên cứu kết hợp và áp dụng sáng tạo hai hệ dung dịch ức chế sét mới KGAC và KGAC-PLUS có chất lượng tương đương với các hệ dung dịch tiên tiến trên thế giới và đảm bảo an toàn cho môi trường sinh thái của tác giả Hoàng Hồng Lĩnh thuộc Xí nghiệp khoan và sửa giếng - Vietsovpetro, có thể ứng dụng để khoan qua các thành hệ có cấu tạo địa chất phức tạp; và Giải pháp Hệ thống cảnh báo vi phạm chiều cao tĩnh không ứng dụng trong giao thông đường thủy của tác giả Lê Nguyên Khương thuộc trường Đại học công nghệ giao thông vận tải, tỉnh Vĩnh Phúc, được dùng để đưa ra cảnh báo chủ động không yêu cầu người điều khiển phương tiện phải nắm rõ chiều cao hiện tại của phương tiện.
10 cá nhân là chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm của các giải pháp đoạt giải Nhất cũng được Thủ tướng Chính phủ trao bằng khen.
Nhận định về ý nghĩa của cuộc thi, GS.TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, nhấn mạnh: "Điều quan trọng là cuộc thi đã tạo ra phong trào nhân dân sáng tạo, áp dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống".
Phát biểu tại lễ trao Giải, ông Phan Xuân Dũng- Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội- biểu dương các đơn vị tổ chức đã làm cho hội thi này trở lên uy tín, làm cho các nhà khoa học, quần chúng nhân dân tích cực tham gia. Các nhà khoa học thực sự là những bông hoa đẹp trong vườn hoa khoa học công nghệ của Việt Nam, là những người đi tiên phong trong phong trào lao động sáng tạo không mệt mỏi vì sự nghiệp CNH HĐH đất nước.