Các nhà khoa học Nhật Bản hiện nay đã phát triển thành công một loại cảm biến nhịp tim siêu nhỏ, có thể gắn trực tiếp lên mô tim, giúp theo dõi và kiểm soát sức khỏe tim mạch.
Sự phát triển của công nghệ đã mở ra khả năng kiểm soát và theo dõi tất cả những bộ phận trên cơ thể người chỉ với một vài loại cảm biến. Điều này không chỉ giúp các bác sĩ có thông tin nhiều hơn để khám chữa bệnh mà nó còn giúp người sử dụng tự ý thức để kiểm soát sức khỏe của mình.
Với thành công này, các cảm biến theo dõi nhịp tim trong tương lai sẽ rất chính xác và có độ tin cậy cao. (Ảnh minh họa)
Hiện nay, các nhà khoa học Nhật Bản đã phát minh ra một loại cảm biến nhịp tim siêu nhỏ bằng hợp chất sinh học thân thiện, có khả năng gắn trực tiếp lên các mô tim hoặc các cơ vận động để theo dõi và cung cấp thông tin chi tiết. Theo lời các nhà khoa học đến từ trường đại học Tokyo, cảm biến sinh học gắn trực tiếp như vậy sẽ đảm bảo các thông tin sinh trắc học luôn hoàn toàn chính xác, khác hẳn với các loại cảm biến gắn ngoài.
Điều bí mật làm nên sự kì diệu của loại cảm biến này chính là một loại gel sinh học đặc chế, giúp gắn cố định cảm biến siêu nhỏ này vào một vị trí nhất định của các mô trên cơ thể, ngay cả khi mô cơ đó đang hoạt động, như cơ tim chẳng hạn. Loại gel sinh học này thân hiện với cơ thể, không gây ra các phản ứng phụ, đồng thời bảo vệ các vi mạch cảm biến.
Kích thước của loại cảm biến này cũng rất nhỏ, với chiều rộng khoảng 4mm và mỏng chưa đến 1mm, nó chứa tới 144 loại cảm biến, giúp đo lường và theo dõi hoạt động chính xác của các mô, trong đó nhắm đến chủ yếu là mô tim.
Các cảm biến nội mô kiểu này giúp cung cấp các thông tin về hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, nhằm mục đích khám chữa bệnh hoặc nghiên cứu khoa học. Cảm biến nhịp tim siêu nhỏ này hiện đã được thử nghiệm thành công trên mô tim của chuột,mở ra tiềm năng cấy ghép các bộ phận nội tạng với tỉ lệ thành công và khả năng theo dõi sức khỏe cao hơn.