Sáng ngày 20/9/2024, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ Việt Nam phối hợp Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản tổ chức khai mạc Hội thảo “Chính quyền địa phương Việt Nam - Nhật Bản”. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam Trương Hải Long và Tổng Cục trưởng Điều phối chính sách, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản Onda Kaoru dự và phát biểu chào mừng Hội thảo.
Dự Khai mạc Hội thảo về phía Bộ Nội vụ Việt Nam có Chánh Văn phòng Bộ Vũ Đăng Minh; Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Chu Tuấn Tú; Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước Lê Anh Tuấn; Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Nguyễn Ánh Dương; đại diện lãnh đạo và công chức, viên chức một số thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ.
Về phía địa phương có Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội Hà Minh Hải; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nghiêm Xuân Cường; Giám đốc Sở Ngoại vụ TP. Hải Phòng Nguyễn Thị Bích Dung; Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Minh Vân và đại diện một số địa phương.
Tham dự Khai mạc Hội thảo, phía Nhật Bản có ông Ito Naoki, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; ông Sugano Yuichi, Trưởng Đại diện, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA Việt Nam); ông Ozasa Haruhiko, Chủ tịch JETRO, Văn phòng tại Hà Nội, Việt Nam; lãnh đạo, đại diện lãnh đạo một số địa phương của Nhật Bản.
Đây là Hội thảo lần thứ 6 được Bộ Nội vụ Việt Nam và Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản phối hợp tổ chức thông qua Hội đồng chính quyền địa phương Nhật Bản về quan hệ quốc tế, Văn phòng tại Singapore (J.CLAIR Singapore), với mục đích nhằm hướng tới đối tượng là các công chức làm việc trong các cơ quan hành chính tại các quốc gia trong khu vực châu Á và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chính quyền địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, thay mặt Lãnh đạo Bộ Nội vụ Việt Nam, Thứ trưởng Trương Hải Long vui mừng chào đón sự có mặt của Tổng Cục trưởng Điều phối chính sách, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản Onda Kaoru và các vị khách quý đến từ Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, tổ chức JETRO, tổ chức JICA Việt Nam và đại diện chính quyền địa phương Thành phố Kobe, Thành phố Kitakyuhu và Thành phố Miyazaki của Nhật Bản; đồng thời, cảm ơn sự hiện diện của đông đảo các vị đại biểu đại diện các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương một số tỉnh, thành phố đã đến tham dự Hội thảo.
Thứ trưởng Trương Hải Long nhấn mạnh, Việt Nam và Nhật Bản đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 21/9/1973, mở ra một chương mới trong lịch sử hơn 1.000 năm giao lưu Nhân dân. Từ đó đến nay, Việt Nam và Nhật Bản đã lần lượt xác lập khuôn khổ quan hệ từ Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài năm 2002; nâng lên Đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á năm 2009 và trở thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á năm 2014.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Lãnh đạo Việt Nam vào ngày 27/11/2023 - năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”. Đối với Việt Nam ngày nay, Nhật Bản là “người bạn lớn”, là đối tác quan trọng hàng đầu, hợp tác vì lợi ích của 02 quốc gia và Nhân dân hai nước, vì hòa bình và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Trong lĩnh vực Nội vụ, Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo cán bộ cấp chiến lược, mang đến cho các cán bộ trẻ cơ hội học tập và nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực, như: Xây dựng thể chế, chính sách, nhất là cải cách hành chính công, phát triển giao thông đô thị, phát triển nông nghiệp, nông thôn, bảo vệ môi trường.
Trong lĩnh vực chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ Việt Nam đã phối hợp với Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) và Hội đồng các chính quyền địa phương về quan hệ quốc tế Nhật Bản tại Singapore - J.CLAIR tổ chức các các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, trong nước về quản trị địa phương; các chương trình đào tạo ngắn hạn cho các cán bộ chính quyền địa phương Việt Nam tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần đào tạo nâng cao năng lực và chất lượng thực thi công vụ của công chức địa phương.
Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác quốc tế năm 2024 giữa Bộ Nội vụ Việt Nam và Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, Hội thảo “Chính quyền địa phương Việt Nam - Nhật Bản” lần này được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương hai nước Việt Nam - Nhật Bản.
“Hội thảo sẽ là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước cũng như chính quyền địa phương của hai nước chia sẻ những điểm tương đồng, những kinh nghiệm tốt về quản trị địa phương, về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền địa phương điện tử, về tăng cường phát triển mô hình liên kết vùng nhằm phát huy thế mạnh của các địa phương và các vùng kinh tế. Các nội dung chia sẻ tại Hội thảo là tư liệu quý cho cơ quan quản lý của cả Việt Nam và Nhật Bản trong quá trình hoạch định, xây dựng chính sách về đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, đồng thời là cơ hội để chính quyền địa phương hai nước giao lưu, thúc đẩy hợp tác quốc tế, từ đó làm bền chặt hơn mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản, xứng tầm là Đối tác chiến lược toàn diện”, Thứ trưởng Trương Hải Long cho biết.
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng Cục trưởng Điều phối chính sách, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản Onda Kaoru trân trọng gửi lời cảm ơn đến Thứ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam Trương Hải Long đã đến dự và phát biểu khai mạc, đại diện chính quyền các địa phương của Việt Nam đã dành thời gian quý báu về dự Hội thảo hôm nay.
Tổng Cục trưởng Onda Kaoru cũng gửi lời chia buồn sâu sắc tới Nhân dân Việt Nam về những thiệt hại mà các địa phương Việt Nam đã phải gánh chịu trong cơn bão số 3 (Bão Yagi) vừa qua, mong các địa phương sớm khắc phục hậu quả của cơn bão và sớm trở lại cuộc sống thường ngày.
Ông Onda Kaoru cho biết, năm 2023, Thứ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đã sang thăm Việt Nam và có cuộc làm việc với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, hai bên đã trao đổi các nội dung liên quan và quyết định tổ chức Hội thảo lần này tại Việt Nam. Ông Onda Kaoru đánh giá cao và trân trọng gửi lời cảm ơn đến Bộ Nội vụ Việt Nam và các cơ quan có liên quan tại Việt Nam đã tạo điều kiện, phối hợp và giúp đỡ để tổ chức thành công Hội thảo lần này.
Tổng Cục trưởng Onda Kaoru hi vọng thông qua Hội thảo hôm nay sẽ là cơ duyên để hai bên có thể tìm thêm và phát hiện ra những sáng kiến, ý tưởng mới hướng tới triển khai những chính sách phù hợp trong tương lai.
Trong phiên thảo luận buổi sáng, các đại biểu dự Hội thảo sẽ được nghe các nhà quản lý, đại diện các địa phương của Nhật Bản và Việt Nam đã trình bày tham luận liên quan đến:
Chuyên đề “Giới thiệu tổng quan về hệ thống chính quyền địa phương Nhật Bản” được Tổng Cục trưởng Điều phối chính sách, Bộ Nội vụ và truyền thông Nhật Bản Onda Kaoru trình bày.
Chuyên đề “Giới thiệu tổng quan hệ thống chính quyền địa phương Việt Nam” được Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ Việt Nam Nguyễn Ánh Dương trình bày.
Trong Phiên đặc biệt “Chia sẻ của thành phố kết nghĩa Thành phố Hải Phòng và Thành phố Kitakyushu”, đại diện cho Thành phố Kitakyushu, bà Kobayashi Naoko, Trưởng phòng Phòng Chính sách quốc tế đã giới thiệu về vị trí của Thành phố Hải phòng (Việt Nam) và Thành phố Kitakyushu (Nhật Bản); Giới thiệu về thành phố Kitakyushu (lịch sử và hiện nay), trong đó, nhấn mạnh thành phố Kitakyushu là thành phố cảng nằm ở cực Bắc của Kyushu, có đường bờ biển dài và 3 cảng biển.
Sau khi Xưởng luyện thép quốc doanh Yahata đầu tiên của Nhật Bản được xây dựng vào năm 1901, đã phát triển thành một Thành phố công nghiệp hàng đầu Nhật Bản. Mặc dù phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng nhờ sự liên kết giữa Ngành công nghiệp - Chính quyền - Trường đại học và người dân đã dần khắc phục được tình trạng ô nhiễm. Hiện nay, thành phố Kitakyushu sử dụng các kinh nghiệm trong các vấn đề về ô nhiễm, triển khai nhiều dự án quốc tế và được quốc tế đánh giá cao. Thành phố tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng đầu của Nhật Bản và có cảnh quan thiên nhiên phong phú và nguồn lương thực dồi dào.
Tháng 5/2009, Thành phố Hải Phòng và Thành phố Kitakyushu thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị nhằm: 1. Nâng cao tiềm năng tham gia các dự án về cơ sở hạ tầng; 2. Hỗ trợ các doanh nghiệp của tp đầu tư ra nước ngoài; 3. Thúc đẩy giao lưu văn hóa; 4. Đào tạo nguồn nhân lực là cầu nối giữa hai thành phố. Đến tháng 4/2014, hai thành phố tiến hành ký kết Hiệp định thành phố kết nghĩa, tiến hành hợp tác trong dự án “Thành phố tăng trưởng xanh”; Giao lưu hợp tác kinh tế; Giao lưu quốc tế;…
Tại Hội thảo, Giám đốc Sở Ngoại vụ Thành phố Hải Phòng Nguyễn Thị Bích Dung nhấn mạnh, năm 2024, là năm kỷ niệm 10 năm quan hệ kết nghĩa Hải Phòng - Kitakyushu (2014 - 2024). Vì vậy, hai bên sẽ tổ chức nhiều sự kiện để chào mừng: Triển lãm ảnh; Giao lưu học sinh; Các dự án bảo vệ môi trường; Các hoạt động hướng tới phát thải ròng bằng 0 và Giao lưu doanh nghiệp. Đồng thời, dự kiến các nội dung, kế hoạch hợp tác trong thời gian tới: (1) Thúc đẩy trao đổi đoàn cấp Chính quyền; (2) Tiếp tục triển khai các dự án hợp tác hướng tới tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, phát thải ròng bằng 0; (3) Thúc đẩy giao lưu doanh nghiệp; (4) Tăng cường giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân.
* Trước phiên khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long đã gặp gỡ, chào xã giao Tổng Cục trưởng Điều phối chính sách, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản Onda Kaoru và các đại biểu tham dự Hội thảo:
Theo moha.gov.vn
Xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thành phố Việt Trì đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo, đổi mới trong quản lý điều hành, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) hướng đến sự hài lòng của người dân, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Những năm qua, với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị huyện Tân Sơn, nhiều giải pháp thiết thực, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính (TTHC) được triển khai tích cực, đem lại những kết quả đáng khích lệ. Một trong số đó là việc xây dựng bộ phận “Một cửa“,”Một cửa liên thông” từ huyện đến xã theo hướng hiện đại, đồng bộ.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 137/2024/NĐ-CP ngày 23/10/2024 quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.
Ngày 17/10/2024, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn, giải đáp về công tác cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) nội bộ, về bộ Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp và hệ thống phản ánh, kiến nghị.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đã quyết liệt rồi thì phải quyết liệt hơn, đã nỗ lực rồi thì phải nỗ lực hơn, quyết tâm rồi thì quyết tâm hơn để tạo sự bứt phá.
Sáng ngày 09/10/2024, tại Trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học góp ý dự thảo đề án “Đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng hoạt động tổ chức hành chính dựa trên kết quả” (Đề án). Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng và Phó Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính Ngô Quang Phát chủ trì Hội thảo.