Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của chính quyền là nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thành công Chính quyền điện tử theo Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Dưới sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, thời gian qua toàn tỉnh đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị, trong đó lấy người dân làm trung tâm, hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của địa phương.
Người dân đến giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa điện tử hiện đại huyện Yên Lập
Buổi sáng đầu tuần tháng 5/2019, không khí làm việc tại UBND thị xã Phú Thọ khẩn trương, nghiêm túc, mọi công việc được xử lý nhanh, hiệu quả. Đặc biệt, tại Bộ phận Một cửa điện tử, việc giải quyết các thủ tục hành chính đều được thực hiện một cách nhanh chóng. Chị Nguyễn Thị Vân Thanh, cán bộ tại Bộ phận Một cửa điện tử, UBND thị xã Phú Thọ cho biết: “Hằng ngày, chỉ cần truy cập vào hệ thống Quản lý văn bản và điều hành là chúng tôi có thể nắm được công tác chỉ đạo của lãnh đạo UBND thị xã và các văn bản chỉ đạo khác để triển khai thực hiện. Mọi công việc đều được chuyển nhận qua hệ thống thư điện tử công vụ, tiết kiệm được thời gian, đảm bảo công việc được triển khai kịp thời, tránh thất lạc”.
Ông Tạ Đức Dũng - Phó Chánh Văn phòng UBND thị xã Phú Thọ chia sẻ: “Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho cả cán bộ và người dân, giảm thời gian đi lại và các chi phí không cần thiết. Nếu như trước đây văn bản chỉ đạo từ huyện đưa xuống xã hay báo cáo từ xã gửi lên huyện phải mất vài ngày thì nay chỉ vài giây nhấp chuột là cơ sở đã nhận được văn bản chỉ đạo, ngược lại cấp trên cũng nhận được ngay kết quả từ cơ sở, từ đó có nhiều thời gian để xử lý công việc hơn”.
Với 11 đơn vị hành chính cấp xã, nhiều năm nay thị xã Phú Thọ luôn quan tâm ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn và chỉ đạo điều hành các cấp. Hằng năm, thị xã đều dành một phần kinh phí để đầu tư hạ tầng ứng dụng CNTT và đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ, công chức cấp xã. 100% các xã, phường và các phòng, đơn vị trực thuộc UBND thị xã thực hiện gửi nhận văn bản qua hệ thống phần mềm; gần 70% cán bộ công chức, viên chức sử dụng thường xuyên thư điện tử công vụ trong trao đổi công việc; từng bước triển khai chữ ký số và chứng thực điện tử cho các cơ quan. Tháng 11/2018, UBND thị xã Phú Thọ chính thức khai trương Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại. Đây cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh triển khai kết nối liên thông với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, thể hiện sự quyết tâm của thị xã nhằm nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Tính đến hết ngày 17/5/2019, Bộ phận đã tiếp nhận 2.537 hồ sơ, đã giải quyết 2.368 hồ sơ (đạt tỷ lệ 93,1%).
Công chức UBND thị xã Phú Thọ sử dụng hệ thống phần mềm dùng chung trong công tác quản lý
Năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 808/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Phú Thọ. Đây chính là nền tảng cho việc ứng dụng và phát triển CNTT từ cấp tỉnh tới cấp xã nhằm xây dựng hệ thống Chính quyền điện tử toàn diện vào năm 2020. Trên cơ sở đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch ứng dụng CNTT hằng nằm, Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2019 - 2020, Quyết định số 580/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế gửi, nhận, quản lý, lưu trữ văn bản điện tử trong các cơ quan Nhà nước tỉnh Phú Thọ và các văn bản chỉ đạo thực hiện, từ đó tạo môi trường pháp lý quan trọng để đầu tư hiệu quả cho việc ứng dụng và phát triển CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước.
Đến nay, hạ tầng CNTT trong các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước đã được đầu tư xây dựng, bổ sung, nâng cấp. Các ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành tiếp tục được triển khai, đặc biệt là phần mềm Quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã và kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia. Tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi trong nội bộ cơ quan đạt trên 68%. Tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi ra bên ngoài đạt 58%. 100% TTHC của tỉnh được cung cấp trực tuyến mức độ 2, 593 thủ tục được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3, 7 thủ tục được cung cấp trực tuyến mức độ 4.
Tháng 10/2018, với sự quyết tâm của tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh chính thức đi vào hoạt động, kết nối liên thông với các sở, ban, ngành để tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ TTHC. Mặc dù mới đi vào hoạt động, song Trung tâm đã phát huy hiệu quả, nhận được sự đồng tình và đánh giá cao của người dân, doanh nghiệp, góp phần giảm tối đa về thời gian, công sức của cá nhân, tổ chức khi thực hiện các TTHC với tỷ lệ giải quyết đúng hạn hồ sơ của tổ chức, cá nhân tại Trung tâm đạt trên 90%.
Nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn, hiện nay 100% các sở, ban, ngành đã đưa vào sử dụng hệ thống Một cửa điện tử và 8 huyện, thành, thị đã triển khai sử dụng hệ thống Một cửa điện tử hiện đại. 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị có trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin về bộ TTHC, liên kết hệ thống phần mềm một cửa điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tìm kiếm, tra cứu, theo dõi quá trình xử lý, giải quyết TTHC trên môi trường mạng.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa xây dựng được nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu dùng chung cấp tỉnh; các hướng dẫn để kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ; việc đầu tư, phát triển ứng dụng CNTT ở cấp xã chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, trở ngại lớn nhất trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT đó là thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp còn thấp, vẫn chủ yếu theo cách thức truyền thống.
Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính quyền điện tử trong thời gian tới, ông Lê Quang Thắng - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Phú Thọ. Đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi nhằm triển khai lộ trình ứng dụng và phát triển CNTT, xây dựng mô hình hoàn chỉnh về hệ thống Chính quyền điện tử cấp tỉnh.
Cùng với đó, tiếp tục tham mưu với tỉnh tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo Chính quyền điện tử của tỉnh; đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh, sử dụng hiệu quả ứng dụng CNTT trong hoạt động nghiệp vụ, đảm bảo hạ tầng và các ứng dụng phải tích hợp với trục liên thông của tỉnh theo yêu cầu của Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh. Tham mưu triển khai hệ thống quản lý, điều hành Chính quyền điện tử liên thông các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, ứng dụng dùng chung, dùng riêng phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh. Cùng với đó, xây dựng nền tảng kết nối, chia sẻ quy mô cấp tỉnh nhằm khai thác tối đa chức năng, tiết kiệm chi phí, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan đơn vị cần nâng cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành và có sự vào cuộc mạnh mẽ của cán bộ công chức, viên chức để đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng các ứng dụng CNTT trong giao tiếp với các cơ quan hành chính nhà nước, đưa chính quyền tới gần dân và đưa dân tới gần chính quyền.
Theo phutho.gov.vn
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ký ban hành Nghị quyết số 1282/NQ-UBTVQH15 ngày 14/11/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2023-2025. Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo (KNST) Việt Nam (TECHFEST) 2024 hứa hẹn sẽ là sự kiện quan trọng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào KNST tại Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng, tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 749 ngày 3/6/2020 phê duyệt chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Phú Thọ đã ban hành các Nghị quyết, quyết định về Đề án phát triển phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngày 15/11/2024 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Lễ công bố Quyết định về công tác cán bộ.
Ngày 16/11/2024, Trường Đại học Hùng Vương đăng cai tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế thường niên lần thứ III năm 2024 với chủ đề “Những vấn đề mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông”.
Trong thời đại công nghệ hiện đại, trí tuệ nhân tạo (AI) thường được xem là cuộc đua dành cho những quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh mẽ và nền tảng công nghệ cao. Tuy nhiên, blockchain lại khác: nó được coi là một “cơ hội chia đều” cho mọi quốc gia. Với Chiến lược Blockchain Quốc gia được Việt Nam công bố gần đây, chúng ta có cơ hội tham gia vào lĩnh vực công nghệ tiên tiến này và đạt được vị thế quốc tế.