Tại huyện Đoan Hùng nhiều gia đình đã giàu lên từ trồng bưởi
Cây làm giàu của người nông dân
Tại huyện Đoan Hùng, từ năm 2011 đến nay nhờ áp dụng biện pháp kỹ thuật, năng suất, sản lượng bưởi tăng lên rõ rệt. Nhiều hộ nông dân có thu nhập cao từ bưởi. Trên toàn huyện hiện có tổng diện tích bưởi là 2.040ha. Trong đó, bưởi đặc sản là 1.300ha (bưởi Sửu là 440ha, bưởi Bằng Luân 860ha); bưởi Diễn là 600ha còn lại là một số giống bưởi khác như bưởi chua, bưởi Xuân Vân, bưởi da xanh. Năm 2017, sản lượng bưởi quả trên địa bàn đạt 12.400 tấn (tăng hơn 10.000 tấn so với năm 2010), giá trị sản phẩm ước đạt trên 230 tỉ đồng. So sánh với các cây trồng khác, bình quân 1ha bưởi cho thu nhập cao gấp 6 lần trồng lúa, gấp 20 lần trồng cây lâm nghiệp, gấp 5 lần trồng chè. Cây bưởi đã trở thành một trong những cây trồng mũi nhọn, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Đoan Hùng. Năm 2015, bưởi Đoan Hùng chính thức được công nhận là “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam” được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đoan Hùng cho biết: “Ngành Nông nghiệp huyện tích cực tham mưu UBND huyện chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác quản lý kiểm soát chất lượng bưởi đặc sản, đặc biệt là công tác quản lý giống và công tác xây dựng mô hình áp dụng các biện pháp kỹ thuật. Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người trồng bưởi và người tiêu dùng về giá trị thương hiệu bưởi. Tổ chức cho các hộ kinh doanh bưởi ký cam kết về nguồn gốc, xuất xứ, niêm yết công khai giá bán... Năm 2017, huyện đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai thí điểm dán 20 vạn tem điện tử truy xuất nguồn gốc. Từ đó, từng bước tạo niềm tin của khách hàng với sản phẩm bưởi đặc sản Đoan Hùng”.
Ngoài huyện Đoan Hùng thì Thanh Sơn cũng là một trong những huyện có diện tích trồng cây bưởi Diễn khá lớn. Tổng diện tích cây bưởi Diễn của huyện hiện là 410,8ha, diện tích cho sản phẩm 35,8ha, diện tích trồng mới thực hiện theo Đề án phát triển kinh tế đồi rừng (giai đoạn 2014 - 2017) là 100ha. Hay như huyện Tam Nông cũng đang hình thành các vùng sản xuất tập trung bưởi Diễn tại 8 xã, gồm: Dậu Dương, Thượng Nông, Hương Nộn, Tứ Mỹ, Quang Húc, Tề Lễ, Thọ Văn, Dị Nậu và trồng nhỏ lẻ ở các vườn của hộ gia đình tại các xã còn lại. Hiện diện tích trồng bưởi Diễn trên địa bàn huyện Tam Nông có khoảng trên 60ha.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2013 diện tích và sản lượng cây bưởi trên địa bàn tỉnh là trên 1.470ha với hơn 9.800 tấn quả. Đến năm 2017, diện tích là 3.300ha với hơn 19.600 tấn quả. Giá trị thu nhập bình quân đạt 200 triệu đồng/ha/năm. Đã hình thành vùng chuyên canh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 5ha tại 2 vùng bưởi đặc sản của huyện Đoan Hùng.
Từ thực tế cho thấy, phát triển cây bưởi tại một số địa phương trong tỉnh bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Những kết quả này, mở ra một hướng phát triển mới ở chính những nơi còn nhiều khó khăn, đã từng lúng túng trong việc tìm và chuyển dịch cơ cấu cây trồng sao cho hiệu quả.
Để cây bưởi thực sự là cây trồng mũi nhọn
Việc trồng bưởi trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã mang lại nguồn lợi kinh tế ổn định cho người nông dân. Tuy nhiên, hiện nay vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do một số địa phương chưa quan tâm phát triển đúng mức theo hướng sản xuất hàng hóa.
Hộ anh Nguyễn Văn Lạc - khu 4, xã Trung Nghĩa (huyện Thanh Thủy) thành công với mô hình trồng bưởi Diễn trên đất đồi
Qua tìm hiểu thực tế tại huyện Thanh Sơn, Thanh Thủy, Tân Sơn, Đoan Hùng, Tam Nông nhận thấy, một số hộ dân chỉ chú trọng đến việc phát triển diện tích trồng mới các giống bưởi mà chưa thực sự quan tâm đến chất lượng cây giống ra sao, đầu ra như thế nào. Từ việc trồng ồ ạt không theo quy hoạch sẽ dẫn tới chất lượng không cao. Cụ thể như tại một số vườn bưởi được coi là đặc sản thì trong qui trình kỹ thuật khép kín từ khâu trồng, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh chưa được hoàn thiện nên dẫn đến vẫn còn hiện tượng tôm khô trong thời gian bảo quản hay thời gian bảo quản ngắn làm giảm giá trị hàng hóa. Mặt khác, công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm chưa được thường xuyên, liên tục. Một số chủ vườn chưa quan tâm đến việc dán tem truy xuất nguồn gốc, vì vậy khi sản phẩm đưa ra thị trường dễ bị trà trộn với các loại bưởi kém chất lượng. Từ đó, làm ảnh hưởng đến hình ảnh và thương hiệu bưởi đặc sản của Phú Thọ.
Đáng lo ngại nhất là thay vì xây dựng thương hiệu sản phẩm thì một số trường hợp kinh doanh ở những vùng có các loại quả đặc sản, vì lợi nhuận đã dùng bưởi từ nơi khác để đánh lừa người tiêu dùng. Điều này ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu cũng như sức cạnh tranh trên thị trường của sản phẩm.
Trao đổi với ông Kiều Quốc Phong - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tam Nông, được biết: Trước kia, cây bưởi Diễn trên địa bàn huyện được trồng tự do ở các hộ gia đình, chưa có quy hoạch cụ thể với quy mô nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Trước tình hình đó, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển cây bưởi Diễn, giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó, tập trung mở rộng diện tích trồng cây bưởi Diễn theo hướng hình thành các vùng sản xuất bưởi tập trung, có sản phẩm hàng hóa. Đồng thời ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, nâng cao chất lượng, mẫu mã quả. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong sản xuất, kinh doanh giống bưởi, tiến tới xây dựng “Nhãn hiệu tập thể” đối với sản phẩm bưởi Diễn Tam Nông. Hiện nay, các vườn bưởi trên địa bàn huyện có chất lượng quả rất tốt, thường được các thương lái từ nơi khác đến đặt mua từ lúc chưa thu hoạch. Ngoài việc tiêu thụ trong huyện, trong tỉnh còn có khả năng tiêu thụ ở các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nội....
Theo ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: “Để cây bưởi thực sự là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, trước hết các địa phương phải ưu tiên vấn đề an toàn thực phẩm và phát triển sản phẩm trái cây theo chuỗi liên kết và có cơ chế hỗ trợ về đất đai, tạo điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại đất cao hạn, trồng bưởi trong đất rừng sản xuất có độ dốc thấp; quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống tưới vùng đồi. Người dân cũng cần xem xét để không mở rộng diện tích một cách tràn lan, chú trọng chất lượng cây giống, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, tránh trồng theo tín hiệu thị trường”.
Cùng với đó, các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, hướng tới sản xuất quy mô lớn, hình thành vùng tập trung, phát triển bền vững theo chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ. Tiếp tục xây dựng liên kết các hộ nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc liên kết làm đầu mối cho doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị sản xuất, đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ngoài việc phát triển các loại cây bưởi thì các địa phương tùy theo điều kiện thổ nhưỡng cũng cần khuyến khích người dân trồng thêm các loại cây có múi khác như cam, chanh… để tăng thu nhập và xóa bỏ vườn tạp.
Hướng phát triển cây ăn quả có múi, đặc biệt là cây bưởi đã khẳng định được vai trò, vị thế, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp. Các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo mở rộng diện tích bưởi theo đúng quy hoạch. Tránh phát triển ồ ạt để đảm bảo chất lượng sản phẩm, khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Từ đó góp phần đưa ngành Nông nghiệp phát triển bền vững, nâng cao đời sống cho người nông dân.