Thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 10/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ (Chỉ thị 17), cũng như triển khai hoạt động của Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020 (Quyết định số 370/QĐ-TTg); ngày 15/7/2016 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ (Cục ATBXHN) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Thông tin tuyên truyền về an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân.
Đến dự và chỉ đạo Hội thảo có ông Vương Hữu Tấn, Cục Trưởng Cục ATBXHN; tham dự Hội thảo về phía Cục ATBXHN còn có các Phó Cục trưởng ông Dương Quốc Hùng và ông Lê Quang Hiệp; ông Nguyễn Trung Tính, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Đào tạo, Cục ATBXHN - Trưởng ban tổ chức Hội thảo và các báo cáo viên từ Cục ATBXHN. Về phía khách mời có: ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH&CN Thành phố Hồ Chí Minh; ông Lê Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Dương; đại diện Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt Hội thảo có sự tham dự của nhiều sở KH&CN các tỉnh phía Nam; sự tham dự của các cơ sở có sử dụng thiết bị bức xạ và nguồn phóng xạ tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Sau một ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm, Hội thảo về an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ đã thu được kết quả tốt đẹp. Các đại biểu tham dự Hội thảo đã được trao đổi về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bao gồm Chỉ thị số 17 của Thủ tướng Chính phủ, các quy định về an ninh nguồn phóng xạ, công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ tại Thành phố Hồ Chí Minh, công tác thanh tra an toàn bức xạ, công tác cấp phép trong lĩnh vực an toàn bức xạ, hệ thống giám sát an ninh nguồn phóng xạ sử dụng di động và các bài học kinh nghiệm từ 3 sự cố mất nguồn phóng xạ trong thời gian gần đây ở nước ta.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã có nhiều ý kiến thảo luận về các báo cáo được trình bày tại Hội thảo và đặt ra nhiều vấn đề cần phải khắc phục nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ. Hội thảo đã thống nhất nhận định là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ của Việt Nam là khá đầy đủ, tuy nhiên hiệu lực và hiệu quả thi hành còn hạn chế, cụ thể là vẫn còn có hoạt động sử dụng bức xạ chưa được cấp phép, công tác thanh tra chưa bảo đảm đầy đủ tần suất theo quy định của pháp luật. Các Sở KH&CN vẫn chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm quản lý toàn diện an toàn bức xạ trên địa bàn, mà mới chỉ quan tâm đến việc quản lý an toàn các cơ sở X-quang trong y tế. Hội thảo cũng nhấn mạnh trách nhiệm bảo đảm an toàn bức xạ trước hết thuộc về các cơ sở bức xạ, nhưng trong thực tế chưa được các cơ sở bức xạ nhận thúc đầy đủ. Đó là nguyên nhân dẫn đến các sự cố mất an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ trong thời gian qua. Một số Sở KH&CN có đặt vấn đề về việc tồn tại các bất cập về văn bản quy phạm pháp luật như chồng chéo, không thống nhất, thiếu đồng bộ, nhưng không nêu cụ thể là ở những văn bản nào. Cục ATBXHN đã đề nghị các Sở KH&CN cần gửi các đề nghị cụ thể yêu cầu chỉnh sửa bổ sung cho các bất cập đã nêu trong Hội thảo về Cục ATBXHN để nghiên cứu chỉnh sửa. Hội thảo cũng đã nêu các bất cập trong quy định về bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế được nêu trong Thông tư số 13/2014/TT-BKHCN. Cục ATBXHN đề nghị các cơ sở y tế sớm gửi về Bộ KH&CN các ý kiến về các bất cập này để Bộ KH&CN xem xét quyết định chỉnh sửa bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn ở nước ta. Một vấn đề cũng được Hội thảo quan tâm là việc lưu giữ các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, trong đó có việc xây dựng kho lưu giữ tập trung lâu dài của quốc gia và phí lưu giữ các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Cục ATBXHN đã giải trình kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ này theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ KH&CN. Một số vấn đề khác mà các đại biểu quan tâm như quy định về dấu hiệu cảnh báo nguồn phóng xạ, quy định về trách nhiệm, quyền lợi và yêu cầu về trình độ chuyên môn của cán bộ phụ trách an toàn bức xạ, vấn đề giám sát nguồn phóng xạ tại các cơ sở thu mua phế liệu sắt thép và cơ sở tái chế phế liệu sắt thép, vấn đề xây dựng quy trình nội bộ quản lý an toàn bức xạ cho các cơ sở y học hạt nhân và các cơ sở chẩn đoán hình ảnh sử dụng dược chất phóng xạ và các bài học kinh nghiệm từ 3 sự cố mất an ninh nguồn phóng xạ trong thời gian gần đây ở nước ta.
Hội thảo đã thành công tốt đẹp, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp quản lý và các cơ sở bức xạ ở khu vục Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận trong công tác bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ. Trên cơ sở kết quả của Hội thảo các Sở KH&CN cũng như các cơ sở bức xạ trong khu vực sẽ có thay đổi về nhận thức và hành động để từng bước nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ theo tinh thần Chỉ thị số 17 của Thủ tướng Chính phủ./.