Chiều 17/5/2016, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG HN) phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình triển khai Chương trình “KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” giai đoạn 2013-2015.
Tham dự Hội nghị có ông Chu Ngọc Anh- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; ông Phùng Xuân Nhạ- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc ĐHQG HN; ông Trương Xuân Cừ- Phó Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình Tây Bắc; đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công an và 1 số Bộ, ban, ngành, địa phương khác.
Chương trình Tây Bắc được triển khai với nội dung: Cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc; Xác định luận cứ khoa học cho các mô hình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp đặc thù các tiểu vùng, liên vùng, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc; Đề xuất, chuyển giao các giải pháp KH&CN phù hợp nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; phát triển hạ tầng giao thông và thông tin; phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc; Xác định nhu cầu đào tạo nhân lực và đề xuất giải pháp đào tạo phù hợp cho phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững vùng Tây Bắc.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu của Chương trình Tây Bắc đã cung cấp luận cứ khoa học phục vụ xác định chiến lược, kế hoạch phát triển và các khâu đột phá của vùng và các địa phương vùng Tây Bắc. Kết quả nghiên cứu của Chương trình Tây Bắc là cơ sở quan trọng để phục vụ đầu tư và quản lý, không chỉ đối các quốc gia, các bộ ngành mà còn với các tỉnh và là nhu cầu bức thiết đối với nước ta trong thời kỳ đổi mới hiện nay.
Trong thời kỳ đầu triển khai, Chương trình Tây Bắc được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2013-2015) và Giai đoạn 2 (2016-2018).
Trong Giai đoạn 1, nhiệm vụ chính của Chương trình là tập trung triển khai nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, rà soát các chính sách điều tra bổ sung nhằm cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ cho việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc.
Báo cáo về những kết quả đã đạt được, ông Vũ Bằng Giang (đại diện Chương trình Tây Bắc) cho biết: “Ban chỉ đạo Chương trình đã phê duyệt và tổ chức triển khai 35 nhiệm vụ. Triết lý của Chương trình “trồng cây gì, nuôi con gì” được nhóm thực hiện bám sát. Ngoài ra, Ban chỉ đạo cũng kiểm tra tiến độ theo định kỳ 2 lần/năm”.
Bên cạnh đó, Chương trình cũng giới thiệu về cơ sở dữ liệu liên ngành phục vụ phát triển bền vững Tây Bắc. Những dữ liệu được tập hợp gồm 14 lĩnh vực như điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, môi trường, cơ sở hạ tầng,... Sau khi hoàn thiện, đây sẽ là cơ sở dữ liệu mở để các địa phương liên tục cập nhật thông tin và trở thành nền tảng hỗ trợ việc quản lý, điều chỉnh kế hoạch đầu tư phát triển cho từng địa phương và cả vùng.
Đánh giá về kết quả của Chương trình, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết: “Việc xây dựng một vùng liên kết giữa các tỉnh là thành quả đáng tự hào. Bởi lâu nay chúng ta đã quen lối suy nghĩ tỉnh nào lo tỉnh đấy”.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng cho rằng, trong giai đoạn tiếp theo, Chương trình Tây Bắc cần tái cấu trúc lại nền nông nghiệp. Trong 14 tỉnh thành, bài toán liên quan tới đồng ruộng cần giải quyết đầu tiên. Nên tìm hiểu cái chung vùng rồi lên kế hoạch cụ thể cần xử lý, từ đó đề xuất với các nhà khoa học để có phương án xử lý chung và riêng cho từng tỉnh thành.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá cao những thông tin, kết quả được trình bày trong hội nghị sơ kết lần này. Đây là những giai đoạn chuẩn bị quan trọng để tập trung vào việc triển khai giai đoạn tới mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc
Trong Giai đoạn 2 (2016-2018), Chương trình sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai nghiên cứu ứng dụng, đưa các kết quả KH&CN vào đời sống và sản xuất, đảm bảo tính thiết thực và hiệu quả.
Bộ trưởng khẳng định, để triển khai mạnh mẽ, hiệu quả Chương trình trong thời gian tới cần đẩy mạnh tính liên kết vùng, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, các vùng. Để hình thành được mối liên kết vùng cần sự nỗ lực rất cao của lãnh đạo các địa phương, các bộ ngành và các nhà khoa học.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam 18/5, Bộ trưởng thay mặt ngành KH&CN gửi tới các vị đại biểu, các nhà khoa học và cộng đồng những người hoạt động trong lĩnh vực KH&CN lời chúc tốt đẹp nhất. Bộ trưởng mong muốn các Bộ, ban ngành, các nhà khoa học,… cùng chung tay phát triển sự nghiệp KH&CN trong đó có các mục tiêu của Chương trình Tây Bắc đặt ra.
Chương trình KH&CN cấp nhà nước “KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc đã được Thủ tướng Chính phủ chuẩn y theo đề xuất của ĐHQG HN và Ban chỉ đạo Tây Bắc vào năm 2012.
Một sản phẩm nghiên cứu của Chương trình được trưng bày tại Hội nghị