Đó là một trong những nội dung quan trọng được chia sẻ tại Hội thảo kết quả nghiên cứu “Cấu trúc ngành lúa gạo và lợi ích của người sản xuất nhỏ ở Việt Nam” do Liên minh “vì quyền của nông dân và hiệu quả của nền nông nghiệp Việt Nam” (Liên minh nông nghiệp) tổ chức tại Hà Nội ngày 21.10.2014.
Liên minh nông nghiệp bao gồm các thành viên: Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Viện Nghiên cứu Chính sách kinh tế, Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược nông nghiệp, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Trường Đại học Cần Thơ, Viện Nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường được thành lập với tôn chỉ hoạt động là tăng tính cạnh tranh và hiệu quả của nền nông nghiệp Việt Nam, từ đó tăng thu nhập cho nông dân và khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam ở thị trường trong nước và quốc tế. Năm 2014, Liên minh nông nghiệp đã tiến hành nghiên cứu “Cấu trúc ngành lúa gạo và lợi ích của người sản xuất nhỏ ở Việt Nam” nhằm đưa ra các gợi ý chính sách nâng cao hiệu quả ngành sản xuất lúa gạo, nâng cao tiếng nói và vị thế của người nông dân sản xuất nhỏ trong định hướng ngành nông nghiệp.
Chia sẻ kết quả nghiên cứu của mình, TS Nguyễn Đức Thành - Trưởng nhóm nghiên cứu lúa gạo của Liên minh nông nghiệp cho biết: “Do được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ và trợ cấp khác nhau từ ngân sách Nhà nước nên ngành lúa gạo Việt Nam đang có khuynh hướng sản xuất thừa nhóm sản phẩm có chất lượng trung bình và thấp, xuất khẩu với giá thấp, và như vậy xuất hiện một thực tế là người đóng thuế Việt Nam thực chất đang trợ cấp cho người tiêu dùng nước ngoài đối với gạo Việt Nam. Chúng tôi đề xuất nên tính đủ phần trợ cấp vào giá gạo xuất khẩu để phản ánh đúng chi phí sản xuất và đảm bảo quyền lợi của người dân. Xuất khẩu chú trọng vào tăng giá thay vì sản lượng mới tạo động lực cho doanh nghiệp và người nông dân chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ, lựa chọn giống lúa thuần chủng, chất lượng cao, nâng cao khả năng cạnh tranh và tạo dựng thương hiệu cho ngành lúa gạo Việt Nam”.
Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, các chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đang đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu nhiều hơn, thay vì mục tiêu ban đầu là tăng tính cạnh tranh của ngành nông nghiệp và hỗ trợ cho nông dân. Ví dụ, chính sách quy định giá sàn thu mua lúa không đem lại lợi nhuận lớn hơn cho nông dân mà còn vô tình cản trở người nông dân chuyển dịch sang trồng các giống lúa chất lượng cao; chính sách cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để thu mua tạm trữ chưa chứng minh được hiệu quả rõ rệt trong việc bình ổn thị trường và hỗ trợ người nông dân yếu thế; những quy định về điều kiện xuất khẩu gạo hiện nay vô hình trung ngăn cản một bộ phận doanh nghiệp với sản phẩm gạo đặc thù (sản lượng ít, nhưng lợi nhuận và tính cạnh tranh rất cao) tham gia vào thị trường, triệt tiêu tính đa dạng của hàng xuất khẩu Việt Nam…
Bên cạnh các khuyến nghị về giá gạo và nâng cao vị thế của nông dân, nhóm nghiên cứu và nhiều đại biểu tại Hội thảo đã đề xuất một số giải pháp khác như: bãi bỏ thuế VAT (5%) với mặt hàng gạo tiêu thụ trong nước để tạo công bằng giữa doanh nghiệp phân phối gạo trong nước, doanh nghiệp xuất khẩu và tiểu thương; phát triển tài chính vi mô và bảo hiểm cho người nông dân, giúp nông dân bớt phụ thuộc vào các đơn vị cung ứng đầu vào; định hướng lại hoạt động của các tổng công ty lương thực để các chính sách đối với ngành lúa gạo được thực hiện thực sự hiệu quả…