Trong thời đại công nghệ hiện đại, trí tuệ nhân tạo (AI) thường được xem là cuộc đua dành cho những quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh mẽ và nền tảng công nghệ cao. Tuy nhiên, blockchain lại khác: nó được coi là một “cơ hội chia đều” cho mọi quốc gia. Với Chiến lược Blockchain Quốc gia được Việt Nam công bố gần đây, chúng ta có cơ hội tham gia vào lĩnh vực công nghệ tiên tiến này và đạt được vị thế quốc tế. Đây là thời khắc quan trọng để Việt Nam trở thành một trong những nước tiên phong trong ngành blockchain, với mục tiêu vào năm 2030 đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực về công nghệ này.
Ngày 22/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1236/QĐ/TTg, chính thức công bố Chiến lược Quốc gia về phát triển công nghệ blockchain đến năm 2025, với định hướng đến năm 2030. Mục tiêu rõ ràng của Chiến lược là đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia tiên phong về blockchain tại khu vực, đồng thời tạo ra vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.
Chiến lược Blockchain Quốc gia không chỉ là lời cam kết của Chính phủ về việc hỗ trợ phát triển ngành công nghệ này, mà còn đặt nền móng cho một khung pháp lý minh bạch, an toàn cho doanh nghiệp và người dân. Với khung pháp lý này, các doanh nghiệp có thể tự tin đầu tư vào blockchain, từ đó thúc đẩy sáng kiến đổi mới và năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Một báo cáo của Chainalysis cho thấy Việt Nam hiện có hơn 20 triệu người sở hữu tài sản mã hóa, chiếm khoảng 20% dân số và đứng thứ 5 toàn cầu về mức độ chấp nhận tài sản mã hóa. Con số này là minh chứng cho sự phát triển của blockchain tại Việt Nam, một quốc gia đang phát triển nhưng có tiềm năng vượt trội trong lĩnh vực này. Trong top 20 quốc gia có mức độ chấp nhận tài sản mã hóa cao nhất thế giới, phần lớn đều là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, Ấn Độ, Nigeria, và Indonesia, cho thấy blockchain có thể vượt qua những rào cản kinh tế và hạ tầng kỹ thuật mà các nước khác không thể vượt qua trong cuộc đua AI. Blockchain thực sự là một cơ hội để Việt Nam, cùng các nước đang phát triển khác, cạnh tranh trên sân chơi công nghệ quốc tế mà không phải lo ngại về các yêu cầu đầu tư quá cao hay nền tảng công nghệ phức tạp như AI, bán dẫn hay xe điện.
Chiến lược Blockchain quốc gia tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp phát triển và đón đầu xu hướng blockchain toàn cầu. Chính phủ sẽ tạo ra một môi trường pháp lý rõ ràng, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào blockchain. Điều này giảm thiểu các rủi ro về tuân thủ pháp luật và giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc khuyến khích ứng dụng blockchain trong các ngành như tài chính, logistics, nông nghiệp, và quản lý dữ liệu cũng mở ra thị trường mới cho các doanh nghiệp blockchain trong nước. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ blockchain có thể tìm thấy nhiều cơ hội tăng trưởng và mở rộng trong các lĩnh vực này.
Một yếu tố khác là việc tham gia vào các cơ chế thử nghiệm (sandbox). Chiến lược Blockchain quốc gia tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ trong một môi trường an toàn trước khi triển khai thực tế, tối ưu nguồn lực và giảm thiểu rủi ro. Đặc biệt, định hướng “Make in Vietnam” cũng giúp các doanh nghiệp nội địa phát triển mạnh mẽ hơn, không chỉ tại thị trường trong nước mà còn sẵn sàng vươn ra thị trường quốc tế.
Trong Chiến lược Blockchain cuốc gia, Chính phủ chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, yêu cầu đưa blockchain vào các trường đại học và cơ sở giáo dục có ngành học phù hợp. Đồng thời, các nền tảng học trực tuyến mở cũng sẽ được khuyến khích để tạo ra đội ngũ nhân sự am hiểu về blockchain, sẵn sàng đón đầu xu hướng công nghệ trong tương lai.
Đặc biệt, với sự tham gia của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) và các đơn vị thành viên như Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII, việc phổ cập blockchain và AI thông qua các khóa học, hội thảo và hội nghị sẽ giúp tạo nên một cộng đồng vững mạnh trong ngành công nghệ này. Các khóa học blockchain trực tuyến như MasterTeck đã bắt đầu xuất hiện, tạo cơ hội học tập rộng mở cho cộng đồng.
Chiến lược Blockchain quốc gia mở ra tương lai phát triển bền vững cho công nghệ blockchain trong nước. Dù sẽ còn nhiều thách thức như hoàn thiện khung pháp lý, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức cộng đồng, Chiến lược này cho thấy quyết tâm lớn của Chính phủ trong việc đặt nền móng cho Việt Nam trở thành một quốc gia tiên phong trong ngành blockchain.
Với lộ trình chiến lược rõ ràng và cam kết từ Chính phủ và các bên liên quan, các thách thức sẽ từng bước được tháo gỡ. Điều này sẽ đưa blockchain ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực quan trọng như tài chính, logistics, y tế, giáo dục, và quản lý công. Việt Nam có thể sớm xây dựng hệ sinh thái blockchain toàn diện và đồng bộ, giúp tạo dựng một môi trường hợp tác tích cực giữa các bên, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy nền kinh tế số phát triển bền vững.
Theo vista.gov.vn
Ngày 07/12, tại Nhà luyện tập và thi đấu thể thao tỉnh Phú Thọ, Khối thi đua Văn hóa - Xã hội tổ chức giao lưu thể thao giữa các cơ quan, đơn vị trong khối. Với sự tham gia của gần 130 vận động viên đến từ 12 cơ quan, đơn vị trong Khối thi đua Văn hóa - Xã hội tỉnh Phú Thọ.
Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST).
Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác tổ chức đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương nhiệm kỳ 2025 - 2030 vừa được tổ chức ngày 4/12/2024.
Chuỗi sự kiện diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 26-28/11/2024) tại TP Hải Phòng với nhiều hoạt động gồm: Lễ khai mạc TECHFEST Việt Nam 2024, Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao, Triển lãm các sản phẩm/dịch vụ khởi nghiệp sáng tạo, Chuỗi hội thảo chuyên sâu về phát triển hệ sinh thái KNST, Kết nối đầu tư, Cuộc thi Tìm kiếm tài năng KNST Việt Nam...
Nếu như cách đây hơn chục năm, Phú Thọ vẫn trong tốp các tỉnh khó khăn, còn tồn tại các vùng lõm, “vùng trắng” về sóng điện thoại di động cũng như nghèo về hạ tầng số, thì đến nay, tỉnh đang là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi số, nhất là sự phát triển vượt bậc và nhanh chóng về hạ tầng số cùng những tiện ích đi kèm phục vụ Nhân dân.
Trong bối cảnh thế giới đang trải qua ba cuộc chuyển đổi lớn - công nghệ, xanh và trí tuệ nhân tạo (AI) - Việt Nam cũng không đứng ngoài dòng chảy đó. Đặc biệt, trong thời đại của chuyển đổi số, dữ liệu đã trở thành một tài nguyên quý giá và là yếu tố quyết định để quốc gia vươn mình phát triển mạnh mẽ. Chủ tịch Tập đoàn FPT, ông Trương Gia Bình, khẳng định rằng Việt Nam có tiềm năng trở thành cái nôi cung cấp tài năng công nghệ cho thế giới