Công dân đến làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Tam Nông
- Đổi mới lối làm việc, cắt giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, hạn chế gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp là những ưu tiên hàng đầu của tỉnh trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Được xác định là khâu đột phá và là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hoàn thiện hệ thống thể chế hành chính, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả công tác CCHC trên nhiều nội dung.
Tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ
Năm 2019, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới, sắp xếp và kiện toàn tổ chức các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tính đến hết năm, các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đều đã giảm đầu mối, các phòng, ban đảm bảo việc thực hiện chức năng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, không để chồng chéo, trùng lắp về nhiệm vụ. Cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn không vượt quá số lượng phòng, ban, chi cục. Thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, giảm 52 đơn vị (trong đó 51 xã, 1 phường); thực hiện sáp nhập các khu dân cư giảm từ 2.887 khu xuống còn 2.328 khu.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và tinh giản biên chế gắn với đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện, từng bước khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị; tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước, phù hợp với yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả góp phần giữ vững sự ổn định phát triển. Để thực hiện có hiệu quả chương tình tổng thể cải cách hành chính, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được các đơn vị, huyện, thành, thị tập trung thực hiện. Xây dựng bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm đối với 13/13 huyện, thành, thị và 20/20 sở, ngành. Đây là cơ sở để các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, phân công nhiệm vụ và thực hiện chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức theo đúng quy định. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên được bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng về chuyên môn nghiệp vụ.
Để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (CCVC), tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác đánh giá, phân loại cán bộ, CCVC. Hàng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức đánh giá, phân loại cán bộ, CCVC theo quy định. Nhằm đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động các cơ quan cấp tỉnh và UBND cấp huyện, trong năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2931, theo đó hàng năm có 20/20 sở, ban, ngành, 13/13 huyện, thành, thị 5/5 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh và 8 cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại tỉnh sẽ được đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động thông qua việc định lượng bằng điểm số. Kết quả đánh giá, xếp loại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn là căn cứ quan trọng để cơ quan chức năng và cấp ủy đảng có thẩm quyền xét thi đua, khen thưởng tập thể, cá nhân, đánh giá trách nhiệm, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo điều hành. Căn cứ kết quả đánh giá, xếp loại năm, các cơ quan, đơn vị xác định được mức độ đạt yêu cầu về chất lượng hoạt động; đồng thời có cơ sở khoa học để đề ra các giải pháp nhằm phát huy những mặt tích cực, khắc phục những hạn chế và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, CCVC, người lao động trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Đội ngũ cán bộ tại Trung tâm hành chính công thường xuyên đổi mới tác phong, lề lối làm việc tạo được niềm tin đối với cá nhân, tổ chức đến làm việc.
Hướng tới sự hài lòng của người dân
Đi vào hoạt động từ tháng 10 năm 2018, đến nay Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh là nơi tập trung đầu mối giải quyết các thủ tục hành chính. Đây được xem là bước đột phá của tỉnh trong cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và hướng tới chính quyền điện tử. Trung tâm đang thực hiện tiếp nhận, trả kết quả đối với 1.384/1.482 thủ tục hành chính cấp tỉnh, đồng thời phối hợp với Công ty Điện lực cung cấp dịch vụ cấp điện mới và phối hợp với Bưu điện tỉnh cung cấp các dịch vụ về bưu chính công ích… nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân. Việc tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn, đôn đốc, giải quyết TTHC của cá nhân, tổ chức theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại trung tâm được quản lý tập trung, thống nhất, phát huy được hiệu quả từ đó tạo được sự tin tưởng cho người dân và tổ chức. Năm 2019, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn và đúng hạn tại trung tâm đạt 99,84%.
Thường xuyên phải đến các sở, ngành để giải quyết các công việc có liên quan đến hoạt động của công ty, chị Nguyễn Thị Hương, xã Hợp Hải, huyện Lâm Thao cho biết: “Từ ngày trung tâm đi vào hoạt động tôi thấy có nhiều thuận lợi cho công dân và các tổ chức khi đến làm việc. Nếu như trước đây tôi phải di chuyển qua nhiều sở, ngành để giải quyết từng loại giấy tờ, thủ tục hành chính thì bây giờ chỉ việc qua trung tâm. Điều này tiết kiệm thời gian, nhất là đối với công dân, tổ chức không ở thành phố Việt Trì”.
Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin góp phần hiện đại hóa hành chính cũng được triển khai có hiệu quả. Hệ thống một cửa điện tử tích hợp Cổng dịch vụ công trực tuyến được triển khai đồng bộ, thống nhất cho các cơ quan nhà nước. Thông qua hệ thống tỷ lệ giải quyết các hồ sơ giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt trên 97%. Với việc UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại tại 4 UBND cấp huyện (Đoan Hùng, Phù Ninh, Thanh Sơn, Tam Nông) hiện đã có 9/13 huyện, thành, thị đi vào hoạt động theo hướng hiện đại.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Tam Nông công dân đến làm việc khá đông nhưng đều được hướng dẫn theo trình tự rõ ràng. Anh Lê Tất Thắng đến làm thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cho biết: “Mặc dù là lần đầu đến liên hệ làm việc tôi hài lòng với việc công dân hay tổ chức được hướng dẫn lấy số thứ tự, chờ đến lượt làm thủ tục. Các bước theo quy định đều được các cán bộ hướng dẫn khá tỉ mỉ, nội dung được niêm yết công khai, minh bạch khiến người dân dễ dàng tìm hiểu, tra cứu. Tất cả các TTHC giữa người dân và chính quyền được giải quyết nhanh gọn hơn rất nhiều, không còn những thủ tục rườm rà như trước đây”.
Anh Nguyễn Thanh Hải-cán bộ Văn phòng UBND huyện cho biết: “Từ khi Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Tam Nông đi vào hoạt động theo hướng hiện đại, đã tạo nhiều thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đến làm việc, từ tra cứu thông tin, kiểm tra trình tự thực hiện, thời gian giải quyết TTHC. Đối với cán bộ cũng thuận lợi cho việc quản lý thủ tục, hồ sơ. Từ đó việc giải quyết cũng đảm bảo nhanh chóng, kịp thời”.
Cải cách hành chính luôn được xác định là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền. Những kết quả đã đạt được là tiền đề tạo động lực để tiếp tục có những đột phá trong thời gian tiếp theo góp phần tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo động lực để hệ thống chính quyền trong tỉnh ngày càng hoàn thiện, phục vụ tốt nhất vì lợi ích của nhân dân và doanh nghiệp.
Theo baophutho.vn
Cải cách hành chính (CCHC) là một trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược được đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) chỉ đạo trong phiên họp thứ Tám của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ
Thực hiện khâu đột phá về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thời gian qua, UBND xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn đã xây dựng văn bản chỉ đạo về thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Cần triển khai đồng bộ các giải pháp, tập hợp mọi nguồn lực để thực hiện đầy đủ, hiệu quả những nhiệm vụ của Bộ được giao thuộc các Chương trình, Kế hoạch, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ về công tác cải cách hành chính (CCHC). Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông về công tác CCHC đến các đơn vị thuộc Bộ và truyền thông những kết quả, đóng góp của khoa học và công nghệ (KH&CN) đến người dân nhằm lan tỏavà nâng cao nhận thức của người dân và xã hội...
Tìm hiểu chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các văn bản của Trung ương, của tỉnh, trọng tâm là 06 nội dung tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; các mục tiêu, nhiệm vụ tại Kế hoạch số 1782/KH-UBND ngày 05/5/2021 của UBND tỉnh về cải cách hành chính nhà nước tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025.
Ngày 15/7/2024, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ (Ban chỉ đạo) chủ trì phiên họp thứ Tám - Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ đánh giá kết quả triển khai công tác CCHC 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ CCHC 6 tháng cuối năm 2024. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngày 19/6/2024, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh Phú Thọ ban hành Báo cáo số 86/BC-BCĐCCHC về thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính Nhà nước tỉnh Phú Thọ 6 tháng đầu năm 2024