Ngày 25/11/2015 tới, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN), Bộ KH&CN sẽ tổ chức “Hội nghị Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ năm 2015”.
Hội nghị là diễn đàn để các cơ quan quản lý nhà nước, các viện, trường, doanh nghiệp thảo luận về các chính sách và giải pháp phát triển hệ thống doanh nghiệp KH&CN ở Việt Nam.
Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo Bộ KH&CN và UBND Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các đơn vị có liên quan thuộc Bộ KH&CN; đại diện lãnh đạo Sở KH&CN các tỉnh, thành phố trong cả nước; đại diện một số trường đại học, cao đẳng và viện nghiên cứu; đại diện các doanh nghiệp KH&CN và các doanh nghiệp tiềm năng trở thành doanh nghiệp KH&CN.
Tại Hội nghị, các đại biểu sẽ nghe tình hình phát triển doanh nghiệp KH&CN toàn quốc; nguồn nhân lực trong phát triển doanh nghiệp KH&CN; chia sẻ của doanh nghiệp điển hình về hoạt động doanh nghiệp KH&CN thành công. Đại diện một số Sở KH&CN và doanh nghiệp cũng sẽ có tham luận. Đại diện doanh nghiệp, nhà khoa học và các cơ quan quản lý KH&CN sẽ cùng trao đổi, thảo luận về các chính sách phát triển doanh nghiệp KH&CN…
Thông tin từ Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN cho biết, tính đến tháng 11/2015, cả nước có 204 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN và còn nhiều hồ sơ đang trong quá trình xử lý, họp hội đồng và hoàn thiện hồ sơ.
Doanh nghiệp KH&CN hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực công nghệ ưu tiên gồm: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo máy – tự động hóa và công nghệ môi trường. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, một số doanh nghiệp vẫn đạt được doanh thu, lợi nhuận cao từ các sản phẩm KH&CN, điển hình như: Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi Thái Dương, Xí nghiệp cơ khí Quang Trung, Công ty TNHH cơ khí nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu....
Trong số các doanh nghiệp KH&CN, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ chế biến sau thu hoạch, giống vật nuôi) chiếm số lượng lớn, sở hữu hoặc sử dụng nhiều kết quả KH&CN và đều kinh doanh hiệu quả, có doanh thu và lợi nhuận cao. Ví dụ như: Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương, Công ty cổ phần đầu tư phát triển ngô Việt Nam, Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Hải Dương...
Tuy nhiên, trong hoạt động phát triển doanh nghiệp KH&CN vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc như cách hiểu của các cơ quan quản lý nhà nước về Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN chưa thống nhất (chưa coi Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN là Giấy đăng ký hoạt động KH&CN của doanh nghiệp; trong việc tiếp cận các ưu đãi vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải có Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư,...).
Theo điều kiện chứng nhận doanh nghiệp KH&CN thì hầu hết các doanh nghiệp sản xuất phần mềm theo quy định của Luật công nghệ thông tin đáp ứng điều kiện công nhận doanh nghiệp KH&CN. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp sản xuất phần mềm được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp tương đương với doanh nghiệp KH&CN. Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cũng được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước, với những điều kiện còn dễ dàng hơn so với doanh nghiệp KH&CN. Chính vì vậy, các doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.
Cùng với đó là các doanh nghiệp KH&CN có cơ sở hạ tầng để sản xuất, kinh doanh đầu tư còn nhỏ, thiếu vốn. Vấn đề thương mại hóa sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN của doanh nghiệp còn khó khăn do rào cản từ cơ chế chính sách, tâm lý e ngại từ người tiêu dùng, công nghệ mới với giá thành cao,…