Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ KH&CN phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0).
Đây là một nội dung của Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017 vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ xác định rõ một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung trong thời gian tới là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 19/2017/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ.
Tập trung đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạp chuyển động thực sự từ Trung ương đến cơ sở để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, nhanh hơn, thân thiện hơn. Tăng cường lắng nghe, đối thoại với người dân, doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận, trả lời kiến nghị của người dân và doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Cũng trong Nghị quyết mới ban hành, cùng với yêu cầu Bộ KH&CN phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ cũng được chỉ đạo Bộ này phối hợp với các Viện nghiên cứu, trường đại học thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với phát triển doanh nghiệp tư nhân.
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN còn được yêu cầu khẩn trương xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động chuyển giao công nghệ; phát triển thị trường khoa học và công nghệ; nâng cao trình độ, tiềm lực công nghệ quốc gia.
Theo nhận định của Thủ tướng Chính phủ, là quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam.
Trước đó, vào đầu tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Thủ tướng Chính phủ nhận định, Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm, tạo ra sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ; tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển; tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số và Internet đồng thời cũng là cơ hội lớn cho sản xuất công nghiệp với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến.
Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức, tác động tiêu cực như: sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh; dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thông, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế xã hội đất nước; mất an toàn, an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao. Mặt khác có khả năng xuất hiện làn sóng đẩy công nghệ lạc hậu từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển và chậm phát triển.
Theo Chỉ thị, do những thay đổi mang tính cách mạng về khoa học và công nghệ dẫn tới thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, mô hình kinh tế, hệ thống quản lý nhà nước, xã hội cũng như phương thức hoạt động của các doanh nghiệp.
Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra những thách thức đối với một số ngành, lĩnh vực cụ thể như: Yêu cầu về đổi mới công nghệ trong lĩnh vực CNTT; đẩy mạnh khoa học phân tích và quản lý và xử lý dữ liệu lớn tạo ra tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định và tạo lợi thế cạnh tranh. Yêu cầu về đổi mới mô hình quản lý, sản xuất, tối ưu hóa mô hình kinh doanh, thiết lập chuỗi cung ứng và hậu cần thông minh trong mạng lưới chuỗi giá trị toàn cầu và mô hình thuế quan mới. Yêu cầu về hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ mới, tốt hơn trong thời đại số. Yêu cầu cao hơn về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng.
Bên cạnh việc chỉ rõ những thách thức do ảnh hưởng, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ 6 nhóm giải pháp mà người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai trong thời gian tới nhằm tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với Việt Nam.