- 35 tuổi, chị Lê Thị Hồng Phương (quê ở xã Đỗ Sơn, huyện Thanh Ba) hiện là Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển trà UT. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo cùng niềm đam mê và khát vọng khởi nghiệp, nữ giám đốc 8X đã thành công trong việc khôi phục lại giống chè cổ búp tím trên quê hương Thanh Ba, đưa thương hiệu chè đặc biệt này đến với nhiều thị trường trong nước và quốc tế. Mới đây, Dự án “Bảo tồn và phát triển chè búp tím Thanh Ba” của chị đã đạt giải Ba Vòng chung kết toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.
Dự án “Bảo tồn và phát triển chè búp tím Thanh Ba” của chị Phương (người ngoài cùng bên trái) đạt giải Ba Vòng chung kết toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023
Mạnh dạn khởi nghiệp từ cây chè
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông thôn có hoàn cảnh khó khăn, ngay từ nhỏ, chị Phương đã có ý thức tự lập, quyết tâm vượt khó vươn lên và đạt nhiều thành tích đáng nể trong học tập. Sau khi tốt nghiệp THPT, chị thi đỗ vào Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội với chuyên ngành Quản trị kinh doanh.
Trong quá trình học đại học, chị Phương không chỉ học giỏi chuyên ngành mà còn không ngừng trau dồi vốn ngoại ngữ. Chính thế mạnh giỏi giao tiếp bằng tiếng Anh đã giúp chị “săn” được nhiều học bổng của các công ty, tập đoàn quốc tế; tạo cơ hội để chị có được việc làm tại các doanh nghiệp lớn trong nước sau khi tốt nghiệp đại học. Đây cũng chính là lợi thế lớn giúp chị giao tiếp, đàm phán thành công với các đối tác nước ngoài và ký kết được nhiều hợp đồng lớn, mở rộng thị trường xuất khẩu sau này.
Mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, cùng niềm đam mê và khát vọng khởi nghiệp, chị Phương đã thành công trong việc khôi phục lại giống chè cổ búp tím Thanh Ba
Theo chị Phương, cơ duyên dẫn chị đến với ngành Chè là thời điểm chị gắn bó với Công ty TNHH Chè Hiệp Thành. Thời gian làm việc tại đây, chị đã tự nghiên cứu kỹ thuật chế biến, sản xuất chè xanh, chè đen, tìm hiểu thị trường và học hỏi phương thức xuất khẩu. Với vốn kiến thức và kinh nghiệm tích lũy, năm 2016, chị mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển trà UT tại Hà Nội với sản phẩm chủ lực là chè xanh, số vốn ban đầu là 300 triệu đồng. Thời gian đầu khởi nghiệp, chị vừa làm giám đốc, vừa làm công nhân, tự tìm nguồn hàng và thị trường đầu ra. Nhờ nỗ lực và quyết tâm vượt khó, chỉ sau 1 năm, sản phẩm chè xanh của chị đã bước đầu được khách hàng biết đến.
Với quyết tâm trở về làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, năm 2017, chị Phương chuyển Công ty về xã Đỗ Sơn, huyện Thanh Ba. Một mình chị đứng ra thuê đất, xây dựng nhà xưởng, mua thêm máy móc, trực tiếp tuyển dụng và đào tạo công nhân với phương pháp “cầm tay chỉ việc”. Chị cũng tự mày mò, tìm công thức chế biến các loại chè đảm bảo tiêu chí sạch, an toàn vệ sinh và chuẩn thương hiệu. Sau hơn 2 năm hoạt động, Công ty dần đi vào ổn định, có chỗ đứng trên nhiều thị trường trong và ngoài nước như Pakistan, Afghanistan, Tajikistan, Đài Loan, Dubai, Đức, Ả Rập. Mỗi năm, doanh thu của Công ty đạt trên 40 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 25 công nhân lao động.
Trăn trở bảo tồn và phát triển giống chè cổ của quê hương
Chè búp tím là giống chè cổ, quý hiếm, có giá trị kinh tế cao của huyện Thanh Ba
Nhận thấy giống chè cổ búp tím là một trong những đặc sản, thế mạnh của địa phương, đem lại giá trị kinh tế cao nhưng đang có nguy cơ bị mai một, năm 2020, chị Phương quyết định mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư xây dựng thêm cơ sở chế biến chè tại xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba với tổng diện tích 800m2 với mong muốn khôi phục, quảng bá, giới thiệu rộng rãi thương hiệu chè này đến với người tiêu dùng.
Trăn trở làm thế nào để khôi phục và phát triển giống chè cổ bản địa, chị Phương cho biết: Chè búp tím là giống chè quý hiếm, có chất lượng, hương thơm, vị đượm đặc trưng, giàu chất antoxian, tác dụng chống ôxy hóa, nhiều dưỡng chất, có lợi cho sức khỏe. Trước đây, việc canh tác giống chè này tại địa phương vẫn theo phương thức thủ công dẫn đến năng suất không cao bằng các giống chè mới khác. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ nên sản phẩm chưa có tính hàng hóa cao. Nhiều diện tích chè búp tím bị chặt bỏ thay thế bằng giống chè lai hay các loại cây trồng khác có năng suất cao hơn. Nhận thấy nguy cơ bị mai một của giống chè này, chúng tôi đã lên ý tưởng xây dựng Dự án “Bảo tồn và phát triển chè búp tím Thanh Ba”.
Vùng nguyên liệu chè búp tím của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển trà UT do chị Phương làm chủ có diện tích 17ha, liên kết với 20 hộ dân tại địa phương
Trong quá trình triển khai dự án, xác định vùng nguyên liệu chất lượng cao là điều kiện tiên quyết để xây dựng thương hiệu sản phẩm, chị đã khảo sát thổ nhưỡng, vận động, liên kết với hàng chục hộ dân có đất trên địa bàn. Từ vài ha ban đầu, đến nay vùng nguyên liệu trồng chè búp tím đã được mở rộng lên 17ha.
“Ban đầu, bà con nông dân còn thiếu niềm tin vào tương lai của giống chè mới nên chúng tôi phải dành nhiều thời gian tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi đất hoang, đất trồng cây lâm nghiệp sang trồng chè. Đồng thời, chủ động hướng dẫn, hỗ trợ bà con thay đổi phương thức canh tác theo hướng hữu cơ, đảm bảo sản phẩm chè làm ra không chỉ ngon, có tính y học đặc biệt mà còn an toàn, lưu giữ và phát huy hết công dụng. Hiện nay, 100% diện tích chè được chăm sóc, thu hái đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, chỉ sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm vi sinh, thu hái đúng tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá non. Cùng với đó, việc thu hoạch phục vụ chế biến được theo dõi từng ngày, từng lô riêng biệt đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn, không bị lỗi” - nữ giám đốc 8X chia sẻ thêm.
Nhờ những nỗ lực trong đổi mới canh tác, Dự án “Bảo tồn và phát triển chè búp tím Thanh Ba” của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển trà UT do chị Phương làm chủ đã mang lại giá trị kinh tế cao, đóng góp vào nền kinh tế địa phương, phát huy tài nguyên bản địa và nâng cao vai trò của phụ nữ trên địa bàn khi tham gia vào chuỗi cung ứng của dự án. Hiện sản phẩm chè búp tím Thanh Ba đã được UBND tỉnh cấp chứng nhận OCOP 4 sao. Năm 2023, dự kiến sản lượng chè búp tím tươi của Công ty đạt khoảng 25 tấn; doanh thu từ chè búp tím đạt khoảng 3 tỷ đồng.
Hiện nay, sản phẩm chè búp tím Thanh Ba đạt chứng nhận OCOP 4 sao, được xuất khẩu ra nhiều thị trường trong và ngoài nước
Không ngừng đổi mới, sáng tạo để tạo ra đột phá trong sản xuất kinh doanh cùng cùng tình yêu, hoài bão lớn với cây chè, nữ giám đốc trẻ Lê Thị Hồng Phương đã thành công trong hành trình khôi phục lại giống chè búp tím và làm giàu trên mảnh đất quê hương. Với chị, chỉ cần có ý chí, có đam mê, khát vọng và niềm tin thì khó khăn nào cũng vượt qua, ước mơ nào cũng trở thành hiện thực.
Theo phutho.gov.vn
Ngày 12/11/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo tham vấn phục vụ công tác thẩm định Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định tham dự và chủ trì Hội thảo.
Nghị định số 38/2018/NĐ-CP đang được sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy nguồn vốn đầu tư cho cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Đó là chủ đề của Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo (KNST) Quốc gia - TECHFEST 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26 - 28/11/2024 tại thành phố Hải Phòng do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng tổ chức.
Chiều ngày 01/11/2024, tại Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị thẩm định 06 dự án đổi mới công nghệ. Bà Chu Thị Bích Thủy – Phó Giám đốc Sở làm Chủ tịch Hội đồng.
Ngày 28/10, BTC các hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh đã tổ chức tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng và Hội thi sáng tạo kỹ thuật năm 2024.
Với sự gia tăng nhanh chóng của ô nhiễm nhựa trên toàn cầu, việc tìm kiếm những giải pháp sáng tạo và bền vững là bước đi cấp bách để bảo vệ môi trường và đạt được mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2050. Cuộc thi 'Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024', do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BritCham), Unilever Việt Nam và Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) tổ chức